Đông đảo nghệ sĩ tham gia chương trình “Xuân quê hương”.

Đã thành thông lệ, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về là Đảng, Nhà nước lại tổ chức gặp mặt các đại biểu Việt kiều từ khắp nơi trên thế giới về nước ăn Tết. Cuộc hội tụ mang tên “Xuân quê hương” với sự góp vui của các nghệ sĩ có tên tuổi.

Chương trình năm nay (Kỷ Hợi - 2019) được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các vị lãnh đạo (đại diện Mặt trận Tổ quốc, Bộ Ngoại giao, Ủy ban người Việt sống và làm việc ở ngoài nước...) tới dự, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với “Một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam” như lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói.

Không chỉ bà con Việt kiều, mà khán giả màn ảnh nhỏ trong toàn quốc cũng cảm thấy xúc động khi nghe Tổng Bí thư, Chủ tịch nước xưng hô với bà con Việt kiều bằng những đại từ “các bác, các anh chị”, nghe ấm áp như thể người thân trong gia đình. Cái khoảng cách giữa nguyên thủ quốc gia với người dân đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước rút ngắn xuống đến mức như không còn cảm thấy nữa. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước còn đổi mới tinh thần đại đoàn kết toàn dân trong câu ca dao “Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước ta thương nhau cùng” thành “Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Con Hồng, cháu Lạc ta thương nhau cùng” để ý nghĩa của câu ca dao trở nên sâu sắc và nhân văn hơn, mong muốn mọi người dân Việt nói chung, bà con Việt kiều nói riêng luôn khắc ghi và tự hào về cội nguồn của mình là con Hồng, cháu Lạc, phải đoàn kết, thương yêu nhau như cây một gốc, như con một nhà.

Trong phần văn nghệ chào đón những người con xa xứ có các nghệ sĩ tài năng tham gia góp vui. Trong đó tôi tâm đắc nhất và cũng cảm thấy “mê ly” nhất là tiết mục song tấu kèn sắc-sô-phôn với đàn bầu, bài “Bèo dạt mây trôi” dân ca quan họ Bắc Ninh. Tôi vốn là người yêu dân ca quan họ tới mức thuộc lòng cả hai lời bài hát trên - một điệu hát mà tôi cho là tuyệt vời cả phần nhạc lẫn phần lời, đặc biệt là lời bài hát được trau chuốt đến mức “kinh điển”, không còn từ ngữ nào có thể thay thế được. Tôi cũng phục tài hai nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ biểu diễn kèn sắc-sô-phôn. Từ trước tới giờ, nhạc cụ sắc-sô-phôn thường chỉ hợp với những khúc tráng ca như “Tiểu đoàn ba lẻ bảy”, “Chiến thắng Điện Biên”…, chứ hiếm thấy có trường hợp nào lại được sử dụng để thể hiện một bài dân ca trữ tình, mượt mà, đằm thắm như bài “Bèo dạt mây trôi”.

Không những thế, nó còn được hòa tấu với một nhạc cụ dân tộc truyền thống vào loại độc đáo nhất của Việt Nam, đó là đàn bầu. một nhạc cụ có khả năng làm rung động tình cảm sâu lắng của người nghe, với những bài dân ca mang âm hưởng du dương, réo rắt như “Ru con”, “Cò lả”… Nếu đem so sánh thì có thể nói: Đó là hai nhạc cụ đối nghịch. Đối nghịch nhưng lại hòa quện với nhau, cùng nhau cho ra một sản phẩm vào bậc kiệt tác để cống hiến cho khán giả, há chẳng phải đáng ca ngợi tài năng của nghệ sĩ lắm sao!

Trong những giây phút thăng hoa của cảm xúc thưởng thức chương trình nghệ thuật “Xuân quê hương”, tôi bất giác liên tưởng đến chủ trương, đường lối cùng với nghệ thuật lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đối với Việt kiều. Tôi miên man suy nghĩ đến tình hình Việt kiều trong quá khứ, đặc biệt là số Việt kiều ra đi sau giải phóng miền Nam. Rồi tôi lại liên tưởng đến tình hình Việt kiều hiện nay, với những gì bà con đã hướng về Tổ quốc, đã đầu tư, góp sức vào công cuộc xây dựng quê hương đất nước. Có được những thành quả như hôm nay, công đầu thuộc về  Đảng, Nhà nước ta, với những chủ trương, đường lối hợp lòng dân, đã khơi dậy được lòng yêu quê hương, đất nước của những người con xa xứ..

Tình cảm của quê hương, đất nước đối với bà con Việt kiều cũng như tình cảm của bà con Việt kiều đối với quê hương đất nước, luôn thủy chung, da diết. Người tuy xa, nhưng lòng không xa. Giống như tình yêu của đôi trai gái trong bài dân ca “Bèo dạt mây trôi”:

“…Chốn xa xôi. Anh ơi! Em vẫn đợi… Bèo dạt mây í ì trôi. Chim sa tang tính tình cá hội. Ngậm một tin trông, hai tin đợi, ba bốn tin chờ, sao chẳng thấy anh!”.

Nguyễn Văn Cự