Chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với hộ người có công là chính sách hợp lòng dân nhưng quá trình thực hiện còn nảy sinh nhiều bất cập dẫn đến tình trạng nhiều hộ gia đình có công nhưng chưa được hỗ trợ nhà ở. Thủ tướng Chính phủ cũng ra Quyết định số 22 về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Theo đó đã có hàng chục nghìn hộ người có công với cách mạng được xây mới, hỗ trợ về nhà ở.
Theo thống kê sơ bộ của Bộ Xây dựng, tính đến tháng 7-2014, cả nước đã hoàn thành việc hỗ trợ đối với 29.557 hộ, trong đó có 19.203 hộ được xây mới nhà ở và 10.354 hộ được sửa chữa, cải tạo lại nhà ở; có 5.728 hộ đang triển khai thực hiện. Đã có 51/53 địa phương được Bộ Tài chính tạm ứng 50% phần kinh phí hỗ trợ từ ngân sách T.Ư, khoảng 950 tỷ đồng. Đặc biệt, nhiều tỉnh dù chưa được cấp đủ kinh phí, nhưng do nhà ở bị xuống cấp, hư hỏng cần xây dựng, sửa chữa nên đã tự bỏ kinh phí trước để thực hiện.
Về chủ chương chính sách đưa ra là rất có ý nghĩa và đúng đắn, thể hiện đạo lý đền ơn đáp nghĩa của dân tộc ta. Thế nhưng cho đến nay việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng còn có một số hạn chế, vướng mắc, một bộ phận người có công với cách mạng còn gặp khó khăn về nhà ở. Nguyên nhân của sự trì trệ này là do cấp vốn chậm và số lượng cần hỗ trợ tăng vọt.
Theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ thì lộ trình thực hiện được chia làm 2 giai đoạn. Theo đó, năm 2013 phải thực hiện cơ bản xong việc hỗ trợ về nhà ở cho hộ gia đình người có công với cách mạng cho khoảng 71.000 hộ và đến năm 2014 tiếp tục thực hiện hỗ trợ các hộ mà địa phương mới rà soát, thống kê, báo cáo năm 2013. Tổng số tiền cần thực hiện hỗ trợ là 2.451 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế đến nay cả nước mới chỉ hỗ trợ được khoảng 31.500 hộ, chiếm khoảng 50% kế hoạch của giai đoạn 1, điều đó đồng nghĩa với giai đoạn 2 chưa thể khởi động. Trong buổi sơ kết chương trình Tổng rà soát chính sách ưu đãi người có công với cách mạng do Bộ LĐTBXH cùng MTTQ tổ chức đầu tháng 3 vừa rồi, nhiều ý kiến đề xuất việc chưa nhận được kinh phí hỗ trợ nhà cho người có công được đưa ra từ cơ sở ở các tỉnh. Không chỉ khó khăn về vốn, việc mở rộng đối tượng được thụ hưởng khiến cho số hộ được hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cũng theo đó tăng lên. Nếu như trước năm 2013, cả nước có khoảng 71.000 hộ thuộc diện cần hỗ trợ về nhà ở, thì sau khi có Quyết định 22, con số các địa phương báo cáo theo đề án được phê duyệt đã lên tới trên 335.000 hộ, tăng khoảng 4,6 lần. Như vậy, số tiền cần thực hiện hỗ trợ lên tới hơn 10.537 tỷ đồng, vượt xa so với dự kiến 2.451 tỷ đồng trước đó.
Cũng theo Quyết định 22, có 2 mức hỗ trợ nhà ở cho người có công. Cụ thể đối với trường hợp phải xây dựng mới nhà ở là 40 triệu đồng/hộ; đối với trường hợp sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở là 20 triệu đồng/hộ. Ngoài mức kinh phí này Nhà nước cũng khuyến khích cộng đồng, dòng họ giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp và căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương có thể hỗ trợ thêm từ ngân sách cho các hộ gia đình. Tuy nhiên, trách nhiệm lo nhà ở đối với người có công trước hết là của Nhà nước, bên cạnh đó phải bảo đảm chất lượng, an toàn, tuổi thọ tối thiểu cho mỗi căn nhà là 20 năm. Nguyên tắc là không để một người có công nào không có nhà ở hoặc có nhà ở mà không bảo đảm chất lượng. Việc này đòi hỏi các cấp, các ngành cùng rà soát, không để bỏ sót, không để người nào chịu thiệt thòi nhưng cũng không để chính sách bị lợi dụng.
Kim Loan