(Báo tháng 7) -Suốt 70 năm tồn tại, Tổng cục Tình báo Đối ngoại Liên Xô (PGU) đã lập nên những chiến công vang dội, mà một trong những bí quyết thành công là họ có đội ngũ cán bộ chỉ đạo thuộc hàng đầu của tình báo thế giới – những người được xem là “linh hồn” của Tình báo đối ngoại.

Tin tình báo của Liên Xô chủ yếu được thu thập bởi các tổ điệp báo ở nước ngoài. Thông thường, cơ cấu một tổ điệp báo gồm 3 bộ phận chính: Bộ phận chỉ đạo (gồm tổ trưởng, các tổ phó và các cán bộ chỉ đạo); các nhân viên hoạt động; và các nhân viên đảm bảo. Trong đó, tổ trưởng là người chỉ huy và có vai trò quyết định trong thành bại của điệp vụ và an toàn của các tổ viên. Quyền hạn của tổ trưởng rất lớn, phải chịu trách nhiệm trước Tổng hành dinh KGB ở Moscow, có toàn quyền chỉ huy mọi cán bộ tình báo hợp pháp được phái đến nước đó. Tổ trưởng cũng là người chỉ huy nhân viên tình báo quân đội trong sứ quán; duy trì liên hệ với tình báo các nước bạn bè và đồng minh; duyệt và kí phát đi các bức điện gửi về Moscow; phê duyệt kế hoạch xây dựng cơ sở... Tóm lại, trừ những điệp viên ngầm được phái đi bằng con đường bất hợp pháp và do Tổng hành dinh nắm, tổ trưởng là người nắm toàn diện nhân viên KGB và hoạt động của họ tại nước đó.

Chính do vị trí quan trọng của cán bộ chỉ đạo mà KGB rất chú trọng việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ này. Những điệp viên được cử ra nước ngoài công tác phải là người tinh thông nghiệp vụ, có nghệ thuật trong việc xây dựng, chỉ đạo cơ sở và giỏi ngoại ngữ. Để đạt yêu cầu này, họ phải trải qua khóa đào tạo kéo dài gần 2 năm với gần 3.000 giờ học, không có nghỉ đông, nghỉ hè. Trong chương trình đào tạo căng thẳng này, các môn cơ sở chiếm khoảng 700 giờ; các môn quân sự (kể cả những bài giảng về các nhân vật trọng yếu nước ngoài) chiếm khoảng 400 giờ. Phần còn lại (khoảng 1.900 tiết học) được dành cho các môn học nghiệp vụ, gồm: kĩ thuật thu tin, chụp ảnh, kĩ thuật thu phát vô tuyến, địa hình học, liên lạc, mực mật, phản gián, cách sử dụng các loại độc dược, thuốc mê v.v..

Trong số các môn nghiệp vụ, nhà trường huấn luyện rất kĩ cho học viên cách xây dựng mạng lưới gián điệp với nhiều bình phong chức nghiệp khác nhau. Đặc biệt, rất chú trọng các bài học tâm lí điệp báo để vận dụng cho những đối tượng khác nhau. Một trong những hình thức học tập là thầy với trò, học viên với học viên sắm các vai khác nhau. Môi trường đào tạo được thiết kế như thật ở nước địa bàn, kể cả cách sinh hoạt, ăn uống, đi lại, giao tiếp, mua sắm... Thường thì trước khi được phái đến nước địa bàn, người cán bộ điệp báo phải nắm rất chắc mọi tình hình, mọi thông tin về nước đó để không cảm thấy xa lạ nơi đất khách quê người.

“Đầu vào” các trường này gồm chủ yếu là sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi của nhiều ngành nghề đào tạo (nhiều nhất là từ các trường Đại học Luật và Đại học Quan hệ quốc tế), học viên tốt nghiệp các trường quân sự và sĩ quan trẻ của các cơ quan KGB địa phương. Các tiêu chuẩn chủ yếu là sự tin cậy tuyệt đối, lòng trung thành với Tổ quốc và sự nghiệp, sức khoẻ tốt, có năng khiếu ngoại ngữ, lòng dũng cảm... Sau khi ra trường, họ phải làm việc một thời gian ở các cơ quan KGB. Nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ và có triển vọng, anh ta sẽ phải qua khoá học tại Học viện Tình báo (nay mang tên Andropov) trước khi được phái ra nước ngoài công tác.

Chương trình đào tạo tại Học viện có các khoá 1 năm, 2 năm và 3 năm, tuỳ trình độ và kinh nghiệm của học viên; có 3 khoa chính là tình báo chính trị, phản gián và tình báo khoa học kĩ thuật. Mọi học viên trước khi vào học đều phải thay lí lịch (tên, tuổi, quê quán, tên cha mẹ), được gọi theo tên mới và theo một câu chuyện nguỵ trang mà họ phải tuân thủ suốt thời gian học. Thư từ gửi đến được một cán bộ Học viện trao tận tay từng người để người khác không biết tên họ thật. Học viên được quyền sử dụng dài hạn nhiều loại ấn phẩm nước ngoài bị cấm lưu hành rộng rãi, được đọc những tài liệu nghiệp vụ mật của ngành và các luận án. Đặc biệt, Học viện thường mời các tình báo viên đã thành danh hoặc nghỉ hưu về giảng bài hoặc giữ những cương vị chủ chốt ở các khoa. Mỗi năm 2 lần, mỗi lần 1 tuần, học viên được huấn luyện tại Trung tâm Huấn luyện nghiệp vụ mang tên "Biệt thự": học tuyển mộ điệp viên, các bài liên lạc, phát hiện theo dõi, gặp gỡ chớp nhoáng, sử dụng hộp thư mật và các thủ thuật nghiệp vụ khác. Trước khi ra nước ngoài công tác, người cán bộ Tình báo đối ngoại phải tập sự tại phòng nghiệp vụ mà sau này sẽ quản lí anh ta, phải được kết nạp Đảng và phải lập gia đình. Để có bình phong tốt, anh ta phải làm việc thực tế ở cơ quan bình phong trong thời gian 3-4 tháng nếu làm công tác ngoại giao, thương mại; 6 tháng nếu làm công tác báo chí... Cán bộ tổ chức sẽ "thẩm vấn" để tìm ra kẽ hở trong câu chuyện nguỵ trang của anh ta. Cuối cùng, những ứng cử viên được cử đi nước ngoài phải được sự đảm bảo của 3-5 đồng nghiệp. Vợ những sĩ quan theo chồng ra nước ngoài phải qua khoá tập huấn kéo dài 3 tháng do cơ quan Tình báo mở.

Ngày nay, mặc dù Liên Xô không còn nữa, PGU và ngay KGB cũng không còn, nhưng truyền thống vinh quang của nó vẫn được các cán bộ hoạt động tình báo Nga kế tục xứng đáng trong màu cờ sắc áo của Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR), một trong hai nhánh hậu duệ của KGB.

Nguyên Phong