(Báo tháng 7) -Chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc, chủ nghĩa phát xít bị đánh đổ, quân đội 4 nước Liên Xô, Anh, Pháp, Mỹ chiếm giữ Berlin và phân chia thành phố thành 2 phần Đông, Tây. Khi nước Đức chia thành 2 quốc gia thì Đông Berlin do Liên Xô kiểm soát, còn Tây Berlin do phương Tây chi phối. Thành phố trở thành đường phân giới và nơi đối đầu giữa Chủ nghĩa Tư bản và Chủ nghĩa Xã hội ở châu Âu.

Năm 1948, Liên Xô tiến hành phong toả Berlin, cắt đứt đường vận chuyển các vật tư, nhu yếu phẩm cần thiết và mọi liên hệ giữa Berlin với thế giới phương Tây, khiến Mỹ hết sức lo ngại. Việc buộc phải chấp nhận ưu thế của Liên Xô tại Berlin luôn được Mỹ coi là yếu tố “huỷ hoại uy tín Mỹ”. Chính vì vậy, sau khi đắc cử Tổng thống, ông Kennedy quyết định chọn Berlin là nơi “thử thách tinh thần và ý chí” của Mỹ.

Đầu năm 1961, nhà lãnh đạo Liên Xô Khrushov đưa ra yêu cầu đòi các nước phương Tây cắt đứt mọi quan hệ với Tây Berlin, nếu không Liên Xô “sẽ phải áp dụng biện pháp kiên quyết”. Lời tuyên bố này thực sự là một đòn cân não đối với vị Tổng thống trẻ tuổi của nước Mỹ và là chất xúc tác để ông này giao Bộ trưởng Quốc phòng M’c Namara lập kế hoạch chi tiết về khả năng triển khai quân Mỹ tại Berlin trong trường hợp nổ ra cuộc khủng hoảng. Ngày 5-5-1961, M’c Namara báo cáo với Kennedy rằng quân đội Mỹ và NATO, nếu chỉ dựa vào lực lượng vũ trang thông thường thì không bảo vệ nổi Berlin. Tháng 6, diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Xô - Mỹ tại Viên (Áo), tại đây, cách ứng xử kiểu bề trên của Khrushov đã làm cho hội nghị dự kiến bàn vấn đề Tây Berlinđi vào ngõ cụt. Kennedy cay cú rời hội nghị, còn quan hệ Xô - Mỹ đã thực sự trở nên băng giá.

Trở về Washington, Kennedy được các cố vấn khuyến cáo nâng cấp khả năng lực lượng thông thường tại Tây Đức, đồng thời sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân hạn chế đối với Moscow, song phải tránh được sự đối đầu hạt nhân quy mô lớn và tránh thảm hoạ cho nước Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề làm Kennedy đau đầu là nếu quân Liên Xô tiến vào Tây Âu, quân Mỹ không thể tự vệ bằng vũ khí thông thường, thì làm thế nào tiến hành thành công một cuộc tiến công hạt nhân mà vẫn tránh được đòn trả đũa của đối phương?

Đúng lúc đó, Cahayman – chuyên gia hạt nhân chiến lược kiêm cố vấn Lầu Năm góc đưa ra khả năng phát động cuộc tiến công hạt nhân vào các đơn vị Liên Xô đóng tại châu Âu, và nếu Liên Xô không rút lui, Mỹ sẽ thực hiện đòn huỷ diệt hạt nhân đối với các thành phố lớn của Liên Xô. Theo Cahayman, thực lực vũ khí hạt nhân của Liên Xô không mạnh, Mỹ chỉ cần mở một cuộc tiến công hạt nhân quy mô nhỏ cũng đủ phá huỷ cả kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô. Các cố vấn chủ chốt của Kennedy đều đồng ý với phương án này.

Ngày 13-7-1961, Kennedy triệu tập Hội đồng An ninh quốc gia bàn các bước chuẩn bị cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong “một cuộc chiến không phân tuyến ở Trung Âu và Liên Xô”. Ngày 25-7, Kennedy phát biểu trên truyền hình, thông báo với nhân dân Mỹ rằng rất có thể sẽ xảy ra một “cuộc khủng hoảng Berlin giữa Mỹ và Liên Xô”, đồng thời tuyên bố tăng ngân sách quốc phòng và yêu cầu Bộ Quốc phòng xây dựng các công trình phòng chống phóng xạ.

Trong khi người Mỹ đang họp thì Liên Xô đã có câu trả lời bằng một hành động gây chấn động thế giới. Ngày 13-8-1961, các đơn vị công binh Liên Xô và CHDC Đức sử dụng hàng trăm xe chuyên dụng tiến hành xây dựng Bức tường Berlin, ngăn cách nước Đức thành 2 phần rõ rệt. Đáp lại, ngày 5-9, nhóm Cahayman cho ra đời kế hoạch mang mã số SIOP-62, theo đó, trong tình huống cần thiết, toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của Mỹ (gồm 3.423 quả bom và tên lửa) sẽ được ném xuống 1.077 mục tiêu quan trọng của Liên Xô. Các tác giả của kế hoạch đánh giá, nếu “SIOP-62” được thực hiện, 54% dân số cùng 82% công trình lớn của Liên Xô sẽ bị xoá sổ. Trong đợt tiến công đầu tiên, dự kiến chỉ sử dụng 55 máy bay ném bom tầm xa đồng loạt công kích 80 mục tiêu bị nghi là các cơ sở hạt nhân.

