Một xe tăng của Azerbeijan bị bắn cháy trong cuộc đụng độ hôm 27-9.

Các cuộc đụng độ có vũ trang ngày 27-9 ở vùng Nagorno-Karabakh đã nhanh chóng cuốn Armenia và Azerbeijan vào một cuộc xung đột vũ trang. Nguy cơ chiến tranh toàn diện đã hiển hiện khi Armenia ra lệnh tổng động viên cùng sự can dự của yếu tố nước ngoài.

Chuyện xung đột giữa Armenia và Azerbeijan như một cái nhọt tiềm ẩn chỉ chờ ngày khởi bệnh. Cái nhọt đó là mâu thuẫn chủ quyền lãnh thổ kéo dài nhiều năm do tác động của lịch sử không được giải quyết qua đàm phán một cách rõ ràng dẫn tới cảnh “huynh đệ tương tàn”.

Nagorno-Karabakh, vùng cao nguyên Karabakh, hay còn gọi là Cộng hòa Arsakh, một thực thể không được cộng đồng quốc tế công nhận. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía tây nam của Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống nên muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2-1988 đến 5-1994.

Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó với sự trung gian của Nhóm Minsk (do Nga, Mỹ, Pháp đồng Chủ tịch), xung đột vẫn xảy ra tại đây. Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hơn 10 cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề này, nhưng chưa tìm được giải pháp, do cả hai đều coi vùng lãnh thổ tranh chấp thuộc chủ quyền của mình và không chấp nhận các phương án hòa giải được đưa ra.

Sâu xa hơn, từ khi người Anh xâm chiếm Armenia tới các cuộc chiến tranh với đế chế Ottoman trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, rồi quyết định của Joseph Stalin về việc Nagorno-Karabakh thuộc Azerbeijan là yếu tố dẫn đến tranh chấp ngày nay: Một vùng đất thuộc một nước nhưng nước đó lại không thực hiện quyền cai trị trong khi người dân ở vùng đất đó lại có văn hóa của một nước láng giềng. Hay nói cách khác, ý nguyện của họ là được về với nước láng giềng. Đó là vấn đề của lịch sử.

Vì ý nguyện đó và cũng vì hai nước không đàm phán được, cuộc đụng độ quân sự đẫm máu đã nổ ra sáng 27-9. Armenia cho rằng các lực lượng Azerbaijan đã nã pháo về phía khu vực Nagorno-Karabakh. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Azerbaijan thông báo triển khai một chiến dịch phản công và bảo vệ người dân sau khi lực lượng Armenia nã pháo vào quân đội nước này và tấn công các địa điểm dân sự. Các vụ đụng độ được cho là nghiêm trọng nhất kể từ năm 2016 tại khu vực này càng làm gia tăng nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh. Cả Armenia và chính quyền vùng Nagorno-Karabakh đã ban hành thiết quân luật và tổng động viên. Cũng trong ngày 27-9, Azerbaijan thông báo đã giành quyền kiểm soát 6 làng ở vùng Nagorno-Karabakh, đang trong tình trạng tranh chấp chủ quyền với Armenia, sau các cuộc đụng độ ác liệt gây thương vong cho cả hai bên ở vùng này. Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết quân đội nước này đã “giải phóng” 6 làng thuộc vùng Nagorno-Karabakh do Armenia kiểm soát. Trong khi đó, lực lượng quân sự vùng Nagorno-Karabakh thông báo đã phá hủy 4 trực thăng của Azerbeijan, 15 máy bay không người lái và 10 xe tăng trong các vụ đụng độ sáng cùng ngày.

Amernia và Azerbaijan, hai nước từng thuộc Liên bang Xô viết, nhưng nay lại phải dùng súng đạn để giải quyết mâu thuẫn chủ quyền cùng sự can thiệp của bên ngoài. Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng ủng hộ Azerbeijan với vai trò đồng minh và kêu gọi Armenia không có các động thái gia tăng căng thẳng. Vai trò đồng minh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbeijan cũng bắt nguồn từ lịch sử khi Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia không thiết lập quan hệ ngoại giao do thảm sát người Armenia của đế chế Ottoman. Có nguồn tin cho biết lính đánh thuê Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã được sử dụng. Trong khi đó, Nga, Pháp, Mỹ tái khẳng định cam kết tiến tới một giải pháp bền vững giúp tháo gỡ xung đột thông qua đàm phán, tôn trọng luật pháp quốc tế.

Lịch sử chiến tranh phân chia rồi sáp nhập các vùng đất, vùng biển gây bao đau thương kéo dài. Đó là vấn đề chung của nhiều quốc gia bị phân chia. Thế nhưng, đã có nhiều bên tìm được các giải pháp để chung sống hòa bình, khác với cảnh “huynh đệ tương tàn” lại đối mặt với chiến tranh như Armenia và Azerbeijan.

Thanh Huyền