Để bảo đảm cứu chữa thương binh trong một chiến dịch tiến công, vây lấn ác liệt, dài ngày như chiến dịch Điện Biên Phủ, Cục Quân y đã tổ chức lên mặt trận 8 Đội điều trị (1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 10) cùng với hàng trăm dân công biên chế vào các Đội để làm nhiệm vụ nuôi quân, hộ lý và cứu thương. Cộng với 5 đội điều trị của 5 đại đoàn và các bệnh xá cấp trung đoàn chiến đấu; quân ta đã xây dựng một mạng lưới thu dung chọn lọc thương binh gồm các tuyến và đón sẵn ở các hướng.
Theo lời kể của Thiếu tướng Bùi Đại, trước khi diễn ra Chiến dịch, nhiều cán bộ của Cục Quân y và đích thân đồng chí Cục trưởng Vũ Văn Cẩn đã lên đường tới Tây Bắc để khảo sát tình hình quanh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Nhằm xác định các tuyến bảo đảm, vị trí các đội điều trị, các trạm vận chuyển thương binh, bệnh binh… Sau đó, chỉ thị cho các Đội điều trị lần lượt hành quân bộ lên tập kết. Để tránh pháo của địch, giữ bí mật hướng chiến dịch, hầu hết các đơn vị đều hành quân vào ban đêm, bám dọc theo các sườn đồi, chỉ dừng chân ở địa điểm quy định. Các công việc đào hầm trú ẩn, hố cá nhân… đều triển khai hết sức bí mật, thậm chí đến mức hạn chế ho, nói to. Do đó, đã gây nhiều bất ngờ cho địch khi chiến dịch diễn ra.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, lần đầu tiên toàn bộ hệ thống các cơ sở điều trị được triển khai dưới mặt đất. Đây là điểm khác hẳn với những chiến dịch trước. Ngoài các bệnh xá cấp trung đoàn, trạm quân y tiểu đoàn, các Đội điều trị đại đoàn và một số Đội điều trị của Cục Quân y đều được triển khai trong hầm, thương binh, bệnh binh nằm dưới mặt đất. Ban Quân y chiến dịch đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo để lựa chọn kiểu hầm phù hợp cho phòng mổ các bệnh xá trung đoàn, hầm cho phòng mổ của đội điều trị đại đoàn, mẫu hầm cho thương binh, bệnh binh… Đây cũng là lần đầu tiên xuất hiện mẫu hầm “hàm ếch” để đặt thương binh. Đường vận chuyển thương binh, bệnh binh được xác định là hệ thống giao thông hào.
Quá trình chuẩn bị và phục vụ chiến dịch, nhiều Đội điều trị phải tổ chức hành quân theo yêu cầu của cấp trên, trong đó có cả việc hành quân nghi binh, chuyển địa điểm… Giáo sư Bùi Đại nhớ mãi trường hợp một Đội điều trị đại đoàn hành quân len lỏi trong rừng, đội hình kéo dài hàng cây số do phải đi theo đường mòn. Khi đến điểm nghỉ, anh chị em dân công tổ chức nấu ăn, do sơ suất để khói bốc lên cao, bị máy bay địch phát hiện đến ném bom napan gây thương vong cho một số người. Đội điều trị ngay lập tức triển khai cấp cứu tại chỗ. Nhưng do tốp đi đầu chỉ mang bông băng và thuốc, không có dụng cụ phẫu thuật vì các hộp dụng cụ do tốp đi cuối đội hình mang vác, phải chờ họ tới mới phẫu thuật được. Ngay lần ấy, Ban quân y chiến dịch đã đề ra quy chế: Các Đội phẫu thuật, Đội điều trị khi hành quân trong rừng với một đội hình quá dài phải phân tốp thì mỗi tốp phải mang theo cơ số đồng bộ gồm: Bông băng, thuốc men và dụng cụ phẫu thuật. Nhờ áp dụng quy chế này nên các đợt hành quân sau, việc cấp cứu tại chỗ được cải thiện, góp phần giảm số thương vong trong hành quân.
Giáo sư Trần Lưu Khôi, nguyên Chủ nhiệm quân y Đại đoàn 308, nguyên Viện trưởng quân y 103 kể: Chọn phương châm "đánh chắc, tiến chắc" đối với quân y là phải chuẩn bị mọi mặt, phục vụ tới cùng. Với một Trung đội vận tải và dân công tăng cường, Đội điều trị 8 đã triển khai một hệ thống hầm hào kiên cố, chống được phi pháo của địch dọc khe suối Hồng Lếch, cách trạm cấp cứu Trung đoàn 101 và Trung đoàn 88 từ 1.500-2.000m còn Trung đoàn 36 thì xa hơn. Chúng tôi có thể cứu chữa thường xuyên cho 150 thương, bệnh binh. Các hầm mổ, hồi sức, pha chế thuốc được làm chắc chắn hơn, bác sĩ đứng mổ thoải mái. Hầm cho thương binh có giường nằm bằng cây, lót lá và trải vải hoặc ni lông. Mọi hoạt động của y, bác sĩ, nhân viên và thương binh đều ở dưới hầm. Ánh sáng cho những ca mổ dùng bằng đèn xe đạp đi-na-mô, ra-đi-ốt do anh em thay nhau đạp. Chiến dịch kéo dài, các đợt tác chiến ác liệt, thương binh do đạn bắn thẳng, mìn ngày một nhiều, có đợt mổ liên tục 2, 3 ngày đêm mới hết. Khó khăn chính là thiếu thuốc, truyền dịch và không có máu để tiếp. Nhờ vòng vây khép chặt nên dù tiếp tế có cả thuốc men của địch rơi sang ta cũng khá. Trong chiến dịch, chúng tôi đã tổ chức tốt việc cứu chữa thương binh, bệnh binh của đại đoàn và các đơn vị phối thuộc. Chỉ tiêu hiệp đồng là hơn 2.000 thương binh, trong đó có 35% được trả về đơn vị tiếp tục chiến đấu.
Sau chiến dịch, có một công việc mà quân y phải đảm nhiệm nhưng không lường trước được. Đó là giải quyết chăm sóc các thương, bệnh binh địch. Đội Điều trị 8 của Đại đoàn 308 nhận nhiệm vụ này ngày 8-5-1954. Chỉ trong vòng 5-7 ngày, Đội triển khai xong một bệnh viện dã chiến trên cánh đồng Mường Thanh để phẫu thuật, chăm sóc cho 858 thương binh địch. Trước đó, họ phải nằm trên những chiếc giường 3 tầng trong các căn hầm nhỏ, sặc mùi hôi tanh, mủ từ giường trên nhỏ giọt xuống giường dưới, ở dưới đất là một lớp bùn nhầy nhụa các chất thải, mủ máu, các phần chân tay bị cắt đang thối rữa, đầy dòi bọ. Thương binh của địch như được quân đội ta đưa từ “âm ty” lên trần gian cho sống lại, họ cảm động trước lượng khoan hồng và lòng vị tha của ta bao nhiêu thì oán trách những người chỉ huy của họ bấy nhiêu. Ngày 25-5-1954, người tù thương cuối cùng đã rời Mường Thanh bằng máy bay.
Ngô Thế Chiện(kể)Ngô Thế Phổ (ghi)