PV: Thưa đồng chí Nguyễn Bá Thuyền, xin đồng chí cho biết tình hình oan, sai trong việc áp dụng luật hình sự, tố tụng hình sự trong thời gian vừa qua?
Đồng chí Nguyễn Bá Thuyền: Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng số vụ, số người phạm tội; phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, xảo quyệt. Nhưng Cơ quan điều tra (CQĐT), Viện Kiểm sát (VKS), Tòa án (TA) các cấp đã có nhiều nỗ lực, tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững ANCT, TTATXH. Về cơ bản hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Các cơ quan đã triển khai áp dụng nhiều biện pháp để chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, thiếu sót trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; nhờ đó tình hình oan, sai đã được hạn chế đáng kể so với trước đây. Tuy nhiên, so với yêu cầu cải cách tư pháp, yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 thì việc phòng chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm còn hạn chế, bất cập.
Các cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, điều tra 219.506 vụ với 338.379 bị can, nhưng số vụ làm oan người vô tội trong 3 năm có 71 trường hợp, chiếm 0,02% trong đó CQĐT đình chỉ 31 bị can do không có sự việc phạm tội, 12 bị can do hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm; VKS đình chỉ 9 bị can do không có sự việc phạm tội; 19 trường hợp TA tuyên không phạm tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật. Số người bị oan trên chủ yếu thuộc loại án giết người, cướp tài sản, hiếp dâm trẻ em không quả tang mà quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn và loại án về kinh tế do chủ quan của người tiến hành tố tụng nhận thức không đúng, chưa phân biệt được vi phạm pháp luật và hành vi phạm tội đã hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế thành các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; có một số trường hợp làm oan khác là do người tiến hành tố tụng áp dụng pháp luật đơn thuần, chỉ chú ý đến hậu quả xảy ra, không xem xét lỗi và điều kiện khách quan dẫn đến hành vi vi phạm trong các trường hợp như gây thương tích nhẹ, vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ…
Ngoài các trường hợp bị oan nêu trên, qua giám sát cho thấy tình trạng khởi tố, điều tra, đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án do hành vi không cấu thành tội phạm, do miễn trách nhiệm hình sự có dấu hiệu làm oan người vô tội. Chẳng hạn như: vụ Trần Văn Đề (Bình Phước) bị khởi tố, bắt giam về “Tội không chấp hành bản án” là sai, có dấu hiệu làm oan, vì bản án dân sự có hiệu lực pháp luật có những sai lầm, trong đó có nội dung buộc ông Đề phải làm thủ tục sang tên quyền sử dụng đất cho ông Trần Văn Năng trái với Luật Đất đai nên ông Đề không thể thi hành bản án đó (trách nhiệm này thuộc UBND huyện Chơn Thành). Vụ Đặng Công Văn, Bùi Văn Quỳnh (Ban quản lý chợ Đồng Xoài, Bình Phước) đã thi hành xong quyết định xử lý hành chính, xử lý kỷ luật được hơn 3 năm nhưng sau đó vẫn bị khởi tố về “Tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là sai, có dấu hiệu làm oan vì đã xử lý 2 lần cùng một hành vi vi phạm pháp luật.
Trong 3 năm còn để xảy ra 71 người bị oan và một số trường hợp khác có dấu hiệu bị oan đang được xem xét, giải quyết đã cho thấy tình hình làm oan người vô tội trong hoạt động tố tụng hình sự hiện nay còn nghiêm trọng. Các trường hợp làm oan đều là nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản của người dân bị oan; có một số vụ đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận, gây mất lòng tin của nhân dân đối với công lý, giảm sút uy tín của cơ quan bảo vệ pháp luật. Điển hình như vụ 7 thanh niên bị bắt giam oan trong vụ giết người, cướp tài sản xảy ra năm 2013 tại tỉnh Sóc Trăng.
Phần lớn các địa phương báo cáo trong nhiều năm chưa phát hiện thấy trường hợp nào làm oan người vô tội. Tuy nhiên, có một số địa phương lại để xảy ra nhiều trường hợp làm oan như các tỉnh Sóc Trăng (7 người), Khánh Hòa (6 người), Thanh Hóa (5 người), Vĩnh Phúc (4 người), Đắk Lắc (4 người), Cần Thơ (4 người), Bến Tre (3 người), Bình Phước (3 người), Quảng Trị (2 người), Cà Mau (2 người), Đà Nẵng (2 người) và một số địa phương khác mỗi tỉnh một người. Hầu hết các trường hợp bị oan trong những năm gần đây đều được các cơ quan có thẩm quyền tố tụng qua kiểm tra, phát hiện và cơ bản được khắc phục, xử lý ngay trong giai đoạn điều tra, truy tố. Nhưng cũng có trường hợp bị oan chưa được phát hiện, xử lý kịp thời, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người bị oan.
Qua giám sát cho thấy, một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà dư luận quan tâm thì có những vụ án đã xảy ra cách đây từ 7-10 năm, có vụ 16 năm (ngoài kỳ giám sát) nhưng gần đây mới được phát hiện.
