Sau hơn 20 năm tổ chức triển khai thực hiện, đặc biệt là từ khi Quốc hội ban hành Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), chính sách BHYT ở Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng, thực sự đi vào cuộc sống, góp phần tích cực trong việc xóa đói giảm nghèo bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển và đã thu được một số kết quả đáng khích lệ. BHYT đối với dân số nước ta đã tăng từ 60% năm 2010 lên 65% năm 2011 và đến năm 2013 có trên 61 triệu người tham gia BHYT, đưa diện BHYT lên gần 70% dân số cả nước, tạo tiền đề vững chắc cho mục tiêu phát triển BHYT bền vững, tiến tới BHYT cho toàn dân.
Cùng với sự phát triển nhanh chóng số người tham gia BHYT, nguồn thu quỹ BHYT cũng đã có sự gia tăng đáng kể: năm 2009, trước khi thực hiện Luật BHYT, số thu BHYT đạt 14.400 tỷ đồng; sau một năm thực hiện Luật BHYT, năm 2010 quỹ BHYT đã thu được trên 25 nghìn tỷ đồng, năm 2011 số thu BHYT đạt gần 30 nghìn tỷ đồng và đến năm 2013 đã có số thu trên 46 nghìn tỷ đồng, bảo đảm nguồn tài chính ổn định, kịp thời để thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho người dân.
Có được những thành tựu đáng khích lệ nêu trên là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, T.Ư Đảng, Quốc hội và Chính phủ, sự hỗ trợ có hiệu quả của các bộ, ngành và các địa phương. Tuy đã đạt được một số kết quả nêu trên, trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHYT cũng tồn tại một số hạn chế, bất cập như: ý thức tự giác tham gia BHYT của một bộ phận người dân chưa cao, tính tuân thủ pháp luật về BHYT tại một số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân còn thấp, tỷ lệ tham gia của nhóm đối tượng này mới đạt 55%. Còn nhiều đơn vị trốn đóng, nợ đóng BHYT cho người lao động... Tình trạng lạm dụng quỹ BHYT vẫn chưa được khắc phục triệt để. Đặc biệt, thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã phát hiện một số cơ sở khám chữa bệnh có biểu hiện rõ nét việc trục lợi quỹ BHYT.
Để chính sách BHYT ngày càng hoàn thiện, phục vụ người dân ngày một tốt hơn, cần có những giải pháp đồng bộ, như: các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa đến chính sách BHYT; tích cực triển khai kế hoạch, chương trình thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khẩn trương xây dựng và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật BHYT vừa được Quốc hội thông qua, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Luật BHYT đồng bộ trên cả nước ngay từ khi Luật có hiệu lực thi hành vào ngày 1-1-2015. Nghiên cứu rà soát để sửa đổi, bổ sung danh mục thuốc BHYT, xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam và khả năng thanh toán của quỹ BHYT. Khẩn trương triển khai thực hiện thí điểm đấu thầu thuốc tập trung ở T.Ư và ở cấp tỉnh để từng bước quản lý giá thuốc thống nhất trên cả nước. Xây dựng và ban hành đầy đủ các quy trình chuyên môn, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị chuẩn nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh và kiểm soát chi phí, hạn chế tình trạng lạm dụng dịch vụ khám, chữa bệnh. Tăng cường đầu tư, phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh tuyến cơ sở, đưa khám, chữa bệnh BHYT đến gần dân và bảo đảm quyền lợi người tham gia BHYT…
Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn cần tiếp tục khắc phục, nhưng được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; sự phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo, điều hành của các bộ, ngành và địa phương, tin tưởng rằng chính sách BHYT sẽ ngày càng phát triển bền vững, sớm tiến tới BHYT toàn dân theo đúng lộ trình của Đề án BHYT toàn dân.
Dương Sơn