Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Đại tường Lê Trọng Tấn gắn liền với những chiến công hiển hách và các bước trưởng thành của QĐND Việt Nam anh hùng. Nhiều trận đánh quan trọng và chiến dịch mang tầm chiến lược trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược như: Biên Giới (1950), Hòa Bình (1951), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953), Điện Biên Phủ (1954), Đường 9 Nam Lào (1971), Trị Thiên (1972), Tổng tiến công Xuân 1975… đều in đậm dấu ấn của Đại tướng Lê Trọng Tấn. Đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét: “Tướng Lê Trọng Tấn là một trong những tư lệnh chiến dịch, chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng giỏi nhất của quân đội ta. Ông là một người chỉ huy dũng cảm và sáng tạo, mưu lược và quyết đoán, có ý thức trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật rất cao. Lê Trọng Tấn đã trở thành một trong những nhà chỉ huy quân sự lỗi lạc trong các cuộc chiến tranh giải phóng và giữ nước của thời đại Hồ Chí Minh”.
Trong các tố chất của “đạo làm tướng” mà Đại tướng Lê Trọng Tấn phấn đấu tu dưỡng đều lấy chữ “nhân” làm gốc. Đức “nhân” trong con người vị tướng tài ba này được biểu hiện qua những mối quan hệ chủ yếu: Với nhân dân, với bộ đội, với kẻ địch và với chính bản thân.
Đại tướng Lê Trọng Tấn là một vị tướng thấm nhuần sâu sắc tư tưởng “Nước lấy dân làm gốc”, “Nhân thì yêu dân… Trọng nhân cũng tức là trọng dân”. Yếu tố nhân dân luôn luôn bám rễ sâu trong tư duy quân sự của ông. Trong nhiều trận đánh, chiến dịch trực tiếp chỉ huy, Đại tướng Lê Trọng Tấn thường xuyên nhắc nhở các đơn vị, động viên bộ đội “thà mất đất chứ nhất quyết không để mất dân”. Với ông, yếu tố chính trị quần chúng là chỗ dựa không thể thiếu trong bất kỳ hoạt động quân sự nào của quân đội cách mạng. Ông cũng là một vị tướng luôn thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hô Chí Minh :”Phải yêu mến nhân dân, tôn trọng nhân dân, kể cả dân nước bạn khi làm nhiệm vụ quốc tế. Phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu”. Trong chiến dịch Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, chứng kiến cảnh nhân dân nước bạn, già, trẻ, lớn, bé… bồng bế nhau chạy giặc lánh nạn, Đại tướng đã kiên quyết chỉ thị cho các đơn vị đẩy nhanh bước hai của chiến dịch, nhanh chóng thu hồi những khu vực đã mất; bảo vệ dân, giúp họ quay trở lại bám bản làng. Trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc biên giới Tây Nam, để bảo vệ tính mạng và tài sản của đồng bào vùng biên trước các cuộc tiến công tàn sát và pháo kích dã man của quân Khơ-me đỏ, Ông đã mạnh dạn đề nghị với Bộ Chính trị, Quân ủy T.Ư có những quyết định táo bạo chặn đứng bàn tay khát máu của địch, bảo vệ nhân dân vùng biên giới Tây Nam yên ổn sinh sống và làm ăn.
Với bộ đội, đức “nhân” trong đạo làm tướng của Đại tướng Lê Trọng Tấn được biểu hiện trên cơ sở bình đẳng về chính trị giữa cấp trên và cấp dưới; đặc biệt là sự đoàn kết, gắn bó, tôn trọng lẫn nhau giữa ông - trên cương vị tư lệnh và các chính ủy trong các trận đánh, các chiến dịch; ở tinh thần đoàn kết, thương yêu bộ đội, đồng cam cộng khổ, chia sẻ ngọt bùi với chiến sĩ, làm cho trên dưới một lòng. Tiếp xúc với nhiều đồng đội của ông - những người từng một thời có rất nhiều điểm “cùng nhau” với ông cũng như những chiến sĩ dưới quyền ông, hầu như chưa thấy ai nói những điều không tốt về ông. Là một cán bộ quân sự nhưng Đại tướng Lê Trọng Tấn cũng rất quan tâm đến việc xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị. Theo ông, xây dựng về chính trị phải làm toàn diện, nhưng việc đoàn kết nội bộ, tôn trọng lẫn nhau, hết lòng vì cấp dưới, với chiến sĩ là đặc biệt quan trọng.
