Lịch sử còn ghi năm ấy, ngày ấy Bác Hồ lấy tên Văn Ba lên đường sang Pháp với nghề phụ bếp trên chiếc tàu buôn của chính người Pháp. Sang phương Tây, đến nước Pháp-nơi sản sinh ra những ngôn từ đẹp đẽ Tự do-bình đẳng-bác ái. Người nói: “Tôi muốn tới nước Pháp và các nước khác xem họ làm thế nào, tôi sẽ trở về, giúp đồng bào tôi”. Kết quả là, Người tìm thấy “cẩm nang” cho sự nghiệp giải phóng dân tộc: Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I. Lênin. Từ đó Luận cương của Lênin theo Bác về Việt Nam. Và chính Người đã lãnh đạo dân tộc Việt Nam “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc - Kỷ nguyên độc lập tự do và CNXH.
Sự kiện lịch sử ấy là nguồn cảm hứng, là hồn cốt để nhà thơ Chế Lan Viên viết nên bài thơ bất hủ “Người đi tìm hình của nước” (1960). Bài thơ mở đầu bằng những câu:
Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi/ Cho con làm sóng dưới thân tàu đưa tiễn Bác/ Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất/ Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre/ Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ/ Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương/ Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở/ Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương.
Nhà thơ khắc họa hình ảnh vừa tượng trưng vừa hiện thực-lịch sử về nhân thân và vai trò của Bác trong những năm tìm đường hoạt động cách mạng “Người thủy thủ” từng “ vượt qua trùng dương sóng bạc ngất trời”, “Người thợ ảnh của loài người cùng khổ” để nói về cuộc hành trình lịch sử “tìm đường cứu nước” của Người
Trong hoàn cảnh bấy giờ, giữa ngã ba, ngã bảy của thời cuộc-thời “tư tưởng nhiều, chủ nghĩa nhiều”, chỉ riêng ý tưởng“Tìm đường đi cho dân tộc theo đi” đã hết sức lớn lao.
Thái độ của người thanh niên Nguyễn Tất Thành lúc đó là nghi vấn: Đâu là con đường đúng nhất? Chủ nghĩa nào là chủ nghĩa đáng để đi theo nhất?
Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi/ Những đất tự do, những trời nô lệ.
Bài thơ có những câu hỏi lớn với hàng loạt vấn đề hệ trọng bậc nhất: Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây?/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ giải Trường Sơn bừng giấc ngủ?/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?/ Rồi cờ sẽ ra sao? Tiếng hát sẽ ra sao?/ Nụ cười sẽ ra sao?...
Cuộc hành trình rộng khắp được thực hiện qua “Gió rét thành Ba Lê”, nơi “Sương mù thành Luân Đôn”, tận “Châu Mỹ, châu Phi/ Những đất tự do, những trời nô lệ”...
Tạo ra bước ngoặt lịch sử rõ rệt trong quá trình nhận thức Nguyễn Ái Quốc là chuyến đi vào năm 1924 tới Liên bang Xô-viết. Chính trên quê hương của cuộc cách mạng vô sản vĩ đại-Cách mạng Tháng Mười, một hiện thực lịch sử chói lòa đã hiện ra trước mắt, cũng cố thêm cảm nhận như một thực chứng đầy thuyết phục.
Cây cay đắng đã ra mùa quả ngọt/ Người cay đắng đã chia phần hạnh phúc/ Sao vàng bay theo liềm búa công nông
Là đại biểu, đại diện cho Người cùng khổ của không chỉ Việt Nam mà là cả thế giới cần lao, nhà cách mạng trẻ tuổi đã nhận chân một “thế giới bạo tàn” trong thế kỷ XX - “thế kỷ đau thương và anh dũng”! Lăn lộn trong cuộc sống để mưu sinh, hoạt động cách mạng, Nguyễn Ái Quốc có điều kiện len lỏi vào quần chúng cần lao, trong giới thợ thuyền và những người nông dân nghèo khổ các vùng quê-ở cả nhiều miền hẻo lánh, bản thân đã thấm thía nỗi cùng cực của những kiếp sống bị áp bức, bóc lột. Cũng trên đất nước của VI.Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã được tận mắt chứng kiến những thành quả đầu tiên của cuộc cách mạng công nông: Kìa mặt trời Nga bừng chói ở phương Đông.
Qua “Luận cương Lênin”, Nguyễn Ái Quốc tìm được chỗ dựa vững chắc, một nguồn sức lực mạnh mẽ để vươn tới cái đích của đấu tranh giải phóng dân tộc với khát vọng từng ôm ấp thiết tha:
Ơi, độc lập!/ Xanh biết mấy là trời xanh Tổ quốc/ Khi tự do về chói ở trên đầu.
Sự kiếm tìm nhọc nhằn đầy tâm huyết đã dẫn đến tìm thấy chân lý. Luận cương của Lênin đã gây cho Nguyễn Ái Quốc cảm xúc hết sức mạnh mẽ.
Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc/ Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin.
Và:
Mà hình đất nước hoặc còn hoặc mất/ Sắc vàng nghìn xưa, sắc đỏ tương lai/ Thế đi đứng của toàn dân tộc/ Một cách vinh hoa cho hai mươi lăm triệu con người.
Bến Nhà Rồng, hơn một thế kỷ nay-từ buổi Bác xuống tàu bắt đầu cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, ý chí độc lập thống nhất, chốn linh thiêng, nơi đi về và ngưỡng vọng của nhiều thế hệ người Việt Nam; đồng thời trở thành nguồn cảm hứng của rất nhiều văn nghệ sĩ.
Kỷ niệm 115 năm ngày Bác Hồ bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước (5-6-1911) giở lại những trang sử đỏ, hướng về bến Nhà Rồng, đọc lại những vần thơ, nghe lại những câu hát về Người lòng chúng ta lại trào dâng niềm thương nhớ Bác. Bến nhà Rồng xin ghi tạc dạ chẳng quên! Không quên một ngày lịch sử, không quên công ơn Bác kính yêu và nguyện mãi mãi đi theo con đường Bác đã chọn.
Thập Tam trại tháng 5-2016
Ngô Vĩnh Bình