Tại sao người già dễ mắc bệnh viêm phổi?
Bệnh viêm phổi không chỉ gặp ở trẻ nhỏ mà người già cũng hay mắc phải. Theo bác sĩ Nguyễn Thành, khoa Hồi sức tích cực-Bệnh viện Thanh Nhàn, người già thường mắc bệnh viêm phổi là do sự lão hóa của hệ thống bảo vệ miễn dịch chung và bộ máy hô hấp của cơ thể. Khi hệ miễn dịch bị lão hóa thì cơ thể rất nhạy cảm với thời tiết, sức đề kháng kém, việc chống đỡ với thời tiết thay đổi đột ngột yếu và dễ bị tấn công bởi các loại vi khuẩn...
Ngoài ra, người già hay mắc các bệnh mạn tính gây suy giảm miễn dịch như: các bệnh ác tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường… nên phải dùng thuốc kéo dài, một số loại thuốc gây ức chế miễn dịch cũng tạo điều kiện dễ dàng cho vi khuẩn xâm nhập vào phổi.
Viêm phổi cũng thường diễn ra sau khi bị cúm, cảm lạnh, hoặc bị lây bệnh ngay trong bệnh viện, do đi khám bệnh hoặc nằm viện điều trị một bệnh nào đó. Ngoài ra, viêm phổi cũng có thể xuất hiện khi hít phải các chất như bụi bẩn, nấm mốc, khói thuốc lá... hoặc do hút thuốc lá.

Triệu chứng của bệnh viêm phổi
Theo bác sĩ Nguyễn Thành, bệnh viêm phổi ở người già nếu ở thể nhẹ thường có các triệu chứng tăng nhiệt độ nhẹ, ho ít, có đờm, hay bị đau tức ngực nhất là khi thở sâu hay ho.
Khi bị viêm phổi nặng, bệnh nhân cảm thấy khó thở, dẫn đến suy hô hấp, tím môi, đầu các chi, vã mồ hôi khi thở, có khi mồ hôi nhễ nhại, kèm theo biểu hiện tăng nhịp thở và nhịp tim, thở hổn hển, ho nhiều, bệnh nhân có thể bị ho ra đờm hoặc lẫn máu.… Ngoài ra còn xuất hiện một số triệu chứng như đau đầu, ăn không ngon miệng, mệt mỏi.
Đặc biệt là ở người cao tuổi, khi bị viêm phổi thường xuất hiện tình trạng tinh thần suy giảm một cách bất thường có thể lú lẫn, rối loạn tâm thần…

Phòng bệnh viêm phổi ở người cao tuổi
Để phòng bệnh viêm phổi cho người già, bác sĩ Nguyễn Thành khuyên: trước hết, khi có các dấu hiệu nghi ngờ bị viêm phổi như: sốt nhẹ, gai rét, mệt, ho nhẹ... cần được khám bệnh một cách toàn diện để xác định nguyên nhân và có phương pháp điều trị dứt điểm.
Việc dùng thuốc, các loại thực phẩm chức năng, các loại vitamin… với người già phải rất thận trọng, cần dùng thuốc gì, dùng trong bao lâu, liều lượng như thế nào là do bác sĩ khám bệnh kê đơn và tư vấn sử dụng.
Người già cần ở nơi thông thoáng, không hút thuốc lá, thuốc lào; nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa và đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng, ăn thêm rau xanh và trái cây. Hàng ngày cần uống khoảng từ 1,5-2 lít nước. Chú ý vệ sinh tốt họng, miệng hàng ngày. Nên vận động cơ thể tùy theo sức khỏe và điều kiện của từng người, nhưng tránh tập vào buổi sáng sớm những ngày trời rét, vận động nhẹ nhàng. Những người bị liệt cần được thay đổi tư thế thường xuyên, ngồi nhiều hơn nằm, được xoa bóp các cơ bắp, bụng và tập hít thở sâu càng tốt. Cẩn thận khi phải ra vào những nơi có máy điều hòa nhiệt độ để không bị nóng lạnh đột ngột. Khi ra đường nên đeo khẩu trang để tránh hít phải bụi bẩn.
Thành An