Nhóm lợi ích được “sinh” ra từ lợi ích nhóm. Hai khái niệm này là biểu hiện sự tha hóa của quyền lực. Chủ thể của nó là cán bộ, đảng viên, có chức có quyền ở các cấp. Lợi ích nhóm chủ yếu xem xét về phương diện “phân chia” lợi ích. Còn nhóm lợi ích xem xét chủ yếu về cơ chế, tổ chức ngầm ăn chia giữa nhóm cán bộ công chức được kết nối với doanh nghiệp (sân sau) mà lợi ích nhóm tác động tạo ra.
Lợi ích nhóm về bản chất là lợi ích bất chính của cá nhân nhưng được thông quan một nhóm (cán bộ, công chức tương đối ổn định) có chung một thỏa thuận ngầm về ăn chia. Tính chất nguy hiểm của lợi ích nhóm không chỉ ở chỗ nó xâm hại lợi ích chung mà còn làm suy yếu chế độ và nhà nước.
Chẳng hạn khi một dự án nào đó do tác động của nhóm lợi ích được thông qua để họ thu về một khoản lợi, thì tất yếu dẫn đến hại cho tập thể và thường là hại lớn hơn nhiều lần so với “lợi” cho một nhóm người. Ví dụ, để một doanh nghiệp bớt được một khoản kinh phí trong xử lý nước thải thì đồng nghĩa với việc nước thải của doanh nghiệp đó xử lý chưa đạt yêu cầu đổ ra môi trường… Không chỉ các dự án liên quan đến môi trường mà hàng loạt dự án “nghìn tỷ” ở nhiều lĩnh vực khác trên đất nước ta đang đắp chiếu, hoặc đầu tư dang dở đã dẫn đến nợ công cao, nợ xấu của nhiều ngân hàng, của doanh nghiệp khó có khả năng thanh toán… mà nguyên nhân đều bắt đầu từ lợi ích nhóm. Điều này đã dẫn đến nền kinh tế của chúng ta gặp khó khăn, lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ giảm sút.
Đấu tranh chống lợi ích nhóm là một cuộc đấu tranh rất khó khăn. Bởi chủ thể của nhóm lợi ích nằm ngay trong hệ thống chính trị, thậm chí lại ở những người có quyền cao chức trọng. Đối tượng thường là đồng chí, anh em gần gũi. Hầu hết họ vốn là những người “nhân thân tốt”, có công với đất nước, thậm chí từng “vào sinh ra tử”. Hơn nữa nhóm lợi ích thường lợi dụng ngay những chủ trương, chính sách, cơ chế chưa hoàn thiện, hay đã lạc hậu của Đảng và Nhà nước để cấu kết với nhau tạo ra kẽ hở nhằm thực hiện ý đồ của cá nhân, làm cho cơ quan bảo vệ pháp luật không khỏi run tay.
Gần đây có tình trạng hễ thấy một cán bộ mới xuất hiện ở vị trí A, vị trí B là rộ lên câu hỏi: “Đồng chí ấy là con đồng chí nào vậy?”. Nghĩa là ở một số trường hợp lợi ích nhóm đã chi phối nhóm lợi ích trong cả công tác nhân sự của Đảng. Các thế lực thù địch thường lợi dụng triệt để những “tế bào lạ” đó để tuyên truyền, xuyên tạc, bôi nhọ Đảng và chế độ ta, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên và xã hội làm chệch hướng đường lối.
Tóm lại, lợi ích nhóm và nhóm lợi ích làm cho người ta tự đánh mất nhân cách, tính trung thực và sự thẳng thắn, trở thành người tự lừa dối mình và lừa dối người khác… dẫn đến làm méo mó, thậm chí vô hiệu hóa hệ thống pháp luật bởi các thủ đoạn “lách luật”.
Điều nguy hại nhất của lợi ích nhóm và nhóm lợi ích là làm cho cả xã hội rơi vào vòng xoáy của chủ nghĩa cá nhân. Mọi người tìm cách thu vén lợi ích cho mình bằng mọi cách, mọi giá… biến xã hội trở thành một xã hội tham lam, dối trá.
Đấu tranh chống lợi ích nhóm và nhóm lợi ích, không chỉ đòi hỏi quyết tâm và ý chí chính trị, mà còn đòi hỏi nhiều yếu tố khác, nhất là về trí tuệ-về khả năng xây dựng, chỉnh sửa cơ chế, chính sách, pháp luật… Mà khâu đột phá là dân chủ, công khai, minh bạch trong mọi lĩnh vực, từ tài chính, ngân sách, chương trình, dự án… đến nhân sự trong hoạt động của hệ thống chính trị các cấp. Đồng thời xử lý nghiêm, bình đẳng theo đúng pháp luật không chỉ đối với người trực tiếp mà cả người chịu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát tài sản của nhà nước.
CĐT