Sau gần 5 năm thí điểm xây dựng mô hình Tập đoàn kinh tế, đây là văn bản pháp lý đặc biệt quan trọng của Chính phủ quy định về lĩnh vực này.
Phát triển tốt về kinh doanh để TĐKTNN thực sự giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân
Mục tiêu yêu cầu thí điểm thành lập TĐKTNN là nhằm tập trung đầu tư và huy động các nguồn lực hình thành nhóm công ty có quy mô lớn trong các ngành, lĩnh vực then chốt, cần phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời bảo đảm sự cân đối trong nền kinh tế quốc dân, thúc đẩy liên kết trong chuỗi giá trị gia tăng, phát triển các thành phần kinh tế khác.
Quan trọng hơn, việc thí điểm thành lập các TĐKTNN còn nhằm tăng cường quản lý, giám sát có hiệu quả đối với vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp trong tập đoàn, từ đó tạo cơ sở để tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách và pháp luật về tập đoàn kinh tế.
Và ngay tại Chương đầu của Nghị định đã khẳng định, thí điểm thành lập TĐKTNN là tạo cơ sở để tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách và pháp luật về tập đoàn kinh tế.
Được quyền quyết định hình thức trả lương, mức lương
Đây là điểm mới nổi bật của Nghị định 101, theo đó Công ty mẹ được quyền quyết định thang, bảng lương, đơn giá tiền lương, chế độ trả lương đối với người lao động và cán bộ quản lý trên cơ sở quy định về lương tối thiểu của Nhà nước, trừ các chức danh là Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, các Phó tổng giám đốc, Kế toán trưởng. Công ty mẹ được tự chủ quyết định đơn giá tiền lương theo nguyên tắc tốc độ tăng tiền lương bình quân thấp hơn tốc độ tăng năng suất lao động và đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về lao động - tiền lương.
Với quy định này, các TĐKTNN sẽ có cơ hội thu hút nhân tài bằng cách trả lương hợp lý, tránh được tình trạng chảy máu chất xám như trước đây.
Nhà nước thực hiện quyền sở hữu
Theo Nghị định, Chính phủ vẫn thống nhất thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty mẹ (kể cả phần vốn)... Theo đó, Nhà nước vẫn thực hiện các quyền chủ sở hữu đối với công ty mẹ thông qua việc quyết định thành lập mới, cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý, tổ chức lại, giải thể, chuyển đổi sở hữu công ty; quyết định mục tiêu, chiến lược, kế hoạch dài hạn và ngành, nghề kinh doanh của công ty; quyết định việc đầu tư, góp vốn đầu tư, liên doanh, liên kết theo thẩm quyền; phê duyệt chủ trương vay, cho vay, thuê, cho thuê của công ty...
Theo như Nghị định, không thành lập một cơ quan riêng để quản lý, giám sát hoạt động của các tập đoàn mà vẫn sử dụng bộ máy quản lý hành chính của các Bộ. Thẩm quyền quyết định việc đầu tư ra ngoài ngành sang những lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm… vẫn sẽ do Thủ tướng quyết định.
Nhiều vấn đề khác về hoạt động và quản lý tập đoàn sẽ tiếp tục được chỉnh sửa, để khuyến khích các tập đoàn phát triển, đồng thời nhằm mục đích nhà nước thực hiện được quyền sở hữu với tập đoàn.
Kết quả sau 5 năm thí điểm mô hình TĐKTNN
Trên thực tế, còn có một số ý kiến cho rằng TĐKTNN không nhất thiết phải phát triển đa ngành, mà cần chuyên sâu vào ngành mũi nhọn. Bởi vì khi nguồn lực còn hạn chế, tập đoàn đầu tư dàn trải sẽ không đủ lực đầu tư phát triển ngành chủ lực. Nhưng thực tế cũng chứng minh, có những Tập đoàn hoạt động đa ngành nhưng vẫn thu được hiệu quả cao. Chính giai đoạn thí điểm này là quá trình chuyển biến để cùng nhìn nhận lại những cái hay và loại trừ đi cái dở trong quá trình kinh doanh.
Nhìn lại 5 năm trước, khi 7 Tổng công ty 91 được thí điểm chuyển đổi thành TĐKTNN, đây thực sự là bước đi đổi mới, kịp thời với tiến trình hội nhập, nâng cao tính tự chủ trong hoạt động kinh doanh của các Tổng công ty.
