Đây là phiên họp toàn thể thông qua văn kiện của Hội nghị. Buổi chiều 18/12, các Trưởng đoàn thông qua văn kiện về kết quả Hội nghị. Đại diện của 192 nước đã tham dự Hội nghị. Các trung tâm báo chí chật kín phóng viên báo chí, truyền thông các nước tham gia đưa tin về Hội nghị. Hội nghị đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới.
Từ ngày 16/12, các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu Chính phủ các nước đã lần lượt phát biểu tại Hội nghị nêu lên quan điểm cũng như đóng góp sáng kiến ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ ngôi nhà chung của thế giới.
Trong buổi sáng và đầu giờ chiều nay 18/12 (giờ địa phương), Hội nghị tiếp tục nghe phát biểu của một số nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu Chính phủ các nước, trong đó có Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon.
Dư luận đánh giá cao quan điểm của Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị với mục tiêu tham gia tích cực vào tiến trình đàm phán tại Hội nghị, thể hiện quyết tâm của Việt Nam phối hợp chặt chẽ với cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.
Bên lề Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn cho báo chí biết: Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được Ban Tổ chức xếp vào tốp 10 bài phát biểu đầu tiên của các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu Chính phủ các nước.

“Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng như quá trình chuẩn bị của Việt Nam cho Hội nghị này được dư luận đánh giá rất cao vì phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đại diện cho Việt Nam, mang tính chất rất xây dựng. Đến nay, đã có nhiều đoàn các nước đến xin văn bản bài phát biểu của Thủ tướng”, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết.
Ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết: “Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mang tính chất kêu gọi các nước hãy đoàn kết với nhau cùng tập trung bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất, giúp các nước nghèo, các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước có nguy cơ chịu ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh có nhiều mâu thuẫn khác nhau, có quốc gia phát biểu theo xu hướng của mình mà không quan tâm đến các quốc gia khác”.
Là một trong một số ít nước đang phát triển chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, đặc biệt là mực nước biển dâng, Việt Nam đã và đang chủ động xây dựng, triển khai nhiều biện pháp, hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng đã xây dựng Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng để ứng phó. Từ đó, kêu gọi các nước phát triển và các tổ chức quốc tế hỗ trợ Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết.
Sáng kiến và đóng góp của Đoàn Việt Nam tại Hội nghị này là cùng vận động các nước phát triển đưa ra trước năm 2010 các cam kết giảm mạnh phát thải khí nhà kính định lượng giai đoạn sau năm 2012 khi thời kỳ cam kết đầu tiên (2008-2012) của Nghị định thư Kyoto kết thúc. Các nước đang phát triển có thể đóng góp vào nỗ lực toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua xây dựng và thực hiện các chương trình hành động giảm nhẹ khí nhà kính phù hợp với điều kiện của từng quốc gia (NAMAs) trên cơ sở tự nguyện, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo khi có sự hỗ trợ về tài chính, công nghệ và tăng cường năng lực từ các nước phát triển và các nguồn tài trợ quốc tế khác.
Nhiều cuộc tiếp xúc song phương, đa phương
Các thành viên của Đoàn Việt Nam được bố trí tham dự tất cả các cuộc họp chính thức và hội thảo bên lề Hội nghị. Đoàn Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc song phương và đa phương, thông qua đó nhằm tranh thủ sự hỗ trợ, kêu gọi đầu tư của các nước vào Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài ra còn tham dự và trình bày báo cáo tại một số hội thảo bên lề với các nội dung như sửa đổi, bổ sung Nghị định thư Kyoto, cam kết giảm phát thải sau năm 2012, các vấn đề tài chính, chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu…, tổ chức hội thảo “Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu”, giới thiệu các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.
“Ý kiến của Việt Nam được các nước hoan nghênh vì chúng ta đến Copenhagen với tấm lòng, với mong muốn cả thế giới phải cùng có trách nhiệm và các quốc gia phát triển phải có trách nhiệm hơn hết đối với các quốc gia nghèo và quốc gia đang phát triển, để bảo đảm sự phát triển bền vững của toàn thế giới”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn cho biết.
Chiều ngày 18/12 (giờ Đan Mạch), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam rời Copenhagen, Đan Mạch về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị thế giới về biến đổi khí hậu.
Ra sây bay tiễn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam có đại diện Bộ Ngoại giao Đan Mạch, Đại sứ cùng đông đảo cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Đan Mạch./. Theo TTXVN A. Hoàng