Là một vị tướng có mặt chinh chiến ở hầu khắp các chiến trường nóng bỏng và ác liệt, trong điều kiện cực kỳ khó khăn, thiếu thốn, Ông thường xuyên quan tâm nhắc nhở cơ quan hậu cần, chỉ huy các đơn vị chú ý chăm lo đời sống cho bộ đội; chăm lo bồi dưỡng cán bộ, thương yêu, quý trọng họ. Đặc biệt, Đại tướng là người rất biết lắng nghe phản biện, kể cả những phản biện gay gắt; ông là nhà cầm quân biết trọng dụng và luôn tôn trọng những người có đức, có tài. Ông đã quy tụ được nhiều tên tuổi - những danh tướng như Nguyễn Hữu An, Vũ Lăng, Nam Long, Hoàng Cầm, Lê Thùy, Hoàng Đan… những người đều đã đảm đương những cương vị quan trọng của quân đội.
Là một vị tướng cầm quân luôn khát khao chiến thắng; tuy nhiên với Đại tướng Lê Trọng Tấn không phải lúc nào cũng giành chiến thắng bằng mọi giá mà chiến thắng đó phải đi đôi với giảm thiểu tối đa sự hi sinh mất mát của bộ đội. Ông là người biết quý từng giọt máu của chiến binh, biết đau với từng vết thương của người lính. Rút kinh nghiệm trận Phố Lu - một trận đánh không thành công, khi nghe cấp dưới báo cáo là “trận này ta thiệt hại không đáng kể”, ông đã nổi nóng. Với ông, xương máu của bộ đội là vô giá, một giọt cũng là quý; đừng bao giờ được nghĩ và cho là “không đáng kể”.
Đối với kẻ địch, thấu triệt tư tưởng “Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” của các bậc tiền nhân, Đại tướng Lê Trọng Tấn không những là một vị tướng biết đánh thắng địch bằng quân sự, mà còn biết đánh thắng địch bằng nhân nghĩa, biết khoan dung đối với kẻ địch đã đầu hàng. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đoàn 312 do ông chỉ huy vinh dự được đánh trận mở màn, tiến công cụm cứ điểm Him Lam. Trận đánh đó kết thúc, thương vong của địch rất lớn, tử thương nằm la liệt khắp trận địa. Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn đã đề nghị Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho được viết thư “mời” Bộ chỉ huy Tập đoàn cứ điểm địch cử người ra nhận tử thương. Đề nghị táo bạo đó được chấp nhận. Phía Pháp đã cho người ra nhận tử thương. Việc làm này thể hiện tinh thần nhân đạo và trên thực tế nó đã gây nên sung chấn về tâm lý cho quân Pháp tại Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chỉ có những người như Đại tướng Lê Trọng Tấn mới dám nghĩ ra và có những đề nghị táo bạo trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng như vậy.
Với chính mình, Đại tướng Lê Trọng Tấn là người biết coi trọng “nhân hòa” và rất khiêm nhường; đức khiêm nhường và đức hi sinh hòa quyện làm một trong con người Ông. Ngay từ khi dấn thân vào đời binh nghiệp ông không hề nghĩ rằng mình sẽ làm tướng, cho dù đã lên đến cấp Đại tướng. Ông thuộc “tuýp” người làm tướng để đánh giặc, chứ không phải đánh giặc để làm tướng.
Có thể nói, Đại tướng Lê Trọng Tấn đã sống và cống hiến rất đẹp. Cái đẹp ở đây không chỉ thuần túy là ở những chiến công, những tấm huân chương lấp lánh, những danh hiệu; ở quân hàm Đại tướng; ở cái chức Tổng Tham mưu trưởng. Ông sống đẹp vì ông là một con người hết lòng vì công việc, tận tụy hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ; được nhiều người mến yêu và tin cậy. Trong ông dường như không có chỗ cho tư thù, tư oán mà chỉ có sự tôn trọng và yêu thương.
Đại tá PGS, TS Trần Ngọc Long