Trống trong Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.

Trong cao trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh, tiếng trống được quần chúng nhân dân sử dụng như một vũ khí, góp phần tạo nên cơn bão táp cách mạng thời kỳ 1930-1931

Khi phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh mới nổi ra, tiếng trống là hiệu lệnh tập hợp quần chúng xuống đường đấu tranh. Khi tiếng trống ở một đình làng phát ra, bà con nô nức tay búa, tay liềm, tập hợp trước đình làng để đi đấu tranh. Theo thống kê và khảo sát hiện nay, trên địa bàn Nghệ Tĩnh, trống ở các làng: Lộc Đa, Hưng Dũng đã tập hợp được hàng nghìn công nông Vinh - Bến Thuỷ đi biểu tình vào ngày 1-5-1930; trống của tổng Phù Long, phát lệnh, có hàng vạn nông dân Hưng Nguyên - Nam Đàn tham gia đấu tranh; trống của nhân dân Can lộc, Thạch Hà, Hương Sơn thuộc tỉnh Hà Tĩnh là những tiếng trống khởi nguồn, có sức lan truyền để tạo nên  một cao trào cách mạng.

Thường mỗi đoàn đi biểu tình của mỗi thôn, xóm mang theo 3 đến 4 chiếc trống, nhưng khi đã kết liền thành tổng, thành huyện, để kéo vào nhà máy, huyện đường đấu tranh thì mỗi đoàn có đến 10 đến15 chiếc trống. Có đoàn như cuộc biểu tình ở Thái Lão - Hưng Nguyên; Cầu Bùng - Diễn Châu (Nghệ An); Thạch Hà, Can Lộc, Hương Khê (Hà Tĩnh) có trên 20 chiếc trống. Trống được huy động ở các đình làng, nhà thờ của dòng họ hoặc trong mỗi gia đình. Có những chiếc trống lớn phải hai ba người khiêng, đánh lên vang vọng khắp vùng. Khi xuống đường đấu tranh, tiếng trống hoà vào âm thanh của tiếng hô đòi cơm áo ruộng đất của quần chúng, hoà vào màu cờ đỏ búa liềm, cùng với tiếng phèng la, tù và, tiếng trống đã làm áp đảo tinh thần quân thù. Vì vậy, mới chỉ nghe tiếng trống và tiếng hô thôi, tri huyện Thanh Chương phải khúm núm xin đầu hàng; Tri huyện khét tiếng Trần Mạnh Đàn ở Can Lộc đã run lẩy bẩy ra tận Cầu Nghèn để ký vào yêu sách của đoàn biểu tình. Nghe trống nổi lên, hương hào, hương lý ở các thôn xóm có phong trào cách mạng mạnh đã phải ra đình làng để nộp triện, trao lại chính quyền cho công nông.

Cũng đi trong các đoàn biểu tình, tiếng trống đã thay lời hiệu triệu, thúc dục  làng trên xóm dưới, tổng này xã nọ, liên kết với nhau thành một khối thống nhất. Tiếng trống đánh lên, sức truyền cảm từ âm thanh tạo nên một khí thế xung trận, bất chấp sự đàn áp tàn bạo của bọn thực dân phong kiến, quần chúng cách mạng sục sôi khí thế ào lên như vũ bão, xông thẳng vào giữa sào huyệt của kẻ thù để đập phá các nhà máy, huyện đường, đòi tiền lương và ruộng đất. Tiếng trống trong các cuộc đấu tranh năm (1930-1931) đã tạo nên một sức mạnh, ý chí quật cường không sợ hy sinh trước sự đàn áp giã man của kẻ thù. Hình ảnh những đoàn biểu tình bị lính lê dương đứng trên xe cam nhông xả súng bắn vào những người đi trước, hoặc bị máy bay dội bom xuống giữa đám đông, họ vẫn xông lên giật súng của kẻ thù để người sau tiến bước. Cả những nữ sinh ở Trường Pháp - Việt thị xã Hà Tĩnh, tuổi đời còn trẻ, khi tham gia đấu tranh nghe âm vang của tiếng trống, không còn e dè, xấu hổ, xé quần áo trên người, cầm cờ đỏ búa liềm xông lên sống mái với kẻ thù.

Tiếng trống trong thời kỳ Xô viết Nghệ - Tĩnh không chỉ là vũ khí đấu tranh, mà còn kêu gọi mọi người hân hoan đi phá kho thóc của hào lý, chia cho dân nghèo. Tiếng trống nổi lên mời các tổ chức Tự vệ Đỏ, thanh niên, phụ nữ ra đình hội họp; dục mọi người đi học chữ quốc ngữ, sinh hoạt văn nghệ, đi đắp đập, làm đường xây dựng một chính quyền mới do nhân dân làm chủ, tiêu biểu như ở các làng “Đỏ”: Hưng Dũng, Thanh Chương, Nam Đàn… (Nghệ An); Can Lộc, Hương Sơn, Thạch Hà, Nghi Xuân… (Hà Tĩnh)…

Trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, tiếng trống còn là tín hiệu để bảo vệ tổ chức Đảng và chính quyền các mạng. Hiệu lệnh trống từ điếm canh vọng về, các cuộc hội họp của chi bộ, Đảng bộ, các thượng cấp Tỉnh uỷ, Xứ uỷ phải nhanh chóng rút lui sơ tán. Nhờ hiệu lệnh ấy mà nhiều cuộc họp của Xứ ủy Trung Kỳ ở làng Lộc Đa mới bảo toàn được lực lượng, trước sự bắt bớ đàn áp của kẻ thù; Đại hội của Tỉnh uỷ Hà Tĩnh ở nhà đồng chí Mai Kính tại làng Phù Việt, Thạch Hà tránh được tổn thất; các Ban ấn loát Tỉnh uỷ Nghệ An, Hà Tĩnh mới sơ tán được toàn bộ tài liệu, dụng cụ in ấn xuống hầm bí mật trước khi địch đến bao vây.

Không dừng lại ở Nghệ An - Hà Tĩnh, tiếng trống trong cao trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh là linh hồn của các cuộc đấu tranh, có sức lan toả ra khắp cả các tỉnh thành trong cả nước, tạo nên một cao trào “Bắc - Trung - Nam tràn sóng đấu tranh”.

Hiện nay, tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, Bảo tàng của các tỉnh và Nhà truyền thống ở các địa phương, còn lưu giữ được hàng trăm chiếc trống với nhiều kích cỡ và loại hình khác nhau. Nhiều trang hồi ký của các cụ lão thành cách mạng cũng còn ghi chép được nhiều câu chuyện cảm động, có giá trị lịch sử về  những chiếc trống Xô viết Nghệ Tĩnh.

Trong cuốn “Đông Dương cấp cứu” của Ăngđrê Violít - nữ  nhà báo Pháp có viết: “Trong các cuộc đấu tranh ở Nghệ An, Hà Tĩnh, quần chúng đã dùng tiếng trống để làm vũ khí áp đảo quân thù”. Ngày nay khi nói về cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh, về cuộc cách mạng rung trời chuyển đất do Đảng ta lãnh đạo, không ai quên được tiếng trống năm 1930. Tiếng trống đã trở thành biểu tượng, đi vào tâm thức của mỗi người. Chính vì lẽ đó, trên các tượng đài, các công trình nghệ thuật, thơ ca và nhạc họa, hình tượng trống trong phong trào Xô viết đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của rất nhiều người nghệ sĩ, để “Tiếng trống năm 30 còn vang vọng đến bây giờ”.  

Xuân Bách