Tháng 5 và tháng 6 vừa qua, nhiều người dân phát hoảng khi thấy hóa đơn tiền điện tăng đột biến, có hộ gia đình tăng gấp đôi, gấp ba tháng trước. Đối với gia đình công chức, trả vài triệu đồng tiền điện cho một tháng tất nhiên quá xót ruột. Kiểm tra công tơ điện, đối chiếu với hóa đơn, mọi thứ điều hợp lý. Quy định áp giá điện mới cho sử dụng điện sinh hoạt từ tháng 3 tăng cao phần lũy tiến đã tuyên truyền phổ biến, ai cũng rõ.
Hóa đơn tiền điện tăng đột biến trong tháng qua có 2 nguyên nhân. Thứ nhất, do vào mùa cao điểm nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện để làm mát tăng mạnh. Thứ hai, do bậc thang lũy tiến giá điện mới được áp dụng có mức giá ở một vài nhóm đối tượng cao hơn trước đây, nhất là những bậc thang cuối. Ngoài ra, có thể có nguyên nhân phụ và không phổ biến là độ chính xác của đồng hồ đo đếm và cách thức đọc ghi số điện… có thể khắc phục được.
Từ ngày 16-3, giá điện mới được áp dụng tăng 7,5% nhưng hai tháng nóng vừa qua, nhiều gia đình đã phải trả tiền điện tăng gấp 2-3 lần. Nhìn từ góc độ người tiêu dùng thì kêu trời kêu đất thì cũng phải trả tiền bởi vì người dân không thay đổi được giá điện đã quy định, không đòi được “nhà đèn” phải hạ giá điện. Trời nóng thế này, nhà đèn mà cắt điện thì có mà “chết”. Rõ ràng, để phải trả tiền điện mà không phát hoảng thì chỉ còn cách thay đổi hành vi sử dụng điện của mỗi hộ gia đình, mỗi cơ quan, đơn vị: Hạn chế, tiết kiệm khi dùng điện.
Nhiều nhà, đi ngủ, đi vắng mà đèn vẫn bật với ý nghĩ: để cho sáng sủa. Ti vi bật suốt đêm không ai xem mà chỉ để “dễ ngủ”. Điều hòa thì bật hết công suất mà lại đắp chăn để ngủ cho ngon. Có người còn “ninh” nước sôi bằng bếp điện vì lý do lãng xẹt là “quên”. Ở cơ quan thì hiếm khi thấy nhiệt độ trong phòng điều chỉnh lạnh trên 25o, mà toàn 18-20o… Người ta đã tính được, nhiệt độ điều hòa để cao 1 độ, điện năng tiêu thụ giảm 5-7%. Biết cân chỉnh, tăng giảm nhiệt độ phù hợp, với nguyên tắc chỉ đối phó với cái nóng hơn là thỏa mãn tối đa nhu cầu làm mát. Cách này đương nhiên sẽ giảm “thiệt hại” tài chính hơn. Ý thức tiết kiệm có nhưng cách thức tiết kiệm cũng cần thiết mới hiệu quả. Rất nhiều kiến thức về tiết kiệm điện đáng được học hỏi, áp dụng, vừa có lợi cho người tiêu dùng, vừa có lợi cho ngành điện. Cách tiết kiệm thiết thực nhất đó là lựa chọn thiết bị điện được đảm bảo tiết kiệm điện nhất, đồng thời tổ chức, lắp đặt hệ thống điện trong nhà một cách khoa học. Cung cấp ánh sáng cũng như các nhu cầu sử dụng điện khác vừa đủ, không lãng phí.
Sự lãng phí điện năng của một cá nhân không chỉ gây thiệt hại về tài chính cho cá nhân đó, mà ảnh hưởng chung đến toàn xã hội
Việc hóa đơn tiền điện tăng đột biến, nhìn theo góc độ phía “nhà đèn” thì do cách tính mọi thứ vào giá thành theo cách lũy tiến của ngành điện. EVN tính thất thoát điện năng trong khâu truyền tải vào giá thành là đúng nhưng nếu thất thoát do quản lý kém của ngành thì không thể bắt toàn dân phải chịu. Vậy cũng xin thưa với nhà đèn rằng, các vị kêu gọi người dân sử dụng các thiết bị điện tiết kiệm điện, lắp đặt thiết bị điện khoa học để không thất thoát điện năng. Vậy thì chính các vị cũng làm đúng như vậy để không bị lãng phí.
Người dân lãng phí điện thì phải móc túi trả tiền cho nhà đèn không thiếu một xu, nhưng nhà đèn lãng phí, thất thoát điện thì tăng giá điện để bù vào. Cuối cùng rồi người tiêu dùng cũng gánh hết. Như thế là không công bằng.
Mai Anh