Tình trạng cho bên ngoài thuê tràn lan không đúng đối tượng, công nhân khu công nghiệp (KCN) thì khó chen chân vào ở là những gì đã và đang diễn tại khu nhà ở công nhân trên địa bàn xã Kim Chung, huyện Đông Anh, T.P Hà Nội.

Cho bên ngoài thuê tràn lan

Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội thuộc Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đang là đơn vị vận hành, quản lý 28 đơn nguyên nhà tại Khu nhà ở công nhân tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, T.P Hà Nội, đáp ứng cho khoảng 12.000 công nhân vào ở. Tuy nhiên, thực trạng số lượng công nhân không được lấp đầy hết các phòng; thậm chí có tòa nhà còn bỏ không. Thay vào đó, trong vài năm trở lại đây, tình trạng cho bên ngoài vào thuê để kinh doanh, đào tạo học viên… diễn ra tràn lan (ảnh).

Bà L. một người thuê diện tích kinh doanh dẫn chúng tôi đi một vòng khảo sát thực trạng các tòa nhà cho công nhân ở. Nhưng lạ thay, nhiều tòa nhà phục vụ cho công nhân KCN Bắc Thăng Long lại vắng bóng công nhân vào ở, thay vào đó xuất hiện các đối tượng không phải là công nhân, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động thuê làm văn phòng, thậm chí có đơn vị thuê vài chục phòng để làm nơi ở, nơi dạy tiếng cho các học viên xuất khẩu lao động như nhà D3, D4, DN5 - lô No.01...

Tại các dãy nhà ở khác còn xuất hiện những biển hiệu của các trung tâm đào tạo nghề và văn phòng công ty xuất khẩu lao động, có thể kể đến như: Trung tâm giáo dục định hướng Nhật Bản, Trung tâm Nhật ngữ GLC Group của Công ty CP đầu tư và quan hệ Quốc tế GLC Group, Trung tâm đào tạo Nhật ngữ TVC của Công ty CP Phát triển nhân lực thương mại và dịch vụ TVC, Công ty CP Đầu tư xây dựng và cung ứng nhân lực Hoàng Long, Công ty CP XNKTM hợp tác nhân lực Vinaincomex…

Một lớp đào tạo xuất khẩu lao động đang hoạt động…

Chỉ tính riêng Công ty CP Đầu tư xây dựng và cung ứng nhân lực Hoàng Long (JHL Group) đã bao chiếm trọn vẹn tòa nhà đơn nguyên C1, C2, C3, D5 để làm trung tâm đào tạo tiếng và làm ký túc xá cho học viên.

Tương tự, tại đơn nguyên D3, Công ty CP Mirai International sử dụng làm trung tâm đào tạo tiếng và ký túc xá, hiện cửa đóng then cài không có người ở. Tại đơn nguyên D4 có hai công ty: Công ty CP phát triển Quốc tế Nhật Việt (JV JSC) và Công ty CP Phát triển nhân lực thương mại và dịch vụ TVC thuê làm nơi đào tạo tiếng và nơi lưu trú cho học viên. Bên cạnh đó, còn có chục hộ cá nhân vào thuê làm cửa hàng, kinh doanh dịch vụ tại tầng 1 của các tòa nhà trong Khu nhà ở…

Một giấy biên nhận tiền “lót tay” để được ký hợp đồng thuê diện tích kinh doanh…

Ngày 29-6-2017, Sở Xây dựng Hà Nội có Báo cáo 5117 gửi UBND T.P Hà Nội về việc kiểm tra tổng thể thực trạng hoạt động và công tác quản lý, cho thuê diện tích dùng để ở, diện tích kinh doanh dịch vụ tại khu nhà ở công nhân xác định “Tại thời điểm kiểm tra có 3 điểm không thu tiền, 12 điểm các đơn vị thuê diện tích đóng cửa (Công ty có báo cáo thu hồi nhưng chưa thu hồi được), 31 điểm vẫn đang hoạt động”.

Ngoài ra, báo cáo còn nêu: Một số tòa nhà được Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội ký hợp đồng cho các đơn vị thuê không đúng đối tượng là công nhân; các đối tượng là các học viên học nghề chuẩn bị đi xuất khẩu lao động để ở và thuê một số phòng để cải tạo chuyển đổi thành phòng học, phòng làm việc, phòng xem ti vi… Sở Xây dựng xác định việc chuyển đổi như vậy là chưa phù hợp với quy định hiện hành và không đúng đối tượng cho thuê là công nhân hoặc hộ gia đình công nhân…

“Tùy tiện” thu tiền, công nhân khó chen chân?

Ngoài việc cho thuê tràn lan, đơn thư của CCB Nguyễn Đình Thân (người thuê diện tích tầng 1, tòa nhà D4) gửi Báo CCB Việt Nam phản ánh: “Thời gian qua, nhiều diện tích cho thuê với giá ưu đãi nên đã trở thành miếng mồi béo bở để một số người quản lý tòa nhà dễ dàng “kiếm tiền” theo kiểu bé thì ăn bé, lớn thì ăn lớn”.

Bằng chứng, CCB Nguyễn Đình Thân đưa ra là tờ giấy biên nhận tiền của ông Lê Quang Oai - cán bộ Phòng quản lý Nhà - Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội thuộc Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đã nhận tiền của bà Nguyễn Thị Thắng, trú tại xã Bắc Hồng (Đông Anh, Hà Nội).

Giấy biên nhận cho thấy: Ngày 8-1-2011, ông Lê Quang Oai nhận 150 triệu đồng của bà Thắng. “Số tiền trên phục vụ cho việc sử lý giá thuê nhà D3, diện tích 337m2 tại Khu nhà ở công nhân, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, T.P Hà Nội”.

“Tôi cam đoan số tiền nhận của bà Thắng ở trên để lo cho bà vào thuê nhà D3. Nếu bà Thắng không thuê được tôi xin trả lại toàn bộ số tiền trên cho bà Thắng”.

Ngoài trường hợp trên, năm 2014, cán bộ Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội tên là Chiến còn thu tiền cống rãnh của các hộ dân với số tiền 24 triệu đồng. Theo CCB Thân, “đáng ra, số tiền này bên Xí nghiệp phải bỏ ra duy tu, sửa chữa nhưng lại đi thu của dân là không đúng…”.

Không chỉ vậy, ngày 21-11-2021, báo Xây dựng điện tử còn đưa tin về việc một số công nhân sinh sống tại đây cho biết là “Khi họ vào thuê nhà ở tại dự án đã phải chi cho người của Xí nghiệp quản lý nhà ở  khoản phí “lót tay” để được thuê với giá từ 500.000 đến 2 triệu đồng tùy trường hợp”…

Chủ trương xây nhà cho công nhân ở với kỳ vọng là giúp người lao động được “an cư” để yên tâm sản xuất trong KCN. Đây cũng là một chủ trương lớn của Chính phủ, của Bộ Xây dựng và UBND T.P Hà Nội trong thời gian qua. Vậy nhưng, sau một thời gian dài Khu nhà ở công nhân tại thôn Bầu, xã Kim Chung được đưa vào sử dụng đã bộc lộ không ít những bất cập về công tác quản lý vận hành tại dự án này. Đáng nói, đến thời điểm hiện tại, những vi phạm như Báo cáo 5117 của Sở Xây dựng gửi UBND T.P Hà Nội đã chỉ rõ, nhưng đến nay sau hơn 5 năm, nhiều nội dung vẫn chưa được Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội giải quyết triệt để!

Bài và ảnh: Chính Nhi