Tổng thống Thụy Sĩ - Viola Amherd và Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelensky ngày khai mạc hội nghị.
Sau 18 tháng chuẩn bị, ngày 15 và 16-6-2024, tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock (Thụy Sĩ) đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh về hòa bình ở Ukraine, do Thụy Sĩ tổ chức theo đề nghị của Ukraine, với sự tham gia của khoảng 90 nước và tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, hội nghị đã không đạt được mục tiêu đề ra cả về mặt thành phần tham dự, cũng như chương trình nghị sự mà Kiev muốn thúc đẩy nhằm thuyết phục thế giới ủng hộ việc chấm dứt xung đột với Nga theo các điều kiện của Kiev.
Về thành phần, Kiev mời đến 160 quốc gia, tổ chức với mong muốn thiết lập một mặt trận toàn cầu thống nhất nhằm buộc Nga phải chấp nhận hòa bình theo các điều kiện của mình.
Tuy nhiên, người ta dễ dàng nhận thấy sự vắng mặt của nguyên thủ 3 cường quốc hàng đầu thế giới mà thiếu họ, không một vấn đề quốc tế quan trọng nào có thể giải quyết. “Nhân vật chính” là Nga không được mời và Nga cũng cho rằng Thụy Sĩ không còn là quốc gia trung lập để có tư cách đăng cai tổ chức hội nghị nên Nga không tham dự. Tổng thống Mỹ - Joe Biden do “bận việc quốc nội” nên cử Phó tổng thống Kamala Harris đại diện cho nước Mỹ. Trung Quốc không tham dự vì hội nghị không đáp ứng 3 yêu cầu của Bắc Kinh, là: Đại diện của cả Nga và Ukraine phải có mặt, sự tham gia của tất cả các bên phải bình đẳng, mọi kế hoạch hòa bình phải được xem xét công bằng.
Đối với nhiều nước lớn khác: Brazil tham dự hội nghị với tư cách quan sát viên; Ấn Độ cử quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao; Saudi Arabia cử Bộ trưởng Ngoại giao; Nam Phi cử một phái viên.. Nhiều nước tham gia chủ yếu để thể hiện mình cũng có tiếng nói trong các vấn đề quốc tế và kết hợp gặp đối tác làm ăn.
Ở bối cảnh khó khăn trong việc triệu tập và tổ chức hội nghị, nước chủ nhà Thụy Sĩ nêu quan điểm hội nghị không phải là sự kiện cuối cùng mà chỉ là một cuộc họp trong số nhiều hội nghị nhằm dẫn đến tiến trình đàm phán giữa Nga và Ukraine. Còn mục tiêu của hội nghị cũng được Bern diễn đạt khá chung chung là "Thúc đẩy một tiến trình hòa bình trong tương lai cho Ukraine và phát triển các yếu tố thiết thực cũng như các bước hướng tới tiến trình đó". Về phía Ukraine, nhận thấy không có nhiều lãnh đạo cấp cao tham dự, Kiev đã cắt giảm chương trình nghị sự của hội nghị từ thảo luận Công thức hòa bình 10 điểm của Tổng thống Zelensky (bao gồm những nội dung quan trọng như yêu cầu Nga rút quân, khôi phục lãnh thổ cho Ukraine, bồi thường chiến tranh, thành lập tòa án xét xử các quan chức Nga…), xuống còn ba vấn đề nhỏ và ít gây tranh cãi là an ninh lương thực, an ninh hạt nhân và vấn đề nhân đạo (trao đổi tù binh).
Tuyên bố chung của hội nghị, các nước BRICS cùng Armenia, Bahrain, Tòa thánh Vatican, Indonesia, Libya, Mexico, Saudi Arabia, Slovakia, Thái Lan và UAE không ký, nhấn mạnh: “Sự tham gia của tất cả các bên là cần thiết để đạt được hòa bình” - đồng thời hối thúc việc trao đổi, hồi hương những người bị bắt giữ và bày tỏ lo ngại nguy cơ hạt nhân ở khu vực xung đột.
Theo các nhà phân tích, một hội nghị “thượng đỉnh” toàn cầu mà không có mặt nguyên thủ các quốc gia chủ chốt có thể phản tác dụng, bởi nó phơi bày những rạn nứt trong liên minh ủng hộ Kiev. Ngoài ra, một cuộc đàm phán kiểu sự kiện công khai, đa phương như Hội nghị Thụy Sĩ cũng không phải là công thức tốt để tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột.
Đăng Song