Sau khi tham gia giải phóng Trị Thiên Huế, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 được lệnh tiếp tục đánh địch dọc đường số 1, tiến về Nam, tham gia chiến dịch giải phóng Đà Nẵng. Sau 2 ngày liên tục đánh chiếm khu vực Nước Ngọt, Thừa Lưu, đèo Phước Tượng và tuyến phòng thủ lâm thời của địch ở chân đèo Phú Gia - Lăng Cô... chiều ngày 27-3, Trung đoàn 18, được Trung đoàn pháo binh 84 đã làm chủ hoàn toàn khu vực Lăng Cô, mở toang cánh cửa đột phá lên đèo Hải Vân.

Sau một ngày hai đêm Sư đoàn củng cố đội hình, hiệp đồng tác chiến với đơn vị bạn, sáng tinh mơ ngày 29-3, Phó tư lệnh Quân đoàn 2 - Hoàng Đan đi cùng Sư đoàn 325 phát lệnh: Vượt Hải Vân, tiến vào Đà Nẵng! Lập tức, pháo của Trung đoàn 84 dồn dập nã đạn lên đèo uy hiếp địch. Cùng lúc, lực lượng đột kích thọc sâu chiến dịch và đội hình hành tiến của Sư đoàn trải dài hàng mấy cây số rùng rùng chuyển động.

Để đập vỡ tuyến phòng thủ của Lữ đoàn 258 lính thủy đánh bộ trên đèo Hải Vân, phát triển tiến công Đà Nẵng, chúng tôi bố trí đội hình hành tiến theo phương thức bộ binh cơ giới. Đi đầu là Đại đội 4 xe tăng (6 chiếc), do Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6 Trần Minh Thiệt (sau là Anh hùng LLVTND) chỉ huy. Tiếp sau là đội hình ô tô chở bộ binh Trung đoàn 18 và Sở chỉ huy nhẹ của Sư đoàn. Anh Nguyễn Đức Huy - Sư đoàn phó Tham mưu trưởng và tôi - Tham mưu phó đi trong tốp này. Trung đoàn bộ binh 101, Trung đoàn pháo binh 84 đi tiếp ngay sau đội hình đột kích thọc sâu...

Bất ngờ bị đòn tập kích hỏa lực dồn dập từ sáng sớm và phát hiện đội hình xe tăng, bộ binh ào ạt tiến lên đèo, lính Lữ đoàn 258 bỏ trận địa cuống cuồng chạy vào rừng. Khi đội hình đi đầu của Sư đoàn 325 lên đến đỉnh đèo, chỉ huy lữ đoàn địch mới hoàn hồn, tổ chức chặn đánh. Lúc này mọi sự chống cự của địch chỉ là gắng gượng, quẫy đạp trong tuyệt vọng.

Được pháo trên xe tăng chi viện, Đại đội 6 do Đại đội trưởng Nguyễn Tiến Lãi chỉ huy, nhanh chóng tiêu diệt các cụm địch chốt chặn khu vực đỉnh đèo Hải Vân, mở đường tiến sang sườn phía nam đèo. Chiến sự đang diễn ra. Tiếng đạn pháo xe tăng, từng tràng A.K của bộ binh vẫn nổ từng loạt đanh gọn. Tình thế đó, không cho phép chúng tôi thả hồn theo mây trời, gió biển... Nhưng lần đầu trong đời được thấy Hải Vân Quan - “Thiên hạ Đệ nhất Hùng quan”, vẫn trào dâng trong tôi một cảm xúc rạo rực khó tả. Thời khắc chúng tôi ở đỉnh đèo Hải Vân, phóng tấm mắt ra xa, không chỉ có mây trời, gió biển, mà đỉnh đèo còn được vây bủa bởi những quầng mây trận mạc; những đám khói đạn pháo, những quầng lửa da cam bùng lên sau mỗi phát đạn B.40 của đồng đội tôi…

Đà Nẵng đang vẫy gọi chúng tôi từng phút, từng giây. Đã 45 năm kể từ ngày đó, nhưng giờ đây mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn xúc động tự hào về khoảnh khắc kỳ diệu đứng ở đỉnh đèo Hải Vân, nhìn đội hình xe tăng, bộ binh ta đổ đèo và chứng kiến căn cứ liên hợp Đà Nẵng của địch chìm trong lửa khói đạn pháo.

Khi đội hình đột kích thọc sâu của Sư đoàn xuống gần chân đèo, thì địch cho một cánh quân có xe tăng đi cùng tiến lên đèo chi viện cho Lữ đoàn 258. Nhưng đã quá muộn! Với thế áp đảo từ trên đánh xuống, lực lượng đột kích thọc sâu của ta nhanh chóng tiêu diệt cánh quân này và tiến xuống chiếm kho xăng Liên Chiểu vào lúc 8 giờ 30 phút.

Gần một giờ sau, lực lượng đột kích thọc sâu của Sư đoàn vào đến Nam Ô. Xe tăng, bộ binh của ta tiến đến đâu, binh lính địch trút bỏ quân phục, vứt súng ống, chạy thục mạng tới đó. Còn nhân dân vui mừng đổ ra đường đón chào Quân giải phóng. Khác với khi chúng tôi tiến vào giải phóng Huế, dân có vẻ thưa vắng; ở đây, bà con mình ở lại thành phố khá đông. Chúng tôi tiến vào thành phố như đi giữa dòng cờ, hoa của dân phố đứng hai bên đường.

Chừng 10 giờ 30 phút, đội hình Sư đoàn 325 vào đến trung tâm thành phố. Cùng lúc, Sư đoàn 2 Quân khu 5 sau khi giải phóng Tam Kỳ cũng đã tiến vào đánh chiếm các vị trí quan trọng trên hướng nam. Sư đoàn 304 sau khí đánh chiếm quận lị Ái Nghĩa, sân bay Nước Mặn, căn cứ Hòa Cầm... đã tiến vào thành phố từ hướng tây.

Sau khi vào trung tâm thành phố, thực hiện lệnh của Phó tư lệnh Quân đoàn Hoàng Đan, chúng tôi cho Trung đoàn 18 vượt cầu Trịnh Minh Thế sang đánh chiếm bán đảo Sơn Trà và quân cảng Đà Nẵng. Bộ đội vượt cầu Trịnh Minh Thế thuận lợi, vì trước đó, Trung đoàn Ba Gia, thuộc Sư đoàn 2 của anh Nguyễn Chơn và tự vệ Đà Nẵng đã chiếm giữ cầu, làm thất bại ý đồ phá cầu của địch, hòng cản bước tiến của quân ta.

Lúc này, bán đảo Sơn Trà như một biển người. Tướng Ngô Quang Trưởng - Tư lệnh vùng 3 ngụy đã bỏ quân, bỏ của, lên tàu lao ra biển tẩu thoát. Trung đoàn 18, Đại đội xe tăng 4 nhanh chóng chiếm gọn quân cảng, bắt giữ hàng trăm tàu thuyền địch, khóa chặt con đường rút chạy cuối cùng của trên 10 vạn quân địch ở Đà Nẵng. Tiếp đó, Trung đoàn phát triển đánh chiếm khu thông tin viễn thông, khu kho liên hiệp... và làm chủ bán đảo Sơn Trà vào lúc 13 giờ 30 phút ngày 29-3-1975.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham gia chiến dịch giải phóng Đà Nẵng, Sư đoàn 325 được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất; các Trung đoàn 19, 101, 84 cũng được tặng thưởng Huân chương Quân công.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh kể, Duy Tường ghi