Vườn nhãn của gia đình CCB, thương binh Trần Văn Xê (bên phải), ấp Chánh, xã Hiệp Thạnh

Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Tây Ninh về chuyển đổi cây trồng từ trồng lúa nước sang trồng nhãn, loại cây đặc sản của tỉnh Tây Ninh nói chung, huyện Hòa Thanh đã đầu tư mở rộng diện tích trồng nhãn lên hơn 600ha, tập trung ở các xã Trường Đông, Trường Hòa, Trường Tây, Long Thành Bắc và Long Thành Nam. Những năm đầu chuyển đổi cây trồng, nhãn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao so với các cây trồng khác. Nhiều gia đình đã khá giả - xây được nhà, mua sắm xe hơi, ti vi đời mới….

Tuy nhiên, vài  năm trở lại đây, cây nhãn của huyện  Hòa Thanh cũng như các huyện khác trong tỉnh trở nên còi cọc; bị nhiễm sâu bệnh - nhất là bệnh chổi rồng, làm năng suất sụt giảm, giá bán thấp, chưa kể bị thương lái ép giá, nhiều gia đình phải bán đổ, bán tháo để lấy tiền trả nợ. Từ đó, nhiều hộ trồng nhãn lao đao muốn chặt bỏ nhãn, trồng các loại cây khác.

Một góc vườn nhãn của CCB, thương binh Nguyễn Văn Triều, ấp Năm Trại, thuộc Tổ HTX trồng nhãn thí điểm xã Trường Đông.

Nguyên nhân dẫn đến cây nhãn bị sâu bệnh, năng suất thấp là do quy mô trồng nhãn manh mún “mạnh ai người ấy trồng”, chỉ trồng theo kinh nghiệm truyền thống là chính mà không áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng nhãn, nhất là khâu chọn giống, lai giống... Được sự lãnh đạo của Huyện ủy, Hội CCB huyện Hòa Thanh đã chỉ đạo Chi hội CCB xã Trường Hòa nghiên cứu, báo cáo Đảng ủy, UBND xã cho Chi hội CCB thí điểm thành lập Tổ hợp tác xã (HTX) trồng nhãn. Đồng thời xây dựng Điều lệ, Quy chế, Quy định...  Ngày 15-6-2019, tổ HTX trồng nhãn của Hội CCB xã Trường Đông ra mắt theo Quyết định của Chủ tịch UBND xã ký.

Qua khảo sát, được sự hỗ trợ của huyện Hội và quyết định của Chủ tịch UBND xã, 16 hội viên CCB là những người có kinh nghiệm trồng nhãn đăng ký thành lập Tổ HTX trồng nhãn, với nguyên tắc: Tự nguyện - bình đẳng - dân chủ.

Theo Quy chế và quyết định thành lập, tổ quản lý, điều hành do ông Trang Văn Măng - Chi hội trưởng CCB ấp Trường Lưu làm Tổ trưởng. Mỗi thành viên trong HTX có ít nhất 2.000m2 (2 công) đất trồng nhãn. Hiện tổng diện tích của Tổ HTX là 40ha. Sản phẩm làm ra được các thành viên tự hạch toán, tự cân đối thu - chi.

Tính liên kết của mô hình là cùng đóng góp thu mua nguyên liệu đầu vào, như cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Nhất là việc hỗ trợ, chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP và cùng tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hằng tháng các thành viên trích một phần lợi nhuận nộp vào quỹ tài sản chung theo quy định của tổ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trang Văn Măng - Tổ trưởng tổ quản lý nói: “Khi thành lập tổ HTX, Hội gặp không ít khó khăn, vì nhiều gia đình hội viên CCB chưa tin tưởng, chỉ sợ “cha chung không ai khóc” hoặc “đánh trống bỏ dùi”. Nhưng nhờ có Ban Chấp hành Hội CCB huyện và xã đã kịp thời về tuyên truyền, vận động, nói rõ việc thành lập HTX trước hết là tạo nên sức mạnh của một tập thể để đầu tư trồng trọt theo mô hình mới, mang lại lợi ích trước hết cho các thành viên trong HTX... “Mưa dầm thấm lâu”, dần dần mọi người hiểu được chỉ có cùng nhau liên kết thì mới đủ điều kiện đầu tư đưa cây nhãn phát triển bền vững được.

