Để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân miền Nam, BCH T.Ư Đảng đã họp Hội nghị T.Ư 15 - khóa II, xác định: “Nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, phải được thấu suốt trong tất cả các chủ trương công tác, chính sách của Đảng, Nhà nước và hành động của nhân dân trên miền Bắc”. Theo đó để vận chuyển sức người, sức của từ miền Bắc chi viện cho miền Nam, sau khi thành lập tuyến vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trên bộ, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập tuyến vận tải quân sự chiến lược trên biển - Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Đây là một quyết định lịch sử mang tầm chiến lược, thể hiện bản lĩnh kiên cường, ý chí và quyết tâm cao cả của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta: Tất cả cho tiền tuyến miền Nam; tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Đường Hồ Chí Minh trên biển ra đời,đáp ứng kịp thời và có hiệu quả nhu cầu vũ khí cho những địa bàn chiến trường trọng điểm: Duyên hải miền Trung, Cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ, những nơi tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn chưa tới được. Phải nói rằng, trong những năm đánh Mỹ, Đường Hồ Chí Minh trên biển thực sự là một chiến trường ác liệt. Những cán bộ, chiến sĩ trên các con tàu “không số” phải thường xuyên đối mặt với dông bão, sóng dữ, đối phó với nhiều âm mưu, hành động ngăn chặn, đánh phá ác liệt của kẻ thù. Ai cũng phải mưu trí, dũng cảm đến từng cử chỉ, hành động để tìm cách đưa tàu tới đích an toàn.

Để duy trì con đường, cán bộ, chiến sĩ phải vượt qua hàng chục cơn bão lớn, hàng trăm cuộc vây ráp của giặc, khắc phục trên 400 quả thủy lôi, chiến đấu 300 lần với tàu địch, đánh trả hơn 1.200 lần máy bay tập kích. Những lúc bị bao vây bốn phía, thấy không thể thoát khỏi sự truy lùng của địch, để giữ bí mật tuyến đường, họ đã biến con tàu thành một khối thuốc nổ khổng lồ, lao vào tàu giặc. Tổ quốc và nhân dân không bao giờ quên những tấm gương sáng ngời như: Nguyễn Phan Vinh, Nguyễn Văn Hiệu, Hồ Đức Thắng, Bông Văn Dĩa, Nguyễn Văn Thanh và nhiều người con ưu tú khác đã anh dũng hy sinh cùng con tàu, mãi mãi nằm lại với biển khơi. Đó là 18 thủy thủ tàu C165, khi địch phát hiện, bủa vây, lực lượng không cân sức, các đồng chí quyết không để vũ khí rơi vào tay giặc, cho tàu lao thẳng vào tàu kẻ thù rồi điểm hỏa, biến thành khối lửa khổng lồ, nhấn chìm tàu địch, giữ bí mật con đường, bí mật bến bãi, xây nên những tượng đài Anh hùng bất tử…

Quá trình vận chuyển vũ khí vào Nam trên những con tàu “không số”, có một câu chuyện hào hùng, bi tráng, còn in đậm trong tâm trí người dân bến Hòn Hèo, đất Ninh Hòa, cách Nha Trang 12 ki-lô-mét. Chiều tối 29-12-1968, tàu 235 do Phan Vinh làm thuyền trưởng, Nguyễn Tương là chính trị viên, cùng gần 20 chiến sĩ khác vào tới Nha Trang thì bị lộ. Máy bay địch theo dõi trên không. Dưới biển, về phía địch có 3 tàu chiến và 4 tàu của Duyên đoàn 25 vây ráp. Chúng bắn pháo sáng rực một góc biển. Tàu ta chạy vòng vèo rồi tiến vào Ninh Phước; vừa đi vừa bắn ĐKZ 12,7 ly, khiến kẻ thù không thể vào gần. Nhưng các chiến sĩ bị thương vong mỗi lúc một nhiều. Thuyền trưởng Phan Vinh muốn phá vòng vây ra khơi, nhưng máy tàu bị hỏng nặng. Vậy là chỉ còn một phương án cho nổ tàu. Lần lượt từng người còn sức nhảy xuống biển, bơi vào bờ. Người xuống nước cuối cùng là thuyền trưởng Phan Vinh và thợ máy Ngô Văn Thứ. Hai chục phút sau, tức là lúc 2 giờ 40 phút ngày 1-3-1968, một tiếng nổ động trời vang vọng tới TP Nha Trang. Một nửa tàu văng lên núi Bà Nam, nửa kia chìm dưới biển.

