Trong những ấn tượng của tôi, có một Hà Nam rộn ràng tiếng trống hội. Hội mùa xuân, hội tòng quân mang tinh thần sống, tinh thần vươn tới như: hội chùa Đọi Sơn (Duy Tiên) vào đầu tháng 2 âm lịch; ở đây còn Lễ hội Tịch điền trong ngày mồng 7 tết, tái hiện lại mùa xuân năm 987, với cảnh thanh bình, vua Lê Đại Hành cùng văn võ bá quan đi cày trên những thửa ruộng Kim Ngân Điền, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc… Đặc biệt, ngày 24-2-2011, hội làng Duy Hải (Duy Tiên) thờ Phó tướng Trần Khánh Dư, năm 1288 chỉ huy quân phá tan đoàn thuyền lương của tướng giặc Trương Văn Hổ tạo thế cho đại quân tiêu diệt quân Ô Mã Nhi trên sông Bạch Đằng, cũng là ngày hội tòng quân của tỉnh.

Thượng tá Trần Quang Mỹ, Phó tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh, nguyên cán bộ Trung đoàn 242 trên đảo Trần, đảo Vĩnh Thực cho biết: Hà Nam đang chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, đất canh tác ít dần, đòi hỏi thanh niên phải học nghề để sinh sống, lại thêm nhiều doanh nghiệp phát triển, thu hút một lực lượng lớn lao động trẻ. Trong khi đó Luật NVQS quy định diện miễn hoãn rộng, tiêu chuẩn đòi hỏi cao nên khó khăn cơ bản là thiếu nguồn. Nhưng xác định việc gọi công dân nhập ngũ là nhiệm vụ trọng tâm, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên hơn 10 năm nay, tỉnh hoàn thành 100% chỉ tiêu được giao, chất lượng năm sau cao hơn năm trước như: tân binh đạt 100% là đoàn viên (2% là đảng viên), 50% tốt nghiệp PTTH, 60% có sức khỏe loại 1… Hội tòng quân là để xây dựng quân đội chính quy, hiện đại, là nguồn xây dựng lực lượng dự bị động viên và cán bộ của địa phương.

Cùng ngồi trò chuyện, Thượng tá Đào Văn Thư, Trưởng ban Quân lực, với kinh nghiệm 22 năm làm công tác tuyển quân, anh tâm sự: Năm 2010, thực hiện tuyển quân “tròn khâu”, do chưa có kinh nghiệm, tỉnh phải bù đổi 15 trường hợp, phần nhiều là ở sức khỏe, ban đầu máy móc trang bị y tế không đủ, bộ đội về đơn vị vào bệnh viện khám lại phát hiện ra bệnh. Năm nay, tỉnh được giao gọi 700 thanh niên nam, từ hai huyện Bình Lục, Kim Bảng và TP Phủ Lý nhập ngũ vào các đơn vị Bộ Tổng Tham mưu, BTL Pháo binh, Quân khu 3 và Quân đoàn 1. Với phương châm “Tuyển người nào chắc người đó”, Hội đồng NVQS đã chỉ đạo làm đúng quy trình: Nắm, quản lý, phân tích nguồn; sơ tuyển chính xác, rõ ràng, nâng cao chất lượng; xét duyệt tuyển chọn từ thôn, xóm, tổ dân phố công khai, dân chủ, công bằng và đúng luật; phối hợp tốt với công an, y tế và các đoàn thể để nắm và quản lý anh em, hiệp đồng chặt chẽ với đơn vị nhận quân. Cho đến nay, mọi công tác chuẩn bị đã xong, chờ ngày Hội tòng quân. Cùng với làm tốt công tác tuyển quân, khi anh em hoàn thành nhiệm vụ trở về, các địa phương đều tổ chức buổi gặp mặt đón tiếp để báo cáo tình hình quê hương, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm giúp anh em kịp thời ổn định cuộc sống. Năm 2010, có 418 quân nhân xuất ngũ thì 40% số đó được vào học trong các trường dạy nghề của tỉnh. Từ năm 2007 đến năm 2009 đã có 1.106 CQN được các tổ chức cho vay vốn phát triển kinh tế, 41 người xuất khẩu lao động, hàng trăm quân nhân người trở thành cán bộ cơ sở.

