Mới đây, trong một bài viết trên tờ Tuổi Trẻ, nhà báo Hữu Thọ nhớ lại: “...Lúc đó tôi công tác ở báo Nhân Dân. Tối 24-5-1987 là phiên tôi trực Ban Biên tập. Vào khoảng 17 giờ 30 phút, khi mọi người đã về, tòa soạn chỉ còn tôi và Ban Thư ký trực hôm đó thì đồng chí thường trực ở cổng 71 Hàng Trống đưa vào một phong thư nói là của một người đứng tuổi đi xe ôtô Lada màu sữa gửi ban biên tập. Tuy không đóng dấu hỏa tốc nhưng do phong bì của Văn phòng Trung ương nên tôi mở ngay. Trong phong bì có thư và một bài báo viết tay. Bức thư thì ký tên Nguyễn Văn Linh, nói rõ là gửi bài báo, nếu Ban Biên tập thấy được thì đăng. Còn bài báo có đầu đề "Những việc cần làm ngay", ký tên N.V. L... Bài báo ấy được đăng ngay số báo ngày hôm sau (25-5-1987), trên trang nhất, đóng khung, cũng là ngày mở đầu chuyên mục “Những việc cần làm ngay” trên báo Nhân Dân”.
Ngay lập tức, “Những việc cần làm ngay” của tác giả N.V.L đã thu hút sự quan tâm của quần chúng nhân dân và trở thành một chuyên mục lớn trên báo Nhân Dân, được bạn đọc ưa thích. Song, không ai biết tác giả N.V.L là ai, có người “dịch” rằng, N.V.L nghĩa là “nói và làm”, có người mạnh dạn bảo N.V.L tức là “nhảy vào lửa”... Khi biết N.V.L là đồng chí Nguyễn Văn Linh-Tổng Bí thư của Đảng thì sự tin tưởng của người dân đối với Đảng đã tăng lên gấp bội. Bút danh N.V.L dần trở nên quen thuộc với bạn đọc cả nước lúc bấy giờ và cho đến nay vẫn còn được bạn đọc và nhân dân nhớ và nể trọng.
Vấn đề hàng đầu được bài báo đề cập đến là chống tiêu cực. Trong các bài viết, tác giả N.V.L đã phê phán những hành vi quan liêu, vô trách nhiệm, lãng phí, hách dịch, tham nhũng, ức hiếp quần chúng, lợi dụng hộ chiếu ngoại giao để buôn lậu... của một số cán bộ có chức, quyền mà xưa nay ít người dám nói tới; phê phán việc “ngăn sông, cấm chợ”, cơ chế quản lý bất hợp lý, tập trung quan liêu, bao cấp, làm theo kế hoạch, ăn theo chỉ tiêu, gây ra những ách tắc trong sản xuất và phân phối lưu thông.
Những bài viết của tác giả N.V.L đã mau chóng nhận được sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân, bộ đội, đảng viên cả nước. Ở bất kỳ đâu, từ nông thôn ra thành thị, từ Bắc vô Nam... đâu đâu người ta cũng nói tới “những việc cần làm ngay” và cả những “sự im lặng đáng sợ”!
Nhằm khắc phục những bất cập, lạc hậu của cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã đưa ra những ý tưởng mới, quan niệm mới, cách làm mới... Ông mong muốn cán bộ các cấp phải làm gương về chống tác phong quan liêu, xa dân, từ bỏ những đặc quyền đặc lợi (như bỏ chế độ lãnh đạo cấp cao đi máy bay chuyên cơ trong nước, đi công tác bằng xe Lada không có máy điều hòa-tiêu chuẩn dùng cho cấp Thứ trưởng); vào Nam ra Bắc phải đi máy bay chung với mọi người; cắt giảm chế độ bảo vệ an ninh... Ông nhấn mạnh: “Phải đấu tranh chống cái cũ, chống bảo thủ trì trệ, chống giáo điều rập khuôn, chống chủ quan nóng vội, chống tha hóa biến chất, chống những thói quen lỗi thời dai dẳng. Đây là cuộc đấu tranh cách mạng gian khổ diễn ra trên mọi lĩnh vực và trong bản thân từng người chúng ta.” (Diễn văn khai mạc Đại hội VI ngày 15-12-1986). Và ông biết rõ “đổi mới” là một việc làm chẳng dễ dàng gì. Trong một bài đăng báo Nhân Dân tháng 7-1987, đồng chí giãi bày “có đồng chí “khuyên tôi nên thôi” vì “có bao nhiêu việc cần làm sao phải hăng hái chống tiêu cực như vậy” nhưng tôi “vẫn cứ viết vì thấy cần quá”, “cần đưa các nhân tố mới lên lấn dần tiêu cực, nhưng đồng thời phải quyết liệt chống tiêu cực thì nhân tố mới mới thật sự có chỗ đứng, giống như có nhổ sạch cỏ dại, diệt sâu rầy thì lúa mới mọc lên vậy”.
