Cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Đức Minh (huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) dạy học cho học sinh THCS.

Bấy lâu nay, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) “Cõng chữ lên non”, “Cõng chữ ra đảo”, “Nâng bước em tới trường”… trở thành thân thuộc với đồng bào cả nước và được gọi chung với cái tên thân thương “Thầy giáo quân hàm xanh”. Hình ảnh đó được vun đắp từ tâm sức, trí tuệ của nhiều thế hệ BĐBP - người lính quân hàm xanh, cho sự nghiệp trồng người ở những nơi khó khăn nhất. Không chỉ dạy chữ, rèn người mà còn góp phần đào tạo ra một thế hệ trẻ giàu tình yêu quê hương, đất nước, đoàn kết bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Từ năm 1992, trước thực tế đồng bào các dân tộc mù chữ và tái mù chữ chiếm đa số, hàng vạn thôn bản vùng sâu giáp biên giới chưa có lớp học, hoặc có nhưng còn tranh tre tạm bợ, Bộ Tư lệnh BĐBP và Bộ GDĐT đã ký kết Chương trình phối hợp phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và biên giới, hải đảo. Bằng nhiều biện pháp tổ chức lớp học linh hoạt, phù hợp với điều kiện sinh hoạt, lao động của nhân dân, các Đồn Biên phòng đã cùng các Phòng GDĐT huyện, thị xã mở hàng vạn lớp xóa mù chữ, hàng nghìn lớp phổ cập giáo dục tiểu học, lớp học tình thương và vận động hàng triệu trẻ em đi học. Cũng từ đây, danh hiệu “Thầy giáo quân hàm xanh” được nhân dân yêu quý, tôn vinh, những cán bộ, chiến sĩ Biên phòng thực hiện lời Bác Hồ dạy, làm nhiệm vụ “diệt giặc dốt”.

27 năm qua, nỗ lực của hàng nghìn thầy giáo mang quân hàm xanh đã góp phần nâng cao mặt bằng dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cao ở khu vực biên giới. Họ cũng luôn là chỗ dựa vững chắc cho các thầy, cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện thuận lợi nhất phục vụ sự nghiệp trồng người, cùng Ngành Giáo dục cả nước đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục ở cả ba cấp học. Công tác chống mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học ở địa bàn biên giới với sự tham gia tích cực của BĐBP, mang lại hiệu quả thiết thực về mặt xã hội, góp phần nâng cao dân trí, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao ý thức quốc gia, quốc giới cho đồng bào các dân tộc; góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trên địa bàn biên giới, hải đảo.

Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, các đơn vị BĐBP trực tiếp mở trên 300 lớp học xóa mù chữ cho gần 6.000 học viên ở mọi lứa tuổi và thành phần; 200 lớp phổ cập giáo dục tiểu học cho gần 3.000 trẻ em nghèo, 50 lớp học tình thương cho trên 1.000 học sinh. Vận động 5.054 học sinh bỏ học trở lại trường, 66.078 học sinh trong độ tuổi đến lớp. Trong đó, năm 2016 mở 59 lớp cho 1.395 học viên; năm 2017 mở 43 lớp cho 757 học viên. Những kết quả đó chứng minh lời khẳng định của Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ: “Sự nghiệp xóa mù chữ ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hảo đảo sẽ không thể thành công, nếu không có sự góp sức của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng - những người thầy giáo mang quân hàm xanh”.

Vừa đồng thời triển khai tích cực, hiệu quả mô hình “Thầy giáo quân hàm xanh”, năm 2014, thực hiện Chỉ thị số 788 của Quân ủy T.Ư về triển khai cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP phát động thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Chương trình được đánh giá là có ý nghĩa chính trị - xã hội, nhân văn sâu sắc và hiệu quả, nhằm giúp đỡ, động viên kịp thời trẻ em khu vực biên giới, biển đảo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đến trường, có nghị lực phấn đấu tốt trong học tập, rèn luyện để sau này trở thành người có ích cho quê hương, đất nước. Theo đó, mỗi đồn Biên phòng trên các tuyến biên giới, biển đảo nhận đỡ đầu ít nhất 2 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn, mức hỗ trợ mỗi em 500.000 đồng/tháng, để các em có điều kiện tiếp tục đến trường cho tới khi học hết lớp 12. Tại nhiều nơi, căn cứ điều kiện thực tế của đơn vị cũng như của các em, cán bộ, chiến sĩ đã đưa các em nhỏ mồ côi, không nơi nương tựa về nuôi dạy tại đồn Biên phòng. Đồng thời, thường xuyên giữ mối liên lạc với gia đình và phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và nhà trường địa phương để động viên kịp thời, tạo điều kiện tốt nhất cho các cháu phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi...

Một số đơn vị còn đẩy mạnh các hình thức hỗ trợ trẻ em tới trường như tổ chức các bếp ăn tình thương, huy động sách vở, xe đạp, dụng cụ học tập cho học sinh nghèo; cử cán bộ, chiến sĩ tới tăng gia tại các trường bán trú, nhằm tăng thêm dinh dưỡng vào bữa ăn của các em. Một số đơn vị triển khai mô hình “Tay kéo Biên phòng”, thành lập từ 1 đến 2 tổ cắt tóc, hướng dẫn giữ gìn vệ sinh thân thể cho học sinh trên địa bàn biên giới do đơn vị quản lý.

Đến nay, toàn lực lượng đã đỡ đầu 2.844 học sinh khu vực biên giới có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trong đó có 87 học sinh Lào, 91 học sinh Campuchia, 820 em là trẻ mồ côi không nơi nương tựa, 40 em được chăm nuôi tại đồn Biên phòng. Đã có 33 em học sinh tốt nghiệp lớp 12, trong đó có 7 em thi đỗ vào các trường đại học. Chương trình được lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư và cấp ủy, chính quyền các địa phương ghi nhận, đánh giá cao; được T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh bình chọn là “Công trình thanh niên tiêu biểu toàn quốc” năm 2016; được Hội LH Thanh niên Việt Nam và tổ chức Liên Hợp quốc tại Việt Nam bình chọn là một trong 8 giải thưởng “Tình nguyện quốc gia” năm 2017.

 Nguyễn Văn Thanh