Huyện Kim Bảng có truyền thống làm tốt công tác tuyển quân, vừa vãn hội Đền Trúc (Thi Sơn); Thái úy Lý Thường Kiệt mang quân đi dẹp giặc phương Nam, cả khi đi và khi về ông đều dừng chân tại đây để nghỉ ngơi và khao quân. Gọi công dân nhập ngũ đợt 1-2011, huyện phát lệnh cho 300 nam thanh niên từ ngày 28-1, trong đó tuổi đời từ 18 đến 22 chiếm gần 91%, 100% là đoàn viên và viết đơn tình nguyện. Anh Nguyễn Xuân Nhu, Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn vui vẻ: Năm ngoái chúng tôi vượt chỉ tiêu 1 người. Năm nay công tác tuyên truyền và tuyển chọn kỹ hơn; nhiều thanh niên muốn đi nhưng không đủ điều kiện nên phải loại, xã chọn đủ chỉ tiêu giao 14 thanh niên, không có dự phòng. Hội CCB là đoàn thể tích cực và có hiệu quả nhất, lần này có 2 cháu là con hội viên. Chúng tôi không gặp được cháu Trần Ngọc Tú, 20 tuổi, con hội viên Trần Ngọc Quân, xóm 12. Theo chân ông Trương Công Tấn, Chủ tịch Hội CCB xã, chúng tôi vào ngôi nhà 3 gian mái bằng (kiểu 1 thò 2 thụt) xây đã 10 năm, của hội viên Nguyễn Văn Thực (xóm 4), bố cháu Nguyễn Trung Kiên. Kiên đi đợt này là gia đình có 3 đời vào bộ đội. Ông nội đã 7 năm chiến đấu trên chiến trường miền Nam, anh Thực nguyên là pháo thủ xe tăng tiểu đoàn 13, Sư đoàn B20.

Bên ấm trà xuân, chị Vũ Thị Mai, Chủ tịch MTTQ thị trấn Quế giở cuốn sổ nhỏ: Dịp Tết Nguyên đán, chị đã dẫn đầu khối đoàn thể đi thăm 8 gia đình có thanh niên nhập ngũ, mọi người, mọi nhà đều vui vẻ, đón xuân đầy đủ hơn. Chỉ có một áy náy là gia đình cháu Nguyễn Sơn Tùng, tổ 7, là hộ nghèo, nhưng lại có nguyện vọng muốn cả hai con trai vào bộ đội, thị trấn sẽ ưu tiên hỗ trợ sau này.

Anh Đào Phúc Nguyên, Phó chủ tịch UBND, kiêm Chỉ huy trưởng quân sự cho biết: Thị trấn gọi khám 25 thanh niên, sơ tuyển được 15, đủ điều kiện nhập ngũ 10, phát lệnh gọi 8 thanh niên, không có dự phòng (2 trường hợp làm nghĩa vụ bên công an). Chúng tôi tổ chức cho 8 cháu cùng trồng cây lưu niệm với lãnh đạo huyện, thị trấn và nhân dân tại đường N2. Những năm trước, ở đây có cháu Lê Văn Hào được đơn vị cho đi học sĩ quan để phục vụ quân đội lâu dài. Các cháu Nguyễn Văn Quỳnh, Lê Văn Tuấn, Nhữ Tiến Sĩ… hoàn thành nhiệm vụ trở về là đảng viên, cảm tình Đảng đều phát huy tốt; anh Trương Ngọc Dương nay là Phó chủ tịch Hội Nông dân; anh Hoàng Văn Trường, được đào tạo sĩ quan dự bị (thiếu úy) nguồn cán bộ quân sự địa phương… Mỗi lần tuyển quân là mỗi lần thêm cho chúng tôi những nhân tố mới, là ngày hội mùa xuân, ngày hội tòng quân.

Bài và ảnh: Tô Kiều Thẩm