Để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đã đến nhiều xã ngoại thành Hà Nội, tận mắt thấy rau muống được thả thành bè trên sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Kim Ngưu, sông Sét... Thực tế là những con sông này hiện đang bị ô nhiễm rất nặng. Nước sông đen ngòm, đục ngầu, mùi của nước sông nồng nặc rất khó chịu. ấy vậy mà rau thì cứ mơn mởn, ngọn to và dài. Rau sống trong điều kiện nước ô nhiễm như vậy liệu rau có đảm bảo vệ sinh không? Còn nữa, trong tình trạng đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp dần nhường chỗ cho các khu đô thị, các dự án khu công nghiệp và cả chính những người nông dân bán đất đi để xây dựng nhà cửa... hết đất trồng trọt, thì chuyện trồng rau trên vùng sình lầy, đất trũng ao tù, thậm chí cả trên các nấm mộ của nghĩa trang không còn là chuyện hiếm. Lúc này người trồng rau sẽ tận dụng mọi khu đất, mặt bằng để có thể trồng rau được, tăng thêm thu nhập mà không hề quan tâm tới chất lượng và hậu quả của sản phẩm mình làm ra.

Khi hỏi bác Sơn, người trồng rau tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy về chất lượng rau, tôi nhận được câu trả lời rất chân thành: “Chúng tôi là những người nông dân, xưa nay chỉ biết cấy cày quanh thửa ruộng nhà mình. Bây giờ hết chung cư nọ, dự án kia mọc lên đã lấy hết ruộng trồng lúa, trồng hoa màu. Không còn ruộng, chúng tôi trông vào những vũng, những đầm để trồng rau duy trì cuộc sống. Biết rau ngập trong nước thải, rau tràn lên nghĩa trang... chúng tôi cũng hiểu rau sống ở môi trường “bẩn” thì rau cũng sẽ “bẩn”, nhưng chẳng lẽ cả nhà chịu đói. Vả lại tôi không học hành, bằng cấp, kiếm được việc làm mưu sinh đâu có dễ”.

Một nguồn rau lớn nữa cũng được cung cấp cho Hà Nội, đó là khu công nghiệp Phố Nối A. Rau ở đây mọc như cỏ, đặc biệt tại các miệng cống xả thải của nhà máy bia Hưng Yên, nhà máy thức ăn gia súc Thái Dương... Rau được nuôi dưỡng bằng nguồn nước thải công nghiệp, nên nhìn rau muống ở đây rất ngon, có màu hơi tía đỏ, ống to, lá xanh thẫm và ngọn vươn dài, mỡ màng như rau muống bè. Chính những thứ chất thải độc hại ấy là nguồn “vỗ béo” cho những đám rau muống tự nhiên này. Chị Nguyễn Thị Hảo, chủ quán bán hàng sát khu vực rau muống mương ô nhiễm cho biết: “Trước đây thấy rau muống ở đây mọc nhiều, lại xanh và non nên nhiều người xung quanh cũng ra hái về ăn. Nhưng rau bị ô nhiễm nặng nên khi ăn, nhẹ thì bị “tào tháo đuổi”, nặng thì bị ngộ độc nên ai cũng sợ, chẳng dám ăn và mua thứ rau muống từ KCN này. Nhiều người đến đây hái mang đi Hà Nội bán, chứ không bán ở đây”.

Hiện bất cứ chợ nào cũng có từ hai đến ba hàng rau sạch, rau an toàn. Sử dụng rau an toàn có đắt hơn từ 3 đến 5.000 đồng mỗi ngày, nhưng vì sức khoẻ của chính bản thân, chúng ta nên dùng rau an toàn để tránh xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Đã đến lúc các cấp chính quyền, các cán bộ nông nghiệp cần đưa ra lời cảnh báo và có biện pháp hướng dẫn cụ thể để người trồng rau có ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Đừng để khi xảy ra các vụ ngộ độc, các cơ quan chức năng mới vào cuộc e rằng quá muộn. Bài và ảnh: Thúy Hương