Sau 5 năm hoạt động thí điểm, về cơ bản, TĐKTNN đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế; cùng với các tổng công ty nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế; góp phần bảo đảm điều tiết vĩ mô của Nhà nước; tham gia tích cực vào việc bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao khả năng hội nhập kinh tế quốc tế. Một số TĐKTNN giữ vai trò cân đối lớn trong nền kinh tế quốc dân, điển hình như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đóng góp vào khoảng 30% GDP cho đất nước.
Một số TĐKTNN đã đầu tư mở rộng tầm hoạt động, phát triển ngành nghề phụ trợ, không chỉ tập trung đầu tư trong nước mà bước đầu vươn ra đầu tư ở nước ngoài, tạo dựng được hình ảnh của Việt Nam trong một số lĩnh vực đối với khu vực và trên thế giới. Quy mô vốn sở hữu của các TĐKTNN tăng lên đáng kể. Các tập đoàn đã huy động được một lượng vốn khá lớn từ các thành phần kinh tế khác thông qua việc cổ phần hoá các công ty thành viên của tập đoàn và thành lập mới các công ty cổ phần.
Chính trong thời gian thí điểm này, thông qua các hoạt động kinh doanh của TĐKTNN, đã phát hiện và dần giải quyết một số những khúc mắc như khuôn khổ pháp lý cho việc tổ chức và hoạt động của các tập đoàn vẫn chưa đầy đủ. Hiệu quả hoạt động của một số TĐKTNN còn chưa tương xứng với nguồn lực hiện có. Hoạt động của các TĐKT chưa nổi bật về chất lượng và hiệu quả so với khi còn là tổng công ty nhà nước.
Trên thực tế vẫn còn nhiều tồn tại như việc công ty mẹ có nên thực hiện đồng thời cả hai chức năng sản xuất kinh doanh và đầu tư tài chính hay không? Tập đoàn Dầu khí qua thực tế thí điểm đã nhận thấy trong điều kiện thực tế hiện nay, công ty mẹ thực hiện đồng thời cả hai chức năng là sản xuất kinh doanh và đầu tư tài chính vì nếu không trực tiếp sản xuất kinh doanh công ty mẹ sẽ mất đi vai trò chi phối các công ty thành viên trong tập đoàn về công nghệ, chiến lược sản xuất.
Mô hình đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và thúc đẩy phát triển nền kinh tế nội địa
Với xu hướng phát triển mở, hội nhập quốc tế hiện nay, việc hình thành và phát triển mô hình tập đoàn kinh tế là điều tất yếu. Để mở rộng cửa, khuyến khích các hình thái đầu tư kinh doanh trên các lĩnh vực hợp pháp, vào cuối tháng 11/2009, khi làm việc với Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất về mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân. Như vậy, không chỉ hình thành các TĐKTNN, mà tương lai gần, Việt Nam cũng có những tập đoàn kinh tế tư nhân sát cánh đảm đương vai trò đầu tầu phát triển kinh tế đất nước.

Không những vậy, Bộ Chính trị đã chỉ đạo Chính phủ tiếp tục thực hiện chủ trương tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước để hình thành những tập đoàn, tổng công ty nhà nước đủ mạnh chi phối nền kinh tế và có vai trò, vị trí ngày càng lớn, có đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn, tổng công ty cùng ngành kinh doanh trong khu vực.

Tính đến nay, Việt Nam có 9 TĐKTNN đang hoạt động thí điểm, gồm: Bưu chính - Viễn thông (VNPT), Than - Khoáng sản (Vinacomin), Dầu khí (PetroVietnam), Điện lực (EVN), Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin), Dệt May (Vinatex), Cao su (VRG), Tài chính - Bảo hiểm (Bảo Việt) và mới đây nhất là Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel).
Nghị định 101 ra đời là khung pháp lý chung để các TĐKTNN hoạt động đúng theo quỹ đạo của mình. Bằng điều này, Chính phủ đã tạo điều kiện nâng cao sức cạnh tranh cho TĐKTNN, chứ không phải để TĐKTNN sống bằng những ưu đãi riêng về cơ chế hay đồng vốn như một số nhận định hiện tại.
Theo VGP A. Hoàng