Anh hùng LLVTND Bùi Ngọc Dương

Trong buổi gặp mặt nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Đoàn Công binh Hùng Vương - Lữ đoàn 7, Quân đoàn 3 hiện nay (13.12.1965 - 13.12.2020) - đơn vị 3 lần được phong tặng Anh hùng LLVTND, tôi được gặp Đại tá Bùi Nhật Mẫn -  nguyên cán bộ Cục Nhà trường, Bộ Tổng Tham mưu; hiện ở phường Phúc La, quận Hà Đông, T.P Hà Nội. Bùi Nhật Mẫn là em trai của Anh hùng liệt sĩ Bùi Ngọc Dương - nguyên Trung đội phó Lữ đoàn 7 Công binh, người được anh em trong đơn vị gọi là “La Văn Cầu” trong trận đánh cứ điểm Huội San năm 1968.

Câu chuyện của Đại tá Bùi Nhật Mẫn không chỉ giúp chúng tôi hiểu thêm gia cảnh và những người thân yêu, ruột thịt của anh Bùi Ngọc Dương mà còn làm tôi nhớ lại câu chuyện của Thượng tá Nguyễn Văn Duyệt - nguyên Chủ nhiệm Công binh Quân đoàn 3, về trận đánh và hành động anh hùng của anh Bùi Ngọc Dương. Câu chuyện được ông Duyệt kể khi xuống thăm Trung đoàn cuối năm 1990.

Hôm đó, cũng vào dịp chuẩn bị kỷ niệm ngày truyền thống của đơn vị, tại Phòng Hồ Chí Minh của Tiểu đoàn 1, khi đứng trước mảng tranh, ảnh truyền thống của đơn vị, Thượng tá Nguyễn Văn Duyệt đã nói với chúng tôi: Anh hùng Bùi Ngọc Dương gắn với trận đánh cứ điểm Huội San. Đây là khu vực phòng ngự gồm 12 cứ điểm nhỏ, trung tâm là cứ điểm Tà Mây nằm sát biên giới Việt - Lào, do gần hai tiểu đoàn địch chiếm giữ, có vị trí quan trọng trong hệ thống phòng ngự của chúng trên Đường 9  - Khe Sanh.

Ngày 23-1-1968, Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh hạ lệnh tiến công tiêu diệt cứ điểm Huội San. Trước đó, Đại đội 1 của các đồng chí được giao nhiệm vụ: Khắc phục bãi vật cản, mở cửa mở để bộ binh và xe tăng ta đánh chiếm cứ điểm Tà Mây và toàn bộ khu vực phòng ngự Huội San của địch. Ở đây, ngoài 5 lớp rào kẽm gai, địch bố trí một bãi vật cản có chiều sâu gần 2km gồm rất nhiều loại mìn… Bãi mìn được bố trí trước đó khá lâu, nên cây cỏ rất rậm rạp; bên cạnh đó hỏa lực của địch từ trong căn cứ và trên máy bay bắn phá rất ác liệt, gây nhiều khó khăn, tổn thất cho ta trong việc khắc phục.

Nhận nhiệm vụ, Bùi Ngọc Dương bình tĩnh quan sát địa hình, nắm thời cơ, rồi trực tiếp lên đánh quả bộc phá đầu tiên; sau đó đi sát hướng dẫn, chỉ huy anh em thực hành phá 4 bãi mìn, mỗi bãi có chiều sâu gần 400m, rộng gần 20m. Đến 4 giờ sáng ngày 23-1, đường qua bãi mìn được khai thông, do cầu số 6 bị hỏng nên đơn vị phải làm ngầm cho xe tăng vượt qua, nhưng đến lúc đó chưa hoàn thành, do hai bên bờ đều dốc lại toàn cát nên việc khắc phục vách hụt, vách đứng tốn khá nhiều công sức. Trung đội của Bùi Ngọc Dương lại được điều động tăng cường. Cuốc, xẻng thiếu, anh Dương và một số chiến sĩ phải dùng tay để cào cát. Đến lúc ngầm làm xong, các đầu ngón tay của anh em đều tóe máu.

Đến giờ G, lớp rào cuối cùng trên hướng cửa mở đã được quét sạch. Xe tăng ta xuất hiện. Bùi Ngọc Dương cùng các chiến sĩ nhanh chóng cơ động theo xe tăng tiến đánh địch ở sâu trong vị trí của chúng. Anh bình tĩnh sử dụng súng 12,7 ly trên xe bắn các hỏa điểm và máy bay địch, tạo điều kiện thuận lợi cho xe tăng phát triển, đột kích vào sâu bên trong. Sau đó anh trực tiếp chỉ huy một mũi đánh vào trung tâm chỉ huy địch.

Trong lúc trận chiến đấu đang diễn ra quyết liệt thì Bùi Ngọc Dương bị thương; một mảnh pháo địch phạt vào cánh tay trái, máu cháy ướt một bên người. Anh đã khẩn thiết đề nghị Tiểu đoàn trưởng Hà Kim giúp anh chặt đứt hẳn cánh tay bị thương đang lủng lẳng, vướng víu để tiếp tục chiến đấu. Hành động dũng cảm của Bùi Ngọc Dương đã làm tăng khí thế, quyết tâm diệt địch trong toàn đơn vị. Khi quân ta làm chủ căn cứ Huội San, Bùi Ngọc Dương được chuyển gấp về phía sau để cứu chữa; nhưng do bị mất nhiều máu, anh đã hy sinh trên đường tới bệnh viện vào sáng ngày 24-1-1968 khi vừa tròn 25 tuổi.

Thượng tá Nguyễn Văn Duyệt xúc động nói tiếp: Ngay sau khi anh Bùi Ngọc Dương hy sinh, một phong trào học tập gương chiến đấu của anh được phát động toàn mặt trận. Anh được tặng danh hiệu “Dũng sĩ mở đường”, và “Anh hùng xung kích”; được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Năm 1968, Trường đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức “Khóa học Bùi Ngọc Dương” để học tập và noi theo gương người sinh viên của trường năm xưa đã anh dũng hy sinh ngoài mặt trận…

Ở quê hương, gia đình Bùi Ngọc Dương - thôn Giáp Nhị, xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội, khi nghe tin anh Dương hy sinh, mặc dù còn anh trai là Bùi Nhật Mẫn đang ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, nhưng anh Bùi Đức Lưu vẫn viết đơn tình nguyện nhập ngũ để “trả thù nhà, nợ nước”. Năm 1969, anh Lưu hy sinh ở Mặt trận Quảng Đà. Tiếp đó, năm 1970, em trai út của liệt sĩ Bùi Ngọc Dương và Bùi Đức Lưu là Bùi Xuân Phái, sinh viên Trường đại học Thương mại lại tiếp bước các anh lên đường chiến đấu ở miền Tây Nam Bộ. Trong một trận chiến đấu, anh đã bị thương, trước ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tây Nguyên, tháng 12-1990

Hà Nội, 23-12- 2020.

Hồ Bá Vinh