Trong tuần làm việc thứ 5, Quốc hội tập trung thảo luận về công tác xây dựng pháp luật với những nội dung đáng chú ý như những sửa đổi, bổ sung của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, các vấn đề liên quan đến Bộ luật Hình sự…

Thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách T.Ư năm 2020

Ngày 14-11, với 90,48% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách T.Ư năm 2020. Theo đó, tổng số thu ngân sách T.Ư là hơn 851 nghìn tỷ đồng, tổng số thu ngân sách địa phương là hơn 660 nghìn tỷ đồng. Tổng số chi ngân sách T.Ư là hơn 1.000 nghìn tỷ đồng, trong đó dự toán hơn 367,709 nghìn tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Nghị quyết nêu rõ Quốc hội giao Chính phủ giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước và mức phân bổ ngân sách T.Ư cho từng bộ, cơ quan trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư theo đúng quy định của pháp luật và thông báo bằng văn bản đến từng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Đồng thời phân bổ chi tiết kinh phí sự nghiệp còn lại của Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và kinh phí sự nghiệp của Chương trình mục tiêu Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích...

Chính phủ chỉ đạo các địa phương thực hiện sắp xếp các khoản chi để bảo đảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ quan trọng và các nhiệm vụ mới tăng thêm trong năm 2020; bố trí kinh phí đầy đủ cho các chính sách đã ban hành; phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi và sử dụng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương còn dư (sau khi đã bảo đảm đủ nhu cầu cải cách tiền lương của địa phương) thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội do T.Ư ban hành.

Chặt chẽ hơn trong quản lý xuất nhập cảnh

Thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, các đại biểu cho rằng cần phải bổ sung các trường hợp được chuyển đổi mục đích của thị thực; bổ sung trường hợp được miễn thị thực “Vào khu kinh tế ven biển theo quyết định của Chính phủ”; bổ sung điều kiện đơn phương miễn thị thực; cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; sửa đổi điều kiện nhập cảnh, điều kiện xuất cảnh; quy định về quản lý cư trú của người nước ngoài; về xây dựng, kết nối, khai thác, chia sẻ cơ sở dữ liệu nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài; các mức góp vốn khi cấp thị thực cho nhà đầu tư; thời hạn tạm trú không quá 10 năm đối với nhà đầu tư có thẻ tạm trú ĐT1; quy định mức góp vốn tối thiểu đối với nhà đầu tư có ký hiệu thị thực ĐT4; việc sử dụng nguồn kinh phí xuất nhập cảnh được trích lại để nâng cao chất lượng công tác quản lý xuất nhập cảnh... Qua đó mới có thể quản lý một cách chặt chẽ và hiệu quả việc xuất, nhập cảnh và đảm bảo an ninh xã hội.

Đảm bảo tính thống nhất của Bộ luật Hình sự

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, đa số ý kiến của các đại biểu bày tỏ sự đồng tình cao với tờ trình về dự án Luật. Các đại biểu cho rằng, ở Việt Nam công tác quản lý vũ khí quân dụng là hết sức chặt chẽ, tuy nhiên, nhu cầu sử dụng vũ khí quân dụng để thực hiện các hành vi phạm tội, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng bạo lực không hề giảm. Do đó, tội phạm đã sử dụng các loại vũ khí tự chế có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng để gây án.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, việc sửa đổi, bổ sung sung Điều 3 của Luật là cần thiết và phù hợp, thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, nhằm kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc, không để khoảng trống pháp luật trong việc xử lý hình sự đối với những hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép, chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã dành thời gian thảo luận để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật.

Về trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 4 điều của Luật năm 2015 (các Điều 74, 75, 76 và 77) theo hướng việc chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được chuyển từ cơ quan chủ trì thẩm tra như hiện nay sang cho cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, từ năm 2002, khi nhiệm vụ tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật chuyển sang Quốc hội, số lượng, chất lượng luật được xây dựng, ban hành nâng lên rất nhiều so với giai đoạn trước đó. Chủ tịch Quốc hội khẳng định quy định hiện nay không hạn chế vai trò của cơ quan trình dự án luật. Chính phủ vẫn luôn có cơ hội bảo vệ chính sách của mình. Trong quá trình tiếp thu, cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì nhiều lần gặp nhau để bàn bạc, thống nhất.

Hoàng Linh