Khi tới đảo Trường Sa Lớn (thị trấn Trường Sa) thì đã 17 giờ. Hoàng hôn của một ngày hè nắng lửa khiến đảo sáng rực lên giữa màu xanh bao la của trời, của biển. Bước lên cầu cảng, chúng tôi đi giữa hai hàng cán bộ chiến sĩ quân phục nghiêm trang và nhân dân là các anh, các chị, các cháu thiếu nhi chào đón. Những cái bắt tay, lời thăm hỏi và cả tiếng cười rộn ràng bên sóng nước. Thế rồi chủ và khách cùng tràn vào con đường lớn, râm mát. Bên phải là nhà khách Trường Sa do thủ đô Hà Nội xây tặng, mái ngói đỏ tươi vượt lên trên những tán cây phi lao, cây tra và bàng quả vuông xanh mướt mát. Bên trái là chùa Trường Sa, xây theo phong cách cổ truyền thống, mái cong với những đầu đao. Bây giờ thì tôi biết Đại đức Thích Ngộ Thành đang trụ trì ở chùa này.
Chẳng mấy chốc, chúng tôi đã tới sân bay Trường Sa. Tuy mới đạt tiêu chuẩn cấp ba nhưng sân bay đã có nhiều loại máy bay hạ và cất cánh. Đường hàng không mở ra một tương lai phát triển bền vững cho huyện đảo giữa trùng khơi. Đối diện qua sân bay, phía bên kia là cột mốc chủ quyền tọa trên những bậc thềm cao, uy nghiêm như người lính, đã có vài người đang chụp ảnh làm kỷ niệm. Liền kề là Sở chỉ huy của đảo, rồi UBND thị trấn Trường Sa, Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ cao 17,8m, nhà thờ Bác Hồ tạo thành một quần thể kiến trúc hoàn hảo và hiện đại. Xa phía kia là Trạm khí tượng hải văn, xây dựng từ năm 1997. Đây là một bộ phận của Đài khí tượng thủy văn Nam Trung Bộ và là một trong 26 trạm phát báo quốc tế mang số hiệu 48920, do Tổ chức khí tượng quốc tế cấp. Cán bộ nhân viên của trạm đo đạc và xử lý các thông số rồi báo về đất liền theo tần suất 3 giờ/lần (bình thường) hoặc 30 phút /lần (bất thường), liên tục đến 22 giờ mỗi ngày. Rồi cảng cá Trường Sa đang phấn đấu tới năm 2020 sẽ đón được tàu công suất 1.000 CV, mỗi ngày phục vụ cho 90 lượt tàu ra vào cảng và tổng sản lượng thủy sản mỗi năm đạt 10 ngàn tấn…
Vừa rồi, được tin ngày 21-4-2013, Trường Sa Lớn khánh thành trường tiểu học, tôi nhớ tới chị em cháu Nguyễn Thị Mi Sen, sinh năm 2003 và Nguyễn Chinh, sinh năm 2005, niên khóa này sẽ học trong ngôi trường mới. Ngày ấy, hai chị em cùng ra tận cầu tàu đón khách rồi đưa chúng tôi về thăm nhà. Bố mẹ các cháu là Nguyễn Xuân Yên và Trần Thị Hoa, người xã Cam Hải Đông, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Ra đảo chị vào công nhân viên quốc phòng, anh Yên lại đi biển. Anh chị tranh thủ trồng các loại rau muống, rau cải, mồng tơi và một đàn hơn 30 con gà vịt. Chúng tôi còn vào thăm gia đình anh Nguyễn Tấn Thi và chị Nguyễn Thị Thanh Thúy có 2 người con gái đẹp như tranh là Nguyễn Thị Trà My sinh năm 2000 và Nguyễn Thị Minh Nguyệt sinh năm 2001. Cùng quê Cam Thành Bắc, TP Cam Ranh với vợ chồng anh Nguyễn Tấn Thi là gia đình anh Nguyễn Ngọc Hải và chị Nguyễn Thị Kim Huệ. Anh Hải là con liệt sĩ, phát huy truyền thống cách mạng của+ gia đình mà đưa vợ và hai người con Nguyễn Thị Kim Hồng và Nguyễn Thị Hồng Hương ra sinh sống và giữ đảo.
Chính trị viên của đảo là Trung tá Phạm Quang Trung. Anh tâm sự: Trạm xá Trường Sa Lớn thuộc trạm cấp một có các trang thiết bị khám cơ bản, siêu âm, điện tâm đồ, máy thở… Cùng với nhiệm vụ khám và điều trị cho quân và dân trên đảo, có năm trạm cấp cứu tới 60 bệnh nhân là những người dân đánh cá bị nạn vào nhờ giúp đỡ. Còn Trung tá Trịnh Văn Long, Phó chỉ huy đảo cho biết: Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cán bộ chiến sĩ cũng luôn một lòng trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh để bảo vệ biển, đảo quê hương. Nhiệm vụ tuần tra canh gác, sẵn sàng chiến đấu; không được phép lơ là mất cảnh giác. Đảo thường xuyên luyện tập các kế hoạch chiến đấu. thông qua đó để rèn luyện ý chí, quyết tâm, bản lính chính trị và xử lý tốt các tình huống xảy ra. Nguyên tắc huấn luyện là “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, ra đảo được cụ thể hóa chặt chẽ, đúng kế hoạch, bảo đảm 100% về nội dung và thời gian, sát với thực tế chiến đấu, đối tượng tác chiến, địa hình và thời tiết. Hàng năm kết quả huấn luyện đều đạt 100% khá giỏi, bắn đạn thật 20 bài thì 19 bài đạt giỏi. Năm 1985 Trường Sa Lớn được tuyên dương Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân và 10 năm gần đây liên tục được nhận các loại bằng khen, cờ thưởng thi đua của Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành, quân chủng và của địa phương.
Bài và ảnh:
XƯƠNG GIANG