Nhận được kế hoạch, Kennedy yêu cầu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Taylor cùng Tư lệnh Không quân Paoen làm rõ, trong tình huống khủng hoảng, liệu quân Mỹ có thể giành được thế chủ động khi chuyển sang một cuộc chiến tranh toàn diện; còn khi thực hiện kế hoạch SIOP-62, liệu có khả thi và đem lại hiệu quả đến mức nào. Điều này chứng tỏ Kennedy đã có chính kiến của riêng mình và rất thận trọng trong mọi quyết định. Thế nhưng trong cuộc họp sau đó, mọi người lại hầu như “lạc đề” trong thảo luận và chỉ thiên về việc cảnh báo Kennedy trước một cuộc tiến công bất ngờ từ phía Liên Xô và rằng nếu không tránh được một cuộc chiến tranh toàn diện, thì Mỹ phải ra tay trước. Trong khi đó, vấn đề Kennedy quan tâm là liệu có tránh được đòn đánh trả mang tính huỷ diệt từ phía Liên Xô, và phía Liên Xô cần mất bao nhiêu thời gian để tính toán việc phóng tên lửa vào nước Mỹ... thì không ai đề cập đến. Chính vì vậy ngày 10-10, Kennedy lại triệu tập một hội nghị để thảo luận giải pháp cho “khủng hoảng Berlin”. Kennedy vẫn chủ trương sử dụng vũ khí hạt nhân hạn chế để tiến công Liên Xô và tránh leo thang thành cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện. Tuy nhiên, vị Tổng thống trẻ tuổi rốt cuộc đã bị thuyết phục rằng nếu Mỹ tập kích hạt nhân bất ngờ, Liên Xô sẽ bị rơi vào thế bị động; rằng nếu để đối phương ra đòn trước, Mỹ sẽ thua. Kết luận cuối cùng của hội nghị là cần áp dụng biện pháp ra đòn trước; tiến công hạt nhân có giới hạn là cách lựa chọn tốt nhất để Mỹ kiềm chế Liên Xô.

Ngày 15-10-1961, Kennedy quyết định đưa ra tín hiệu cảnh cáo Khrushov. Theo lệnh của Kennedy, ngày 21-10, Thứ trưởng Quốc phòng Critery tuyên bố nếu Liên Xô phát động cuộc chiến tranh hạt nhân thì Mỹ có đầy đủ khả năng trả đũa một cách đích đáng. Đây được xem là hành động vừa nắn gân, vừa làm “nhiễu” đối phương. Phát biểu của Critery như đổ thêm dầu vào lửa. Tình hình càng thêm căng thẳng khi ngày 28-10, lính gác CHDC Đức chặn xe hơi của một quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao Mỹ sang Đông Berlin xem biểu diễn nghệ thuật. Hai bên Đông và Tây Đức đã huy động đến 30 xe tăng dàn hàng ngang suốt 16 tiếng đồng hồ sẵn sàng nổ súng vào nhau.

Cũng như cuộc khủng hoảng Cuba 1 năm sau đó, cuộc khủng hoảng Berlin được đưa lên đến đỉnh điểm căng thẳng rồi được giải toả một cách đầy bất ngờ. Ngày 17-11-1961, Khrushov và Kennedy bí mật gặp nhau tại Viên (Áo), cùng chấp nhận sự tồn tại của Bức tường Berlin, thoả thuận kết thúc cuộc khủng hoảng vì hai bên đã quá mệt mỏi sau những trò đùa nguy hiểm. Thế giới tránh được một thảm hoạ khôn lường do kế hoạch SIOP-62 của Mỹ không có cơ hội được thực hiện. Tuy nhiên, khủng hoảng Berlin đã để lại 2 “di sản” lớn. Thứ nhất, chính nó đã trực tiếp gây ra cuộc khủng hoảng Cuba vì Khrushov nhận thấy, nếu Liên Xô muốn gia tăng áp lực ở Berlin một lần nữa thì cần có biện pháp răn đe Mỹ, đó là bố trí tên lửa hạt nhân tại Cuba. Thứ hai, việc các cố vấn của Tổng thống Mỹ sửa đổi các biến số trong chiến lược hạt nhân đã tạo cho Tổng thống Mỹ một tiền lệ nguy hiểm là có quyền đưa ra các “lựa chọn linh họat” trong việc đối phó với các cuộc khủng hoảng hạt nhân.

Còn Bức tường Berlin thì cứ thế tồn tại suốt 28 năm cho đến ngày bị đập phá vào ngày 12-11-1989.

Đăng Song