Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, có rất nhiều con đường và những đoàn xe vận tải lập nên những thành tích kỳ diệu. Những con đường đó không chỉ xây đắp bằng đất đá, mà còn bằng mồ hôi, nước mắt, xương máu. Những chiếc xe chạy trên những con đường đó không chỉ bằng kỹ thuật thông thạo, mà có khi còn bằng cả sự mất mát đau thương, sự hy sinh dũng cảm của hàng vạn con người gan vàng dạ ngọc dưới mưa bom bão đạn của địch để bảo đảm thông đường, thông xe phục vụ kháng chiến thắng lợi.
Năm 1949, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta bước sang giai đoạn chuẩn bị phản công. Hội nghị Trung ương lần thứ VI họp từ ngày 14-2 đến 18-2-1949 đã quyết định: "Trước thời cơ thuận lợi mới, phải đẩy mạnh hơn nữa cuộc kháng chiến về mọi mặt, tích cực chuẩn bị mọi điều kiện để tiến tới giành thắng lợi to lớn hơn". Nhiệm vụ trên đòi hỏi công tác đảm bảo hậu cần càng nặng nề. Công tác chuẩn bị đường sá và vận tải được triển khai khẩn trương. Ngày 18-6-1949, Cục Vận tải được thành lập. Hàng vạn dân công được huy động đi sửa chữa đường sá và vận chuyển tiếp tế cho bộ đội (chủ yếu bằng mang, vác, gùi thồ...) Đến ngày 6-1-1950, Thường vụ Trung ương Đảng đã chỉ thị cho Liên khu uỷ Việt Bắc: “Chuẩn bị chiến trường Đông Bắc cho thật đầy đủ để khi có điều kiện sẽ mở một chiến dịch lớn quét địch ra khỏi đường số 4..., đánh bại quân địch trong vùng Đông Bắc….”.
Ngày 1-5-1950, Hồ Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 64, cử đồng chí Trần Đăng Ninh làm đặc phái viên của Chính phủ, phụ trách công tác sửa chữa đường sá. Khi chưa mở màn chiến dịch Biên Giới thì nhiệm vụ cấp bách là sửa chữa đường số 3, hạ bớt độ dốc, đắp vá lại đường bị hỏng và mở thêm đường tránh cho vận tải thô sơ đi lại đỡ vất vả, tăng thêm trọng tải hàng, đảm bảo cho xe ô tô vận tải chạy lẻ từng chiếc một để chở mìn, lựu đạn và một số vũ khí do quân giới sản xuất lên cho các đơn vị. Để chuẩn bị cho chiến dịch Biên Giới, ngày 20-8-1950, Cục Vận tải thành lập Đại đội Công binh cầu đường (phiên hiệu là Đại đội l98) phần lớn các chiến sỹ vốn là những công nhân cầu đường đã từng đập đá vá đường từ thời Pháp thuộc (thường gọi là phu lục lộ) nay tham gia kháng chiến, làm nhiệm vụ sửa chữa đường cho vận tải cơ giới hoạt động.
Thế rồi, ngày 16-9-1950, những loạt pháo đầu tiên của quân đội ta nã xuống Đông Khê mở màn chiến dịch Biên Giới và sau 28 ngày đêm tấn công địch (16-9, 14-10-1950) chiến dịch kết thúc thắng lợi. Ta đã đánh tan cả hai Binh đoàn tinh nhuệ nhất của Pháp là Binh đoàn Lơ Pa-giơ và binh đoàn Sác Tông. Hàng trăm kilômét đường biên giới được mở thông với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, tạo điều kiện thuận lợi cho ta tiếp nhận sự viện trợ của nước bạn. Sau chiến dịch ta khẩn trương sửa chữa, khôi phục lại đường số 4 - con đường đã làm cho các đoàn xe của địch kinh hoàng bởi các trận tập kích, phục kích của quân đội ta. Trên con đường này, hàng vạn dân công đủ các dân tộc như: Kinh, Tày, Mán, Nùng, Dao... ngày đêm lao động quên mình với tinh thần coi việc sửa chữa đường sá như việc trực tiếp đánh giặc. Trên cơ sở thu được một số lượng xe chiến lợi phẩm và xe bạn viện trợ, ta thành lập hai đơn vị vận tải ô tô đầu tiên là Đại đội 200 và Đại dội 203 và chính hai đơn vị này đã vinh dự được Bác đến thăm và Bác đã căn dặn phải "Yêu xe như con, quý xăng như máu". Từ đó, lời dạy của Bác trở thành truyền thống của Ngành Xe máy Quân đội ta. Tới chiến dịch Điện Biên Phủ - nơi rất xa hậu phương, vấn đề đường sá, vận tải tiếp tế là cực kỳ khó khăn. Đường hẹp, cầu yếu, qua nhiều đèo cao, vực sâu, cua gấp, núi rừng hiểm trở, nên Bác đã phải cử một phái đoàn Chính phủ đi kiểm tra công tác chuẩn bị cầu đường. Bác cũng đã viết thư thăm hỏi động viên: “Công việc cầu đường là rất quan trọng. Nó cũng là một mặt trận mà các cô, các chú là chiến sĩ. Bác cùng Đảng và Chính phủ luôn luôn theo dõi công tác của các cô, các chú… Bác mong rằng từ nay, các cán bộ anh chị em dân công phải ra sức thực hiện kế hoạch thi đua để đưa chiến dịch cầu đường đến hoàn toàn thắng lợi...”. Vâng lời Bác, ngành Vận tải Quân sự càng phấn đấu trưởng thành hơn. Quá trình tổ chức vận chuyển từ hậu phương ra mặt trận, Cục Vận tải đã phải triển khai 18 trạm điều chỉnh giao thông ở các đường giao nhau, nơi đèo cao, cua gấp, đường hẹp, xe khó tránh nhau. Toàn lực lượng vận tải cơ giới phục vụ chiến dịch có hơn 600 xe rải ra trên tuyến và đã chịu đựng trên 1.186 trận đánh phá ác liệt bằng không quân của địch. Trên những chặng đường trọng điểm, máy bay trinh sát của địch săn lùng suốt đêm, lái xe phải đi đèn gầm, nên một cung vận chuyển qua đêm không quá 50km. Nhiều chiến sỹ lái xe đã thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy “Yêu xe như con, quý xăng như máu, vượt mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”, mà tiêu biểu là lái xe Lộc Văn Trọng đã được tuyên dương Anh hùng quân đội về thành tích lập nên trên tuyến đường này. Ngoài vận tải cơ giới, thì vận tải thô sơ cũng ngày đêm nhộn nhịp trên đường ra mặt trận. Trên 2 vạn xe đạp thồ đã lăn bánh trên đường, có xe đã thồ mỗi chuyến đến 352 kg (Ma Văn Thắng - dân công Phú Thọ) và 320kg (Cao Văn Từ - dân công Thanh Hoá). Bộ đội công binh cũng đã phá 102 thác ghềnh trên sông suối, cho 11.600 bè mảng vận chuyển gạo, đạn phục vụ chiến dịch, để dẫn tới:
“Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.
Anh Khoa (Theo chuyện kể của Thiếu tướng Đặng Huyền Phương)