Lịch sử của Ngày quốc tế bảo vệ thiếu nhi bắt nguồn từ sự kiện ngày 1-6-1942, phát xít Đức tàn sát dã man người dân làng Li-đi-xơ (Tiệp Khắc), trong đó có rất nhiều trẻ em, để vào năm 1949, Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế quyết định chọn ngày 1-6 hằng năm là Ngày Quốc tế bảo vệ thiếu nhi, ngày khẳng định trẻ em là đối tượng được nhân loại toàn thế giới quan tâm, động viên, chia sẻ và giúp đỡ, đặc biệt là tại các nước đang phát triển và chậm phát triển…
Ở Việt Nam, bên cạnh ngày tết Trung thu dành cho trẻ em thì vào Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6, trẻ em được bố mẹ, ông bà quan tâm đặc biệt và đây cũng thực sự là ngày Tết dành riêng cho các em. Việt Nam cũng là nước đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em, một văn kiện quốc tế về mặt pháp lý đề cập toàn diện đến các quyền lợi của trẻ em với nguyên tắc trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ. Không chỉ có Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6, trong những năm gần đây, chúng ta còn có Tháng hành động Vì trẻ em diến ra từ ngày 15-5 đến ngày 15-6 hằng năm, theo đó cả xã hội cùng quan tâm, chăm sóc trẻ em. Không chỉ trong thời gian này, công tác chăm sóc, bảo vệ thiếu nhi còn được các cấp chính quyền, đoàn thể, mỗi gia đình quan tâm hằng ngày trong suốt các khoảng thời gian với sự quan tâm to lớn về vật chất, về tình cảm, bởi vì, trẻ em là hiện tại, là tương lai của mỗi chúng ta và của cả đất nước nói chung. Mỗi người đều đã từng là thiếu nhi nên với trẻ em, cần luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu, dành công sức và những điều kiện thuận lợi nhất, tốt nhất cho trẻ em. Hàng loạt trường học, bệnh viện, công viên, thư viện… đã ra đời mỗi năm; biết bao hành động từ các chương trình “Cặp lá yêu thương”, “Áo ấm cho trẻ đến trường”, các chương trình quyên góp quần áo, sách vở, giấy bút được tổ chức ở khắp các địa phương để phục vụ thiếu nhi trên mọi miền đất nước, nhất là các địa phương miền núi, biên giới, hải đảo có cuộc sống tốt hơn, được đến trường học tập. Thành tựu to lớn ấy đã được ghi nhận và đang được phát huy.
Thành tích lớn, nhưng không phải công tác chăm sóc, bảo vệ thiếu nhi đã được trọn vẹn, khi vẫn còn khá nhiều trẻ em chưa được đến trường, chưa được mặc áo quần lành lặn, vẫn còn cảnh trẻ em bị bóc lột sức lao động tại các bãi vàng và nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, bị hành hạ; hoặc bị đem buôn bán, trao đổi qua biên giới; hằng năm vẫn còn rất nhiều cháu bị đuối nước… Thực tế này vẫn còn tại nhiều địa phương và đây là mục tiêu phấn đấu xóa bỏ của chúng ta không chỉ trong Ngày quốc tế bảo vệ thiếu nhi 1-6, Tháng hành động Vì trẻ em mà trong mọi lúc, mọi nơi; không chỉ hô khẩu hiệu mà là trong mỗi việc làm cụ thể hằng ngày. Cùng chung tay bảo vệ, chăm sóc thiếu nhi, ấy là việc làm của mỗi chúng ta.
Quốc Huy