Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga trả lời tại buổi Họp báo.

Ngay sau phiên bế mạc Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 – 2027, đồng chí Hà Thị Nga đã chủ trì cuộc họp báo, thông báo nhanh kết quả Đại hội.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XIII đã thông báo nhanh kết quả Đại hội. Theo đó, thành công của Đại hội được thể hiện trên 5 phương diện:

Thứ nhất, quá trình chuẩn bị mọi mặt để tổ chức Đại hội, nhất là việc chuẩn bị dự thảo các văn kiện trình Đại hội phụ nữ toàn quốc XIII được tiến hành công phu, chu đáo, bài bản, qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện, có nhiều đổi mới quan trọng về nội dung và phương pháp. Báo cáo Chính trị được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu vận dụng chủ trương, định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chiến lược, các chương trình Mục tiêu quốc gia có liên quan trực tiếp tới công tác phụ nữ và bình đẳng giới; các luận cứ, chứng cứ khoa học, căn cứ thực tiễn thông qua triển khai 19 đề tài, 07 chuyên đề nghiên cứu và 04 hội thảo khoa học cấp quốc gia, vùng miền, chuyên đề, các hội thảo tham vấn ý kiến của chuyên gia đầu ngành; Chiến lược phát triển Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035; Phát huy dân chủ trí tuệ thông qua lấy ý kiến đóng góp từ Đại hội phụ nữ 3 cấp; tổ chức 42 cuộc họp/hội thảo xin ý kiến Đoàn Chủ tịch, Ban Chấp hành TW Hội; các chuyên gia, đại diện các ban Đảng, bộ, ngành, đoàn thể. Trong quá trình soạn thảo Báo cáo chính trị, Đoàn Chủ tịch TW Hội đã nhận được sự chỉ đạo sát sao của Ban Bí thư, cập nhật được sự thay đổi của tình hình, nhất là tác động của đại dịch Covid-19.

Có thể khẳng định, Báo cáo chính trị Đại hội đã quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kế thừa và phát triển, trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi, kết tinh được trí tuệ, phản ánh nguyện vọng, nhu cầu thiết thân, khát vọng phát triển của các tầng lớp phụ nữ và tổ chức Hội.

Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành khóa XII đã được xây dựng, thảo luận trong Ban Chấp hành và lấy ý kiến góp ý của các Ban xây dựng Đảng, tập trung vào 3 nội dung: (1) Kiểm điểm việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ, (2) Kiểm điểm việc thực hiện quy chế làm việc và (3) Kiểm điểm việc rèn luyện, bồi dưỡng tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với 5 bài học kinh nghiệm được rút ra sau 5 năm thực hiện nhiệm vụ của Ban Chấp hành.

Thứ hai, sự thành công về công tác nhân sự, kỹ lưỡng, nhiều mặt, chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công tâm để Đại hội bầu được Ban Chấp hành Trung ương  Hội LHPN VIệt Nam khóa XIII có đủ phẩm chất, năng lực đảm nhận được nhiệm vụ nhiệm kỳ tới.

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa 13 gồm 155/163 uỷ viên, đảm bảo tính kế thừa, liên hiệp, đại diện tiêu biểu cho các lực lượng phụ nữ trong cả nước, có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, tâm huyết và cam kết vì sự nghiệp bình đẳng giới, sự phát triển của phụ nữ Việt Nam.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ nhất, các Uỷ viên Ban Chấp hành tham gia tập trung thảo luận dân chủ với tinh thần dân chủ xây dựng về Đề án nhân sự Đoàn Chủ tịch, Đề án nhân sự Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khoá XIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027. Hội nghị đã bầu 31 chị tham gia Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam khoá XIII; 100% Uỷ viên Ban Chấp hành có mặt đã bầu bà Hà Thị Nga, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa XII là Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa XIII; bầu 04 Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khoá XIII, nhiệm kỳ 2022-2027, gồm:

1. Bà Tôn Ngọc Hạnh - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành TƯ Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.

2. Bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa XII

3. Bà Trần Lan Phương - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội

4. Bà Đỗ Thị Thu Thảo - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam khóa XII

Thứ ba, hình thức thảo luận, trao đổi thông tin cũng được đổi mới trong kỳ Đại hội lần này.