Cuộc chiến đấu không cân sức tiếp tục diễn ra trên bờ. Phan Vinh, Ngô Văn Thứ hy sinh anh dũng. Tạp chí “Lướt sóng” của hải quân quân đội Sài Gòn đã phải “vinh danh” sự kiện Hòn Hèo sáng ngày 1-3-1968: “Mười hai chiến hạm và hàng chục hải thuyền Hoa Kỳ cùng quân lực Việt Nam Cộng hòa có phi cơ yểm trợ, đụng độ ác liệt với một tiểu đoàn Việt cộng (thực tế chỉ có 20 cán bộ, chiến sĩ) gan góc và thiện chiến, trên con tàu chở vũ khí từ Bắc Việt thâm nhập và tiếp tế cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Họ đã nổ súng đến viên đạn cuối cùng; đến người cuối cùng và hy sinh với con tàu bằng khối lượng hàng tấn bộc phá do chính họ tự hủy…”.

Dư âm anh hùng của tàu 235, do Phan Vinh làm thuyền trưởng còn vang vọng mãi mãi… Không phải chỉ đến thời gian sau này, mà ngay khi chiến tranh đang diễn ra ác liệt, dư luận đối phương cũng phải khẳng định quy mô và tầm vóc, ý nghĩa của tuyến vận tải quân sự chiến lược trên biển đầy táo bạo của ta. Phó đô đốc Hải quân quân đội Sài Gòn Nguyễn Hữu Chí nhận xét: “Trên thực tế, Việt cộng sử dụng biển khơi một cách thành thạo, mà việc di hành vào điểm đến càng tỏ ra đặc sắc hơn, làm kinh ngạc không ít chuyên viên đi biển. Trên phương diện quân sự, Bắc Việt đã biết khai thác biển khơi một cách thực tiễn hơn ta. Nhà nước Bắc Việt sử dụng tàu tiếp viện theo lối đó, tỷ lệ nguy hiểm chấp nhận được, thấp hơn tỷ lệ thành công khi thâm nhập. Có thế, họ mới duy trì kế hoạch đưa súng đạn vào bằng đường biển…”.

Đường Hồ Chí Minh trên biển không chỉ là con đường cụ thể mà qua đó, biểu hiện ý chí và khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước của nhân dân ta. Vì thế, nó trở nên bất diệt, không một thế lực nào khuất phục được. Từ khi thành lập, Đoàn 759 (sau là Lữ đoàn 125 hải quân) khẩn trương khai thác những phương tiện tàu thuyền hiện có, trưng dụng cán bộ, chiến sĩ có kinh nghiệm sông nước tổ chức những chuyến hàng vũ khí, đạn dược đầu tiên chi viện cho chiến trường miền Nam.

Sau này, tàu gỗ được thay thế bằng những tàu sắt, có khối lượng vũ khí và hàng hóa quân sự lớn hơn. Tính từ năm 1961 đến tháng 4-1975, Đoàn 759 đã vận chuyển được 44.324 tấn vũ khí, trang bị, hàng hóa vào Nam. Đặc biệt trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, thực hiện Mệnh lệnh “thần tốc” của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Đoàn đã thực hiện thành công 130 lần, với 143 chuyến tàu, chở 8.741 tấn vũ khí hạng nặng gồm 50 xe tăng và pháo cỡ lớn; đưa 18.741 cán bộ, chiến sĩ vượt 65.721 hải lý, kịp thời tham gia chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.

Về số lượng vũ khí và hàng hóa mà Đoàn 759 vận chuyển bằng đường biển, so với vận chuyển trên bộ thì ít hơn nhiều, nhưng lại có ý nghĩa lớn lao. Về vấn đề này, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến nhận xét: “Vận tải biển tuy có gian nan, nguy hiểm hơn đường bộ, nhưng lại có ưu thế về tốc độ, thời gian: Nếu vận chuyển bằng đường bộ, phải mất mấy tháng mới tới nơi; song đi đường biển chỉ mất một tuần mà tỷ lệ hàng hóa tổn thất chỉ bằng 7%; chi phí vận tải cho mỗi tấn hàng trên biển đỡ tốn kém hơn rất nhiều so với vận tải đường bộ. Cứ 100 tấn vũ khí vận chuyển bằng đường biển chỉ cần 10-15 cán bộ, chiến sĩ; nếu vận tải bằng cơ giới thì lượng xăng dầu tốn gấp hàng trăm lần so với vận tải đường biển. Ngoài ra, vận tải đường biển còn đảm đương một sứ mệnh cực kỳ quan trọng, đó là vận chuyển những cán bộ cao cấp của Đảng, những chuyên gia đặc biệt bổ sung cho chiến trường.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trên, lực lượng vận tải quân sự Hải quân được Đảng, Nhà nước hai lần tuyên dương danh hiệu “Đơn vị Anh hùng LLVTND”. Thời gian năm tháng trôi qua, nhưng những chiến công huyền thoại của Đoàn tàu “không số” và kỳ tích “Đường Hồ Chí Minh trên biển” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mãi là đỉnh cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là dấu son chói lọi trong trang sử vàng truyền thống của dân tộc.

Ghi chép Chi Phan