Ở tuổi 83 lại đang điều trị phục hồi sau tai biến mạch máu não, nhưng nhạc sĩ Huy Thục vẫn rất minh mẫn. Nghe tôi bày tỏ nguyện vọng viết một bài ký về ông; chiều tôi, ông kể về những chặng đường đời đã qua. Tôi lặng nghe trong tâm trạng vừa bồi hồi, xúc động vừa kính phục tự hào.

  • Quê gốc của mình ở xã Chính Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, nhưng mình sinh ra và lớn lên tại Hà Nội - ông thường xưng “mình” rất thân mật. Năm 1945, mới 12 tuổi, mình đã gia nhập Đội nhi đồng Mai Hắc Đế - Đội nhi đồng cách mạng nổi tiếng ở Hà Nội thời ấy. Nhiệm vụ chủ yếu của Đội nhi đồng Mai Hắc Đế là biểu diễn văn nghệ, tuyên truyền, cổ động cách mạng. Đây! Mình đang đánh trống ếch đây này - ông chỉ vào góc phải tấm ảnh đen trắng do nhà nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản chụp đã hơn 71 năm. Trong ảnh, ông và các đội viên đội mũ ca-lô, nét mặt ai cũng tươi rói, rạng ngời…
  • Đầu năm 1946, tuy mới 13 tuổi nhưng mình đã quyết định nhập ngũ. Thấy mình quá nhỏ, người anh ở Tỉnh đội Nam Định đưa mình về Tỉnh đội để kèm cặp, giúp đỡ. Phát hiện mình có năng khiếu âm nhạc, lãnh đạo Tỉnh đội Nam Định đã cử mình đi học nhạc để phục vụ quân đội lâu dài trên lĩnh vực văn nghệ. Để có tiền cho mình đi học, Tỉnh đội đã tổ chức nhiều buổi biểu diễn văn nghệ có bán vé. Kết quả, thu được một ba lô tiền. Năm 1950, từ Nam Định, mình đeo ba lô tiền lặn lội đi bộ vào xã Hậu Hiền (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) tìm thầy xin học nhạc. Thầy Tạ Phước rất ngạc nhiên vì thấy mình trao cho thầy cả ba lô tiền… Tại đây, thầy Tạ Phước đã dạy vi-ô-lông cho mình… Sau một năm theo học thầy Tạ Phước, mình trở về Nam Định, mang theo chiếc đàn
    vi-ô-lông rất đẹp do thầy Tạ Phước mua tặng… Mình được cử làm Đội trưởng Đội úy lạo-Đội nhạc thực hiện các nghi lễ và cổ động bộ đội…
    Đến năm 1955, mình về Đoàn văn công Quân khu 3. Năm 1956, mình được Tổng cục Chính trị triệu tập về tham gia lớp đào tạo nhạc sĩ sáng tác tại Nhạc viện Quốc gia, gọi vắn tắt là Trường nhạc. Cùng học với mình có các nhạc sĩ Hoàng Việt, Ngô Huỳnh, Nguyễn Thành… Năm 1959, kết thúc khóa đào tạo, nhạc sĩ Hoàng Việt đứng đầu, mình đứng thứ hai. Mình trở về Quân khu 3 báo cáo kết quả học tập. Đồng chí Tư lệnh Quân khu bảo: “Huy Thục có năng khiếu âm nhạc lại học giỏi phải ưu tiên đưa về Văn công Tổng cục Chính trị để phục vụ đông đảo cán bộ, chiến sĩ toàn quân”. Hơn một tuần sau, lời nói của Tư lệnh thành hiện thực, mình nhận quyết định về Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị…
    Đầu năm 1960, mình được phân công vào Tổ viết vở vũ kịch “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”, vở vũ kịch đầu tiên của nước ta. Mình đảm nhiệm chính phần viết nhạc. Tham gia viết nhạc còn có nhạc sĩ Lương Ngọc Trác, nhạc sĩ Nguyễn Thành… Vở vũ kịch rất thành công, được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đánh giá cao… Năm 1964, toàn đội dàn dựng vở vũ kịch “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”, sang Trung Quốc biểu diễn và được Xưởng phim Bát Nhất giúp làm phim về vở vũ kịch này. Trở về Việt Nam, toàn đội được vào Phủ Chủ tịch báo cáo Bác Hồ kết quả chuyến đi. Bác rất mừng, khen ngợi và động viên mọi người phải cố gắng hơn…