Ông Măng cho biết: Chuyển đổi lớn nhất nhờ mô hình Tổ HTX là áp dụng được khoa học kỹ thuật vào trồng trọt. Điển hình như giống nhãn tiêu da bò lâu nay địa phương vẫn trồng bị bệnh chổi rồng là do cây lâu năm bị thoái hóa. Từ khi Tổ HTX về Trung tâm Nghiên cứu cây ăn trái miền Đông Nam Bộ học kỹ thuật về lai ghép giống nhãn xuồng cơm ráo trên gốc nhãn tiêu da bò, thì cây nhãn phát triển khác hẳn, vừa không bị sâu bệnh phá hoại, cây nhanh cho ra quả, lại không tốn tiền mua cây giống.

Ông nói: “Cũng con người ấy, cũng đồng đất ấy, mà chỉ sau một vụ chuyển đổi cây trồng, năng xuất cây nhãn đã khác hẳn, nên ai cũng vui vẻ, phấn khởi”.

Tôi đến nhà CCB Châu Văn Kéo thăm vườn nhãn gần 1ha của ông. Ông bộc bạch: “Bây giờ tui không còn phải lo kiếm người mua nhãn nữa, vì HTX đã ký kết với thương lái ngay từ khi cây mới ra hoa. Mà kỳ thật, họ chỉ nhìn hoa nhãn là biết liền cây sẽ cho bao nhiêu ki-lô-gam quả...”.

Còn ông Nguyễn Ðức Thắng - Chủ tịch Hội CCB xã Trường Ðông thì cho rằng: Trước đây, các hộ trồng nhãn chủ yếu là làm theo kinh nghiệm, chưa mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên chi phí cao, dẫn đến lợi nhuận thấp. Thành lập tổ HTX việc thu mua nguyên liệu đầu vào tại một đầu mối với số lượng lớn, giảm chi phí đầu vào, hạn chế tình trạng thương lái ép giá. Mặt khác, HTX còn tham gia đổi công giúp nhau chăm sóc và thu hoạch. Từ đó cán bộ, hội viên trong HTX thực hiện tốt việc tương thân, tương ái, vừa giúp đỡ nhau trồng trọt, vừa nhắc nhở nhau đảm bảo vệ sinh môi trường, giữ gìn và phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ.

Chúng tôi được biết, ngay sau khi Hội CCB tổ chức ra mắt Tổ HTX trồng nhãn, Ngân hàng CSXH huyện Hòa Thanh đã hỗ trợ 100 triệu đồng để HTX mua cây giống, phân bón, máy phun thuốc và thuốc bảo vệ thực vật nên không chỉ hội viên mà các thanh viên trong gia đình hội viên cũng rất phấn khởi. Với mức đầu tư 74 triệu đồng/ha, thì sẽ cho thu hoạch khoảng 1,5 tấn quả, doanh thu khoảng 225 triệu đồng, trừ chi phí 74 triệu đồng, thu lãi hơn 150 triệu đồng/ha/năm.

Ông Nguyễn Hoàng Đức - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòa Thành phấn khởi nói với chúng tôi về mô hình Tổ HTX trồng nhãn của Hội CCB huyện áp dụng ở xã Trường Đông đang mang lại rất nhiều kinh nghiệm quý cho đia phương. Nhất là, nhìn vào vườn nhãn của Tổ HTX CCB vừa tươi tốt hơn, vừa không bị sâu bệnh, lại sai quả hơn, cho thu nhập cao hơn so với những vườn nhãn của các hộ khác, thì ai cũng muốn được vào HTX. Chắc chắn mô hình sẽ được nhân rộng  trong toàn tỉnh Tây Ninh.

Về phương hướng nhân rộng mô hình trong Hội CCB huyện, ông Bùi Văn Khắc - Chủ tịch Hội CCB huyện Hoà Thành nói: Gần tới huyện Hội sẽ xin chỉ đạo của Huyện ủy, tổ chức rút kinh nghiệm mô hình Tổ HTX trồng nhãn của CCB xã Trường Đông để phổ biến, khuyến khích các hội viên CCB trong toàn huyện tham gia vào HTX để không chỉ tổ chức sản xuất trồng trọt theo hướng bền vững, mà còn thực hiện tốt việc tương thân, tương ái trong cuộc sống, sinh hoạt, nhất là có điều kiện để bảo đảm vệ sinh môi trường, tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương; thiết thực lập thành tích chào mừng 30 năm Ngày thành lập Hội CCB Việt Nam.

T.H