Đối với một số vụ án khác được nhiều cử tri quan tâm như vụ: Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) bị kết án chung thân về các tội “giết người, cướp tài sản”; vụ Đỗ Minh Đức (Hải Phòng) bị kết án chung thân về tội “giết người”; vụ Hàn Đức Long (Bắc Giang) bị kết án tử hình về các tội “hiếp dâm trẻ em, giết người”, vụ Đỗ Thị Hằng (Bắc Giang) bị kết án 6 năm tù về tội “Mua bán phụ nữ” chưa có căn cứ xác định bị oan nhưng qua giám sát đã xác định các vụ án này có những vi phạm nghiêm trọng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Hiện nay các vụ án này đang được điều tra lại.

PV: Như vậy, việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Bá Thuyền: Trong kỳ, tổng số tiền phải bồi thường cho các trường hợp bị oan tuy không lớn (khoảng trên 30 tỷ đồng) nhưng nhiều trường hợp bồi thường còn chậm. Hiện đang có một số vụ người bị oan đề nghị bồi thường với số tiền rất lớn như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) 7,2 tỷ đồng; vụ ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) trên 22 tỷ đồng và kéo dài 9 năm đến nay chưa giải quyết xong. Tình trạng chậm bồi thường cho người bị oan trước hết thuộc trách nhiệm của cơ quan đã gây nên việc làm oan nhưng cũng có nguyên nhân do một số quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chưa thật hợp lý, như giao cho cơ quan có thẩm quyền tố tụng đã làm oan có trách nhiệm giải quyết bồi thường; buộc người bị oan phải có đơn yêu cầu mới giải quyết bồi thường; các giấy tờ làm căn cứ xác định bồi thường và thủ tục cấp kinh phí bồi thường còn phức tạp.

PV: Dự án Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) có hướng giảm bớt hình phạt tử hình, cụ thể như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Bá Thuyền: Giảm tử hình là một chủ trương lớn của Đảng nhằm bảo vệ các quyền con người, quyền công dân trên tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và xu hướng hội nhập quốc tế của nước ta. Vì vậy, các ý kiến đều thống nhất về quan điểm, tiêu chí giảm hình phạt tử hình cũng như chủ trương sửa đổi, bổ sung các quy định của BLHS về hình phạt tử hình. Tuy nhiên, về phương án đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với các tội danh cụ thể thì vẫn còn có ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất tán thành việc bỏ hình phạt tử hình đối với 7 trong số 22 tội danh có quy định hình phạt tử hình trong BLHS hiện hành (đó là các tội: cướp tài sản; phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người, tội phạm chiến tranh), đồng thời, bỏ hình phạt tử hình đối với tội tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy, chỉ giữ lại hình phạt tử hình đối với tội mua bán trái phép chất ma túy.
Theo loại ý kiến thứ hai thì ngoài các tội danh nêu trên, cần bỏ hình phạt tử hình đối với 3 tội danh: 1) sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; 2) tham ô tài sản; 3) nhận hối lộ, bởi vì, suy cho cùng thì các tội phạm này mang tính chất kinh tế, vì vụ lợi, người thực hiện hành vi phạm tội này nhằm mục đích thu lợi.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, chưa nên bỏ tử hình đối với tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia.
Chính phủ thấy rằng, hiện nay chúng ta đang nỗ lực đấu tranh không khoan nhượng tệ nạn tham nhũng. Vì vậy, việc đặt vấn đề bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ-hai tội phạm tham nhũng đặc trưng nhất, nghiêm trọng nhất là chưa phù hợp, sẽ dẫn đến cách hiểu là pháp luật nương tay với cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng. Đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, hiện nay đang khá phổ biến và tạo ra nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng cho tính mạng, sức khỏe của nhiều người. Do đó, cần tiếp tục duy trì hình phạt tử hình đối với tội phạm này. Đối với tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia thì đối tượng xâm hại của tội này là tài sản dưới dạng các công trình, phương tiện tuy có tầm quan trọng về an ninh quốc gia, nhưng thuộc nhiều hình thức sở hữu khác nhau. Do vậy, hình phạt tù chung thân đối với tội phạm này là đủ nghiêm khắc. Hơn nữa, thực tiễn cho thấy Tòa án không áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội này. Dự thảo Bộ luật thể hiện theo loại ý kiến thứ nhất, đồng thời, đối với các tội danh chưa bỏ hình phạt tử hình, dự thảo Bộ luật bổ sung quy định về việc áp dụng tù chung thân không giảm án đối với trường hợp người bị kết án tử hình được Chủ tịch nước ân giảm xuống tù chung thân nhằm bảo đảm rằng, những người này được giữ lại mạng sống nhưng bị cách ly hoàn toàn và vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội.
Liên quan đến việc bỏ hình phạt tử hình, cũng có ý kiến đề nghị ngoài các tội danh dự kiến bỏ hình phạt tử hình như đã nêu trên thì cần tiếp tục rà soát để mở rộng hơn nữa diện các tội danh bỏ hình phạt tử hình mà thay vào đó là hình phạt tù chung thân không giảm án với tính cách là giải pháp thay thế cho hình phạt tử hình.
PV: Xin cám ơn đồng chí.
Tô Kiều Thẩm (thực hiện)