Tại Đại hội đã có 62 tham luận dạng bài viết và video clip được tập hợp thành kỷ yếu để các cấp Hội tiếp tục nghiên cứu, áp dụng trong quá trình triển khai Nghị quyết Đại hội. Trong đó, có 18 tham luận và 10 clip trình bày tại các phiên toàn thể của Đại hội.

Bên cạnh các tham luận trình bày trong các phiên toàn thể, chiều 10/3, Đại hội tổ chức 5 Trung tâm thảo luận với các chủ đề về: (1) Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới; (2) Phụ nữ trong nền kinh tế số; (3) Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam; (4) Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả; (5) Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới. Với cách làm này, đại biểu Đại hội có cơ hội được thảo luận, tham luận theo các chủ đề mình quan tâm và tiếp cận với nhiều chủ đề khác nhau phù hợp với lĩnh vực công việc, đồng thời có nhiều thời gian để trao đổi, bàn luận về những giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả phương hướng hoạt động trong 5 năm tới.

Thứ tư, công tác tuyên truyền trước, trong sau Đại hội được thực hiện rầm rộ, khí thế ở tất cả các cấp Hội trong cả nước. Nhiều tỉnh/ thành phố phổ biến tuyên truyền cho cán bộ, hội viên phụ nữ theo dõi truyền hình trực tiếp phiên khai mạc Đại hội, phát trailer về Đại hội trên các trang Fanpage, nhiều tin bài, phóng sự  về Đại hội được đăng tải thực hiện trên các Đài, báo TW và địa phương.

Thứ năm là khâu tổ chức Đại hội về hậu cần, an ninh đảm bảo chu đáo, an toàn. Trong quá trình tổ chức, Đại hội đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các đơn vị, tổ chức đã đồng hành cùng Hội LHPN Việt Nam để tổ chức thành công sự kiện, đặc biệt là 2 nhà tài trợ kim cương (Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Tập đoàn Sovico); 5 nhà tài trợ Vàng (VNPT, Viettel, Vietcombank, PNJ và Tập đoàn TH True milk), 2 nhà tài trợ Bạc (Công ty Du lịch Hoà Bình và Deloitte), 2 NTT đồng (Mobiphone và TYM), và các nhà đồng tài trợ (Seabank, BRG, Liên Việt postbank, VietinBank, HD bank, ...).

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về cụ thể các tiêu chí để nam giới hoặc người nước ngoài trở thành hội viên danh dự, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, đây là một trong những điểm mới trong điều lệ nhiệm kỳ 2022-2027. Trong thực tế, các tổ chức chính trị-xã hội đều có hội viên danh dự, trong khi đó, hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của nhiều cá nhân khác nhau. "Đặc biệt, cần có thêm nam giới, các nghệ sỹ, nhà ngoại giao… cùng đồng hành trong công tác chăm lo thực hiện tốt công tác bình đẳng giới, công tác phụ nữ. Hội viên danh dự là những người có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội, có uy tín và có đóng góp nhất định cho công tác hội", bà Hà Thị Nga nêu rõ.

Về câu hỏi liên quan đến tỷ lệ tập hợp hội viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thông tin, hiện có 19 triệu hội viên, là tỷ lệ tập hợp cao nhất trong các tổ chức chính trị-xã hội. "Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là chất lượng hoạt động. Việc tập hợp tốt phải song song với công tác chăm lo để hội viên thực sự gắn bó với tổ chức. Do đó, một trong những khâu đột phá nhiệm kỳ này liên quan đến chất lượng hoạt động các cấp cơ sở, trong đó có công tác tập hợp hội viên", bà Hà Thị Nga thông tin.

Tái đắc cử Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhiệm kỳ 2022-2027, bà Hà Thị Nga nhấn mạnh trách nhiệm, ý thức lớn hơn nữa của người đứng đầu trong việc tập hợp, đoàn kết, thống nhất trong tập thể; có kế hoạch cụ thể nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại đã chỉ ra trong thời gian qua. "Với vai trò Ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tôi nhận thức rõ trách nhiệm trong việc có tiếng nói phản ánh đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của phụ nữ; phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương nắm chắc các vấn đề thực tiễn cơ sở; có chỉ đạo đến các tổ chức Hội trong nghiên cứu lý luận, thực tiễn", bà Hà Thị Nga khẳng định.

Vũ Minh