Quán triệt chủ trương chiến lược của Bộ Chính trị, T.Ư Cục miền Nam và Bộ chỉ huy Miền chỉ đạo quân và dân trên các chiến trường ra sức chuẩn bị mọi mặt cho “Tết Mậu Thân”. Trên cơ sở đó, Khu ủy Sài Gòn - Gia Ðịnh đề ra kế hoạch, mục tiêu Tổng tiến công và nổi dậy, nhằm thực hiện hai nhiệm vụ lớn: Ðánh chiếm các căn cứ đầu não của địch tại Sài Gòn và phát động quần chúng nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền.
Các lực lượng quân sự được tổ chức thành ba khối: Khối biệt động, Khối phân khu, Khối chủ lực Miền. Trong đó, Khối biệt động gồm 3 cụm với hơn 100 chiến đấu viên có nhiệm vụ tấn công các mục tiêu đầu não của địch như: Dinh Ðộc lập, Ðại sứ quán Mỹ, Ðài phát thanh, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân... Khối phân khu gồm lực lượng vũ trang các phân khu và được tăng cường thêm 15 tiểu đoàn chủ lực khác trong đó có Tiểu đoàn 1 Quyết thắng, Tiểu đoàn 3 Gò Vấp - Hóc Môn, Tiểu đoàn 3 Dĩ An, Tiểu đoàn 4 đặc công Gia Ðịnh... có nhiệm vụ tiếp ứng cho các đơn vị biệt động chiếm lĩnh mục tiêu trong nội đô. Khối chủ lực Miền có ba Sư đoàn bộ binh 5-7-9, một Sư đoàn pháo binh, một Trung đoàn bộ binh 88 và một số lực lượng thuộc các binh chủng khác có nhiệm vụ tiến công các căn cứ của địch và ngăn chặn không cho chúng về ứng cứu Sài Gòn.
Nhiều cán bộ Đảng được bí mật tăng cường vào đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn nhằm điều nghiên mục tiêu, gây dựng cơ sở, cất giấu vũ khí, in truyền đơn, viết khẩu hiệu... chuẩn bị cho những mục tiêu lớn. Gần 400 cơ sở cách mạng, “lõm chính trị”, kho vũ khí bí mật được hình thành ngay trong lòng đô thành Sài Gòn. Lực lượng Thành Đoàn được chia thành ba nhóm chính: Nhóm vũ trang, nhóm vũ trang tuyên truyền và nhóm chính trị công khai. Trong đó, nhóm vũ trang có nhiệm vụ làm “thê đội 2” cho biệt động tấn công các mục tiêu quan trọng của địch trong nội đô; nhóm vũ trang tuyên truyền có nhiệm vụ phát động quần chúng diệt ác phá kềm, kiểm soát các địa bàn cơ sở; nhóm chính trị công khai có nhiệm vụ phối hợp với lực lượng thứ ba, với các giới, tuyên truyền, vận động quần chúng nổi dậy tiếp ứng cho lực lượng vũ trang nhằm chiếm lĩnh các mục tiêu quan trọng đã định sẵn. Các lực lượng quần chúng yêu nước như nhân sĩ, trí thức được các tổ chức trí vận, Hoa vận, công vận, phụ vận… của Đảng bí mật vận động, tập hợp trong các tổ chức công khai, bán công khai như Tổng hội sinh viên, Nghiệp đoàn ký giả, Hội Ái hữu giáo chức… Đến cuối tháng 12-1967, mọi công tác chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy cơ bản đã hoàn tất. Tài lực, vật lực và lực lượng ba thứ quân của thành phố cùng với lực lượng nổi dậy đều ở tư thế sẵn sàng nhập cuộc.
Ðêm 30 rạng ngày 31-1-1968, lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Ðịnh đồng loạt tiến công các mục tiêu quan trọng của chiến trường trọng điểm. Đặc biệt, các cụm biệt động đã đánh vào các mục tiêu đầu não của Mỹ - ngụy tại sào huyệt của chúng. Dinh Ðộc lập, Ðại sứ quán Mỹ, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân, Ðài Phát thanh, những nơi được coi là “bất khả xâm phạm” đều bị tấn công và giữ được một thời gian lâu hơn nhiều so với kế hoạch. Các tiểu đoàn mũi nhọn của các phân khu, dù phải vượt qua hệ thống đồn, bốt dày đặc của địch nhưng đã kịp vào thành phố phối hợp với lực lượng biệt động tiến công địch. Cùng với các mũi tiến công của các đơn vị chủ lực, dân quân du kích địa phương với quy mô cấp tiểu đội, trung đội, đại đội kết hợp với bộ đội các phân khu tấn công hệ thống đồn, bốt của địch. Chỉ với súng trường, lựu đạn và mìn trái nhưng lực lượng dân quân, du kích địa phương tiêu diệt được một phần năm tổng số địch bị diệt của cả lực lượng ba thứ quân.
Ðòn giáng phủ đầu của lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Ðịnh, đặc biệt là của lực lượng biệt động đã mở đầu xuất sắc cuộc Tổng tiến công. Sự mưu trí, quả cảm của người chiến sĩ lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Ðịnh làm rung động cả nước Mỹ, góp phần “đưa cuộc chiến tranh Việt Nam từ rừng rậm ra hè phố”, thổi bùng lên làn sóng phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam trên toàn nước Mỹ và cả thế giới. Đồng thời, sự nổi dậy với quy mô khá lớn của các tầng lớp nhân dân, các giới đồng bào ở Sài Gòn - Gia Ðịnh với nhiều hình thức phong phú ở ngay sào huyệt quan trọng nhất của Mỹ - ngụy thể hiện rõ nét chân dung của chiến tranh nhân dân; là kết quả của chủ trương xây dựng lực lượng cơ sở chính trị song song lực lượng vũ trang theo phương châm đánh địch trên cả ba vùng chiến lược của chiến tranh nhân dân Việt Nam.
Cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa khu vực Sài Gòn - Gia Định tuy không đạt được đầy đủ mục tiêu đề ra, song đã tiêu hao một lực lượng lớn quân địch, góp phần làm thất bại chiến tranh cục bộ của Mỹ - ngụy, tạo ra cục diện mới ở chiến trường miền Nam theo hướng chuyển sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi cuối cùng. Khẳng định lòng yêu nước của nhân dân miền Nam và Sài Gòn - Gia Định; khẳng định lòng yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là mẫu số chung của mọi người Việt Nam, là sức mạnh của dân tộc Việt Nam.
NGUYÊN PHONG