Khái niệm “im lặng đáng sợ” như một biểu hiện của bệnh vô cảm, vô trách nhiệm, phớt lờ ý kiến của nhân dân mà đồng chí N.V.L. (tức Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh) nêu lên đến nay mọi người còn nhớ, vì nó vẫn là căn bệnh kéo dài đến nay. Ví như việc ai đó đứng đầu một cơ quan, đơn vị, địa phương còn “phớt lờ dư luận”, “giả câm giả điếc” trước yêu cầu của công luận hay, nhỏ thôi là việc trả lời “thư bạn đọc” của các báo; đôi khi còn “câu giờ” đề sự việc “chìm xuồng”, để được “đá lên” hay “hạ cánh an toàn”. Đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng là một đồng chí lãnh đạo cao cấp luôn trăn trở với sự nghiệp báo chí và văn hóa văn nghệ nước nhà. Ông nhiều lần nhấn mạnh, phải “đổi mới” toàn diện và đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của báo chí, văn học. Ông từng nói: “...Vấn đề đặt ra cho chúng ta là: Với tinh thần đổi mới của Đại hội VI, ta phải truy cho ra vì nguyên nhân gì làm cho văn học nghệ thuật của chúng ta nghèo đi”. Nói chuyện với các văn nghệ sĩ, các nhà báo có trong một cuộc hội thảo, ông nói:
“Qua phát biểu của các đồng chí, tôi thấy các đồng chí đã có đầy đủ các quan điểm tôi vừa nói trên rồi. Nhưng các đồng chí còn sợ những "bóng ma". Với sự đổi mới từ Đại hội VI, Nghị quyết của Đại hội đã mở cửa cho các đồng chí. Tuy cửa mở rồi nhưng không phải từ nay mọi sự đều dễ dàng. Không phải chúng ta đang đi trên con đường nhựa bằng phẳng mà là con đường còn khúc khuỷu, gập ghềnh. Tôi không phải là nhà văn nghệ, nhà báo nhưng "ngứa ngáy" quá nên vừa rồi mới viết "Những việc cần làm ngay". Nhiều người hoan nghênh, hưởng ứng nhưng không phải không có những người cho rằng: "Sao lại bôi đen chế độ", "không khéo đây là một kiểu phát động cách mạng văn hóa"... Tôi nghĩ cần phải đẩy lùi bóng tối như làm ruộng phải nhổ cỏ cho lúa có sức mọc lên. Người tốt, việc tốt sẽ nảy nở nếu đẩy lùi được người xấu, việc xấu. Cái khó bây giờ là dám nêu ra cái xấu. Chính vì thế mà tôi thông cảm với các đồng chí”. Đồng chí Tổng Bí thư nói tiếp: “Các đồng chí có nói nhiều đến sự "cởi trói". Có như vậy mới phát huy được hết khả năng trong lĩnh vực của các đồng chí. "Cởi trói" như thế nào? "Cởi trói" nói ở đây trước hết tôi nghĩ rằng Đảng phải cởi trói. Cởi trói trong lĩnh vực tổ chức, chính sách, trong các quy chế, chế độ... Nghe các đồng chí phát biểu tôi cũng không ngờ rằng trong lĩnh vực này cũng có kiểu quản lý hành chính bao cấp, tới đây phải sửa chữa và phải xây dựng những văn bản pháp quy nhằm bảo đảm sự phát triển cho ngành các đồng chí. Đảng và Nhà nước phải bắt tay mau lẹ vào công việc này.
Một mặt khác, tôi nghĩ, trong lĩnh vực của các đồng chí, không thể có ai khác hơn là các đồng chí phải tự làm. Hồi sáng, nhân có ý kiến đồng chí nào đó phát biểu, tôi có nói chen vào "Hãy tự cứu lấy mình trước khi trời cứu" là trên ý nghĩa như vậy. Chính các đồng chí cũng đòi hỏi rằng trong lĩnh vực của các đồng chí, không được áp đặt mọi công việc như đặt con tàu chạy trên đường ray, các đồng chí cần được tự do lo liệu cho các công việc của mình. Nếu như trong lĩnh vực kinh tế hiện nay cần phát huy dân chủ cho người sản xuất thì ở lĩnh vực của các đồng chí, các đồng chí cũng phải làm chủ.
Tôi nghe nhiều đồng chí nói văn nghệ sĩ còn bị cấm đoán, sát phạt... Và, cái các đồng chí lo sợ nhất là cái thường lơ lửng đâu đó trong không trung. Các đồng chí sợ nó hơn sợ sự kiểm duyệt. Đó là nỗi sợ những thứ dư luận nào đó kết tội các đồng chí viết không đúng lập trường, chống lại đường lối, chủ trương của Đảng... Nghe các đồng chí nói lên điều lo ngại này, tôi rất thông cảm. Chính vì thông cảm mà sáng nay khi nghe các đồng chí phát biểu, tôi đã "ngửa miệng" kêu: "Hãy tự cứu lấy mình trước khi trời cứu". Mình phải chặt chẽ với mình. Khi thấy mình là đúng, có ý thức xây dựng thì phải kiên quyết bảo vệ chân lý, phải dũng cảm...
Cuối cùng, tôi xin nhắc lại: Cửa Đại hội VI đã mở ra cho các đồng chí.”... (Tuần báo Văn nghệ, số 42 (17-10-1987).
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Linh, đúng vào dịp Kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, đọc lại những bài báo, những bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, những người làm báo không khỏi bùi ngùi khi nhớ về ông-một nhà cách mạng, một lãnh tụ kiên trung, can trường, giàu nhiệt huyết, nhưng cũng đầy khát khao sáng tạo; đồng thời còn là một ngòi bút “dám nghĩ, dám viết”. Nguyễn Văn Linh, Mười Cúc-những cái tên đã thuộc về lịch sử cách mạng và kháng chiến... Và N.V.L-đã là một bài học để các thế hệ cầm bút noi theo.
Thập Tam trại, 21-6-2015
Nhà văn Ngô Vĩnh Bình