Hội viên là Phó hiệu trưởng, Trưởng khoa phụ trách công tác sinh viên, đã gắn kết chặt chẽ phối hợp công tác cùng các Khoa, với Đoàn thanh niên, Hội Sinh viên thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, chủ động định hướng giáo dục, thuyết phục sinh viên tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; cảnh giác với những thông tin xuyên tạc, phá hoại, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch, không tham gia các cuộc biểu tình, xuống đường không hợp pháp. Hội viên CCB là giảng viên các môn Khoa học Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh là lực lượng chính, triển khai việc phổ biến, quán triệt các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, chủ động thông tin thời sự về tình hình biển đảo, chủ quyền đất nước… đến sinh viên, khơi dậy tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng đối với thế hệ trẻ.
Đánh giá về vai trò của Hội CCB, đồng chí Phan Thanh Định-Phó hiệu trưởng nhấn mạnh: “Hội CCB Trường đại học KHXHNV là một tổ chức chính trị-xã hội mạnh. Hội có nhiều chương trình hiệu quả và chất lượng như “Dâng hương”, “Huyền thoại thời hoa lửa”, mời các nhân chứng lịch sử, Anh hùng LLVTND, các chiến sĩ biệt động Sài Gòn, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa… giao lưu với sinh viên. Tổ chức những chuyến “Về nguồn, thăm lại chiến trường xưa” để lại ấn tượng tốt. Những năm qua, Hội có Chương trình “Học bổng Hội CCB”, hỗ trợ sinh viên là con em hội viên, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; chương trình “Mua báo CCB thành phố” phát tới hội viên và các tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên và thư viện; Hội còn có trang web để kết nối hoạt động của các tổ chức đoàn thể trong trường với Hội CCB thành phố. Đặc biệt, năm 2016, Hội tổ chức giao lưu “Ngày Hội sinh viên với biển đảo quê hương”, có Trung tướng Phạm Văn Dĩ-Chính ủy Quân khu 7 tham dự, tạo không khí phấn khởi, nhiệt huyết của tuổi trẻ”.
Phó hiệu trưởng Phan Thanh Định còn cho biết: “Năm nay, Bộ Ngoại giao và Bộ GDĐT giao cho trường Chương trình “Nhịp cầu Hán ngữ”, Trường lại giao cho Hội CCB phụ trách, tổ chức cho sinh viên hai nước Việt Nam-Trung Quốc (hiện có 200 sinh viên Trung Quốc đang theo học), tiếp xúc trao đổi, giao lưu kết nối. Ngoài ra, Hội phối hợp với Đoàn Thanh niên đặt tên cho mỗi chi đoàn gắn với một hòn đảo, một địa chỉ lịch sử biên giới, như “Chi đoàn Trường Sa”, “Chi đoàn Hoàng Sa”, “Chi đoàn Song Tử Tây”… Đây là những hoạt động có ý nghĩa sâu sắc, thiết thực, góp phần giáo dục truyền thống cho hội viên, cán bộ, công nhân viên chức và đặc biệt là đối với thanh niên, sinh viên của trường”.
Bài và ảnh: Vũ Xiêm