Việc gia nhập liên minh châu Âu cũng được người Thụy Sĩ định đoạt bằng trưng cầu dân ý. Và vào ngày chủ nhật (5-6) vừa rồi, người dân Thụy Sĩ đã tham gia một cuộc trưng cầu dân ý mang tính lịch sử để quyết định liệu có áp dụng mức thu nhập cơ bản dành cho tất cả mọi người dân hay không ?
Nếu được đa số người dân tán thành thì từ nay trở về sau mọi công dân Thụy Sĩ sẽ được nhận một khoản tiền, tính theo tiền Việt Nam-khoảng 50 triệu đồng/tháng, mà không phân biệt người đó đi làm hay không đi làm. Ý kiến này được bắt nguồn với mong muốn giải quyết bất công chênh lệch giàu nghèo trong nền kinh tế tư bản phát triển ở mức độ cao.
Tuy cuộc trưng cầu dân ý đã diễn ra không thành công như mong đợi, vì mới có gần 25% cử tri đồng ý. Thế nhưng xét rộng ra sự kiện này là một tín hiệu rõ ràng cho thấy xu hướng “định hướng XHCN” là một quy luật tất yếu không thể đảo ngược trong sự phát triển của nhân loại.
Đúng như C.Mác đã từng dự đoán và tiên tri từ rất lâu, cuộc cách mạng XHCN sẽ xảy ra ở những nước tư bản có nền công nghiệp phát triển ở mức cao, là nơi bất công chênh lệch giàu nghèo trở nên gay gắt.
Khi đó người dân nghèo thấp cổ bé họng sẽ tự đứng lên giành lấy quyền lợi về mình từ tầng lớp nhà giàu tư bản đã dùng đặc quyền đặc lợi để thâu tóm của cải xã hội vào trong tay của mình.
Không chỉ ở Thụy Sĩ, cuộc cách mạng này đã và đang nhen nhóm những tia lửa đầu tiên ngay trên đất Mỹ (cái nôi của chủ nghĩa tư bản) với một cái tên đã trở nên quen thuộc với cộng đồng quốc tế trong suốt một năm trở lại đây: Ông Bernie Sanders. Ông là một ứng viên Tổng thống Hoa Kỳ của đảng Dân chủ nổi lên như một ngôi sao sáng đe dọa cả vị trí ứng viên số một của người đàn bà quyền lực Hillarry Clinton trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Hiện tại Sanders đã có được khoảng hơn 6 triệu phiếu bầu so với Clinton 8 triệu (một tỷ lệ khá sít sao). Nếu là một ứng viên khác thì cũng không có gì để nói và đáng quan tâm, thế nhưng sự nổi bật của Sanders không phải là vị trí thứ hai của mình, mà là tư tưởng và những kiến nghị mang định hướng CNXH của ông đưa ra.
Những tư tưởng này dẫu rằng bị báo chí thân chủ nghĩa tư bản bài xích và chê bai rất mạnh, thế nhưng lại hấp dẫn rất nhiều người dân Mỹ, đặc biệt là sinh viên, người nghèo, tầng lớp trung lưu, lao động chiếm đa số trong xã hội Mỹ.
Quan điểm của Sanders: Sinh viên cần phải được học tập miễn phí, toàn dân Mỹ cần phải được bảo hiểm y tế do nhà nước chi trả, người già cần phải có trợ cấp lương hưu đầy đủ… Giới nhà giàu Mỹ cần phải bị đánh thuế cao để lấy tiền đó trang trải trợ cấp phát triển đầu tư cho giáo dục, y tế nói chung và thế hệ trẻ tương lai của nước Mỹ nói riêng.
Những chính sách này của Sanders đưa ra đối với người Mỹ thì có vẻ là lạ kì, thế nhưng nó lại là mục tiêu mà nhiều nước phát triển ở châu Âu đã đạt được từ rất lâu rồi.
Như những giọt nước ngọt mát lạnh dội xuống đồng ruộng khô cằn, người dân Mỹ đồng lòng đứng dậy hưởng ứng Sanders một cách mạnh mẽ.
Vì sao? Điều đó cũng dễ hiểu, bởi nước Mỹ chênh lệch giàu nghèo là vấn nạn đang ngày đêm khắc sâu vào mâu thuẫn xã hội, cản trở sự phát triển của nước Mỹ. Vấn nạn này thể hiện qua thực tại tầng lớp nhà giàu của Mỹ mặc dầu chỉ chiếm 1%, nhưng lợi dụng sự giàu có của mình để thâu tóm chính trị tạo ra chủ nghĩa tư bản thân hữu, thành lập các phe nhóm ngân hàng nhằm thâu tóm toàn bộ nền kinh tế Mỹ.
Hệ quả là tiền và của cải xã hội Mỹ thay vì được dùng để chăm lo cho phúc lợi của người dân, thì lại chảy vào túi những tài phiệt giàu có kếch sù. Để rồi ngày nay sinh viên Mỹ phải chịu học phí cao nhất trên thế giới, sau khi ra trường họ phải chịu một cục nợ to đùng do những năm học đại học đem lại. Người dân Mỹ không được hưởng nhu cầu y tế tối thiểu do dịch vụ y tế quá cao giá cắt cổ…
Sự ủng hộ của dân Mỹ dành cho Sanders đã làm cho giới tư bản của Mỹ lo sợ đến nỗi họ đã chi hàng chục triệu USD để mua sóng truyền hình, báo chí và các phương tiện truyền thông nhằm ngăn cản những chủ trương của Sanders đến tai quần chúng nhân dân.
Tuy vậy, những buổi vận động tuyên truyền của Sanders vẫn cứ trở thành những cuộc biểu dương lực lượng của hàng chục ngàn người ủng hộ, đại diện cho hàng chục triệu dân Mỹ đang ngày đêm hy vọng về một cuộc cách mạng thực sự xảy ra trên đất nước mình.
Cuộc cách mạng mà họ đang mơ đó không xa xôi, cũng chả phải lạ kỳ hay viển vông gì hết. Bởi đó chính là điều mà cách đây hơn một thế kỷ, hai con người kiệt xuất của nhân loại là C.Mác và Lênin đã tiên đoán và vạch ra từ lâu. Đó chính là con đường XHCN của nhân loại.
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Anh