    Năm 1965, mình vào tuyến lửa Quân khu 4 và năm 1966, vào chiến trường Trị Thiên-Huế. Đây là năm mở đầu giai đoạn nở rộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật nói chung, các tác phẩm âm nhạc nói riêng. Với mình, ca khúc mở đầu khi vào chiến trường là “Tiếng hát trên đường quê hương”. Tiếp đó là các ca khúc “Tiếng đàn ta lư”, "Dòng suối La La”… Năm 1969, cũng như đồng bào, chiến sĩ cả nước, bọn mình rất đau xót, khóc rất nhiều khi được tin Bác mất. Với niềm tin tất thắng vào sự nghiệp cách mạng, tháng 10-1969, mình viết ca khúc “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” rồi gửi ra Hà Nội. Ca khúc được Đài tiếng nói Việt Nam dàn dựng và phát sóng ngay…
    Khi tôi bày tỏ tấm lòng trân trọng của mình đối với những ca khúc sống mãi với thời gian này, sau phút trầm ngâm, giọng nhạc sĩ Huy Thục lại đầy nhiệt huyết:
  • Năm 1972, bị chảy máu dạ dạy nặng, mình phải ra Quân y viện 108 điều trị. Chứng kiến những ngày oanh liệt, hào hùng của quân dân ta chống trả cuộc tập kích chiến lược đường không của địch vào Hà Nội, lập nên “Điện Biên Phủ trên không”, mình đã viết ca khúc “Tên lửa ta đánh rất hay”. Cũng như những ca khúc trước đó, ca khúc này được đón nhận nhanh chóng và phổ biến rộng rãi… Năm 1979, mình được cử sang Hung-ga-ri học nhạc nâng cao. Năm 1982, khóa đào tạo kết thúc, trở về nước, mình được bổ nhiệm là Phó trưởng Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị, sau này thay nhạc sĩ Lương Ngọc Trác làm Trưởng Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị… Năm 1996, mình chuyển sang đội sáng tác, thỉnh thoảng phụ trách các đội ca múa đi biểu diễn đối ngoại ở các nước… Năm 1997 mình về nghỉ hưu sau 51 năm quân ngũ…
    Nhạc sĩ Huy Thục trầm ngâm nhìn về phía cuối phòng. Trên tường là bức tranh “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh” khổ lớn, sát bên là chiếc đàn ta lư và chiếc đàn ghi ta gắn bó với ông cùng bao kỷ niệm. Cũng như tấm ảnh “Đội nhi đồng Mai Hắc Đế”, đây là những kỷ vật vô giá của ông và gia đình... Phần để thư giãn sau những câu chuyện “ngược thời gian”, phần để động viên nhạc sĩ Huy Thục và tôi, bà Thúy Nga đến bên đàn pi-a-nô thử đôi nốt nhạc rồi say sưa đệm bài “Tín hiệu đi về” - bài hát mà nhạc sĩ Huy Thục đã phổ nhạc thơ tôi từ năm 1993 (được nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh sửa đôi câu). Đây là bài hát truyền thống của Lữ đoàn Thông tin 205 Anh hùng, Lữ đoàn mà tôi đã từng gắn bó từ năm 1987 đến 1994... Thấm thoắt, bài hát “Tín hiệu đi về” đã hơn hai mươi tuổi rồi… Tôi thấy bồi hồi bao niềm thương nhớ.
    Khi nghe tôi nhắc tới bản nhạc nổi tiếng “Vì miền Nam” và ca khúc “Đợi” mà tôi rất yêu thích, nhạc sĩ Huy Thục cho biết thêm:
  • Mình viết bản nhạc “Vì miền Nam” năm 1961, viết cho đàn bầu. Bản nhạc được phổ biến rộng rãi, rất nhiều nghệ sĩ các thế hệ ở các đoàn văn công trong và ngoài quân đội biểu diễn. “Vì miền Nam” cũng là tác phẩm nằm trong cụm tác phẩm để mình được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học-nghệ thuật năm 2001…
    Năm mươi mốt năm quân ngũ, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trường kỳ, với những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng, Đại tá, nhạc sĩ Huy Thục đã được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng ba cùng nhiều huân, huy chương và phần thưởng cao quý khác…
    Trước lúc chia tay, nhạc sĩ Huy Thục tặng tôi bản viết tay ca khúc “Tín hiệu đi về” để làm kỷ niệm. Rồi, ông khe khẽ hát trong tiếng đệm đàn du dương, trầm hùng của bà Thúy Nga. Cảm xúc trào dâng, tôi cũng hát hòa theo “Xuyên qua trời mây, xuyên qua lòng đất. Thầm lặng đêm ngày tiếp nối mọi miền quê…”. Đúng! Cũng như mạch máu thông tin, những tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Huy Thục đã, đang và sẽ mãi góp phần “nối” mọi tâm hồn, mọi thế hệ, miền quê.
    Hà Nội, ngày 24-11-2016
    Nguyễn Tiến Hải