Việc Bộ Thống soái tối cao của ta chọn địa bàn đô thị, trọng điểm là các thành phố lớn, đặc biệt là Sài Gòn - “thủ đô” của chính quyền Sài Gòn, cũng là nơi trú đóng các cơ quan điều hành, chỉ đạo chiến tranh của Mỹ, để thực hiện đòn tiến công đồng loạt là một bất ngờ lớn đối với địch. Thể hiện quyết tâm, nỗ lực rất lớn của ta trên chiến trường miền Nam nhằm giành thắng lợi quyết định cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chủ trương, đường lối này bắt nguồn từ quá trình lãnh đạo giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945, nhất là trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp cuối năm 1946. Hà Nội có vị trí trọng yếu, nơi trú đóng các cơ quan đầu não của ta, nơi tập trung lớn nhất lực lượng quân sự của cả ta và địch, nên đã trở thành trọng tâm của cuộc chiến đấu. Trong khi đó, tương quan lực lượng so sánh ta ở thế bất lợi. Do đó, chủ trương quân sự của ta trong giai đoạn này là tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận quân địch, bảo tồn lực lượng của ta, giam chân, cô lập quân địch càng lâu càng tốt ở thành phố. Và trên thực tế, cuộc giao tranh ở Hà Nội có vai trò quan trọng, không những mở đầu toàn quốc kháng chiến, mà còn thực hiện được mục tiêu chủ yếu là tiêu hao, ghìm chân địch, phá âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của chúng; đồng thời bảo toàn, phát triển được lực lượng, bảo vệ Ban Lãnh đạo cùng cơ quan đầu não kháng chiến rút lên căn cứ rừng núi an toàn.
Như vậy, nhìn xuyên suốt cuộc chiến tranh cách mạng Việt Nam, chúng ta thấy: Đường lối, chủ trương chiến lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tư tưởng giành thế chủ động trong mọi tình huống, buộc đối phương luôn ở thế bị động về chiến lược, phải đánh theo lối đánh của ta. Cụ thể, cả trong trường hợp Toàn quốc kháng chiến năm 1946 và Tết Mậu Thân 1968, đối phương đều phải chấp nhận cuộc giao tranh với quân ta ngay trong lòng các đô thị.
Thứ hai, khi phát động Toàn quốc kháng chiến năm 1946 và khi tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, ta đều tạo được bất ngờ đối với đối phương qua các đợt tiến công.
Trong những ngày đầu Toàn cuộc kháng chiến, tuy không giữ được bất ngờ về mặt thời điểm, nhưng đối phương đã bị bất ngờ về quy mô tiến công, và đặc biệt, bất ngờ trước khả năng cầm cự, tiến hành các hoạt động chiến đấu, ngăn chặn ngay tại Hà Nội. Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau này đánh giá: “Ở tất cả mọi nơi, quân Pháp đều sẵn sàng. Điều bất ngờ của họ chỉ ở chỗ: có lẽ nào một đội quân non trẻ với những trang bị yếu kém lại dám nổ súng vào quân viễn chinh? Đó là một lợi thế duy nhất mà ta giành được khi khởi đầu chiến tranh trên cả nước”.
Với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Bộ Thống soái tối cao đã có những tính toán cần thiết để chủ lực ta ở miền Nam, chỉ với 27 vạn người, đủ sức làm đảo lộn thế trận chiến tranh của đối phương. Đó là: Táo bạo, bất ngờ đánh vào các cơ quan đầu não của Mỹ-ngụy trong dịp Tết Nguyên đán. Quá trình bàn bạc, xây dựng kế hoạch hành động và việc tổ chức, chuẩn bị lực lượng, chuẩn bị thế trận là một kỳ công lớn của ta, đã qua mắt mạng lưới tình báo nhà nghề của đối phương. Chính vì thế, khi đòn tiến công mãnh liệt và rộng khắp nổ ra, đối phương đã bị bất ngờ cả về thời gian, không gian và phương hướng của cuộc tiến công.
Có thể nói, việc chọn thời điểm - thời cơ đúng là một trong những nhân tố làm nên thắng lợi bước đầu của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, yếu tố này giúp quân và dân ta giành thắng lợi có ý nghĩa quan trọng, tạo bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Xuyên suốt từ sự kiện Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đến sự kiện Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 trong kháng chiến chống Mỹ, các sự kiện, các trận đánh và những cuộc tổng diễn tập trong đô thị đều được kế thừa, phát huy, bổ sung, phát triển trong những điều kiện, đặc điểm mới của cuộc kháng chiến. Đó là những cuộc tập dượt, từ đó tích lũy, nhân lên và hợp thành sức mạnh tổng hợp to lớn để quân và dân ta tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hoàn thành cuộc trường chinh giành độc lập, hòa bình, thống nhất đất nước.
Thượng tá Lê Quang Lạng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam