…Tôi tham gia giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám ở Sài Gòn với chức trách Trưởng phòng Hoạt động xã hội của Thanh niên tiền phong, lúc đó mới 25 tuổi. Ngay sau đó Nam Bộ kháng chiến bùng nổ. Là một thầy thuốc tây học trẻ vừa ra trường, tôi được Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ cử về miền Tây để giúp các tỉnh đào tạo cứu thương. Không may, tôi và một số đồng chí bị bọn Đệ tam sư đoàn của Nguyễn Hòa Hiệp bắt giam; có một ít dụng cụ y tế và quần áo đều bị chúng cướp sạch. Áp Tết Bính Tuất 1946, quân Pháp đánh vào Cao Lãnh; chúng tôi thừa dịp chạy thoát, vượt luôn Đồng Tháp Mười ngược lên miền Đông. Qua hai đêm một ngày lội bộ thì về đến Lạc An (Đồng Nai). Tôi được vào trình diện tại Võ phòng Khu bộ trưởng Khu 7. Thật không ngờ, ngay sau đó tôi nhận được quyết định của Khu bộ trưởng Nguyễn Bình bổ nhiệm làm “Giám đốc Dưỡng đường quân sự Khu 7 nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”.

Một lần anh Huỳnh Văn Nghệ - Chi đội trưởng Chi đội 10 đến thăm, chứng kiến cảnh một thương binh nằm trên bàn mổ đang gồng người hát vang “Đoàn quân Việt Nam đi…” để vượt lên đau đớn, anh cảm kích mạnh, ngay đêm hôm đó viết xong bài thơ “Tiếng hát quốc ca”. Anh có tặng tôi một bản chép tay.

Lần khác, giữa lúc trời nổi cơn dông làm tốc mái, tốc cửa Dưỡng đường, tôi chạy tới chạy lui đôn đốc anh em sửa lại và phân công người chăm sóc số thương binh nặng. Đồng chí Lê Duẩn đang từ trên núi Chứa Chan, điểm cao 837, thuộc huyện Xuân Lộc đi xuống. Gặp tôi giữa cơn dông, đồng chí ôm chặt và nói “Tốt quá! Quân y phải có tấm lòng thương yêu chiến sĩ như đồng chí, tốt quá!”. Trải qua nhiều năm về sau, tôi giữ mãi kỷ niệm đẹp đó với đồng chí Bí thư Xứ ủy.

Cuối năm 1946, Bộ Tư lệnh Khu 7 di chuyển từ Chiến khu Đ sang Chiến khu Đông Thành (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An hiện nay). Riêng anh chị em Ngành Quân y và Ngành Quân giới thì ở lại. Dưỡng đường quân sự phân công Chi đội 10 quản lý và cấp trên lại trao thêm cho tôi nhiệm vụ Chính trị viên Chi đội 10. Chi đội 10 Vệ quốc đoàn do anh Huỳnh Văn Nghệ đứng ra gom súng, luyện quân, thành lập tại Tân Uyên quê anh. Đến lúc này, mới hơn 1 năm xây dựng và chiến đấu, đơn vị đã có bước trưởng thành đáng khích lệ, được Bộ Tư lệnh Khu cũng như nhân dân tin tưởng.

Thâm nhập đơn vị, buổi đầu tôi có sự so sánh lý thú: Nếu đội ngũ y tá, hộ lý của Dưỡng đường là các cô nữ sinh nội thành nói tiếng Pháp nhanh như gió, thì phần đông anh em cán bộ, chiến sĩ của Chi đội 10 là thanh niên, công nhân cao su, nông dân chất phác “súng ống kém, chân đi không...”. Nhưng họ có lòng yêu nước thật nồng nàn, ý thức tổ chức kỷ luật tốt, đánh giặc dũng cảm và mưu trí, làm công tác dân vận giỏi. Chi đội 10 liên tiếp lập công, đáng ghi nhớ nhất là trận giao thông chiến La Ngà ngày 1-3-1948. Đoàn xe chở quân Pháp và vợ con từ Sài Gòn lên Đà Lạt bị Chi đội chặn đánh tại đây, bắn hỏng 59 xe, diệt tại chỗ 25 sĩ quan cao cấp và 150 hạ sĩ quan, binh lính lê dương. Trước trận đánh, công tác tham mưu nắm quy luật hành quân của địch và bố trí đội hình phục kích, chọn vị trí trận địa điểm yếu phải nói rất hay. Phối hợp nhịp nhàng với quân chủ lực, các đội du kích của ta liên tiếp quấy rối buộc đoàn xe địch cà rịch cà tang mãi đến 15 giờ mới lọt vào ổ phục kích đã bày binh bố trận sẵn… Sau này tôi được chuyển về lại Ngành Y, nhưng vẫn nhớ mãi những ngày ở Chi đội 10. La Ngà là trận phục kích nổi tiếng của ta, diệt gọn đoàn xe chở quân Pháp và lính lê dương. Tôi luôn nhớ mình từng là “Chiến sĩ La Ngà”.

Cho đến đầu năm 1848, trên chiến trường Nam Bộ, chiếng thắng La Ngà là chiến thắng chưa từng có, làm chấn động dư luận  trong nước và ngoài nước. Và những tù binh cũng như thường dân Pháp bị bắt, được ta đối xử nhân đạo và khoan hồng, sau khi được phóng thích một lần nữa lại gây chấn động trong hàng ngũ địch. Như trường hợp viên trung úy Geoffrey bị thương gãy chân, nếu đem cưa cụt thì chẳng ai nói gì. Nhưng dù thuốc men khan hiếm, chúng tôi đã dùng cả thuốc Tây kết hợp với thuốc Nam ráng rịt vết thương, cứu được anh ta. Cô vợ trẻ của Geoffrey trước đây luôn mếu máo cầu xin “An Dieu!” (Chúa tôi!) vì sợ chồng bị cụt chân, sau khi được chúng tôi cứu chữa, gặp ai trong chúng tôi đều “Grand merci!” (Cảm ơn lắm lắm!). Vợ chồng Geoffrey được ta trao trả, nhưng bị thực dân Pháp buộc xách va-li xuống tàu về nước vì cho là nhiễm “Tư tưởng Việt Minh”.

Ngày 1-3-1998, tôi về Định Quán dự Lễ kỷ niêm 50 năm Chiến thắng La Ngà. Tôi đã 78 tuổi rồi, gặp lại các đồng đội cũ không còn nhiều, đầu tóc cũng bạc phơ như mình. Xúc động lắm! Các anh Huỳnh Văn Nghệ, Nguyễn Văn Lung trong Ban chỉ huy Chi đội 10 ngày trước đều đã mất. Người còn lại duy nhất là tôi được chỉ định lên phát biểu ý kiến. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Đồng Nai yêu cầu tôi nói sao để đồng chí, đồng bào và nhất là thế hệ trẻ hôm nay cảm thấy tự hào và trách nhiệm phát huy truyền thống anh hùng của dân tộc, của quê hương trong sự nghiệp cách mạng hôm nay.

Trở lại mảnh đất chiến trường xưa, sáng tháng ba tươi nắng hôm đó mang lại cho tôi biết bao niềm vui, hạnh phúc, bao nỗi nhớ nhung của một thời trai trẻ.

Trương Nguyên Tuệ

Ghi theo lời bác sĩ Võ Cương (Trần Năng), nguyên Chính trị viên Chi đội 10 vệ Quốc đoàn