Đó là câu nói hài hước từ mấy đồng nghiệp của tôi.
Còn viết cho có đầu có cuối thì, hôm rồi Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam khảo sát bằng hình thức trắc nghiệm ở một số tỉnh, thành phố về thực trạng thực hiện Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 28-8-2014 về việc “Không chấm điểm học sinh tiểu học”. Dưới đây gọi tắt là Thông tư 30.
Kết quả: 95,2% số giáo viên; hơn 90% phụ huynh và học sinh trả lời cần dừng ngày thực hiện thông tư này.
Cũng phải nói thêm rằng, hình thức không chấm điểm, không cho bài tập về nhà ở bậc tiểu học đã có một số nước tiên tiến trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hà Lan, Singapore… áp dụng, giúp học sinh không bị áp lực bởi điểm số và thành tích.
Tuy nhiên, đem áp dụng hình thức đó vào nền giáo dục Việt Nam trong thời điểm hiện này là không phù hợp, dẫn đến tác dụng ngược lại: Giáo viên thì không tài nào nhận xét xuể kết quả học tập của từng học sinh vì vừa không đủ thời gian, vừa thiếu kỹ năng diễn đạt đành nhận xét chung chung: “Em học tốt”, “Em cần cố gắng”… mà không chỉ ra được tốt ở điểm nào, cần cố gắng ở điểm nào. Do không đủ thời gian, nhiều giáo viên có sáng kiến khắc dấu để đóng đồng loạt, hay đưa ra các loại ký hiệu thay cho điểm số như: bông hoa, ngôi sao, mặt cười, mặt mếu…
Còn học sinh thì không vì những nhận xét ấy mà chăm học hơn, nếu như không muốn nói ngược lại. Phụ huynh cũng kém quan tâm hơn đến việc học tập của con em mình. Sợi dây nối kết giữa gia đình, học sinh và nhà trường trở nên lỏng lẻo. Kết quả là chất lượng học tập của học sinh tiểu học giảm sút rất nghiêm trọng.
Nếu đặt câu hỏi và đi giải đáp vì sao nước ta chưa áp dụng được hình thức không chấm điểm học sinh tiểu học như các nước tiên tiến trên thế giới thì lại trở nên quan liêu, “lẩn thẩn” như “mấy bác” ở Vụ giáo dục Tiểu học tham mưu sai cho Bộ ra thông tư “chết người” này.
Sai đến như thế mà nghe phong thanh bây giờ Vụ giáo dục Tiểu học vẫn ngoan cố đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh thôi chứ không bỏ Thông tư 30. Vì theo Vụ kết quả cơ sở báo cáo tốt (!)
Hãy vào mạng xã hội mà nghe dân nói: Dân bảo đại ý: Bộ Giáo dục và Đào tạo đừng biến học sinh thành những con chuột bạch trong phòng thí nghiệm.
Thôi đừng bàn, đừng tham mưu làm gì nữa, Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy dừng ngay việc thực hiện Thông tư 30 đi và tổ chức rút kinh nghiệm. Ai sai phải kiểm điểm. Hình thức có thể phê bình, cảnh cáo, buộc thôi việc… Hoặc phê bình đại khái kiểu “Bộ chê” chẳng hạn.
Các bác cứ ngồi trong máy lạnh mà ban hành thông tư kiểu như thế là chết dân.
HUY THIÊM