Cuộc khủng hoảng nợ công Châu Âu tiếp tục trở thành chủ đề được "mổ xẻ" tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G-20 vừa kết thúc (27-2, giờ Việt Nam) tại Mexico. Một Châu Âu phải nỗ lực hơn nữa trong hành trình hóa giải nợ công trước khi có thể nhận được hỗ trợ từ bên ngoài là quan điểm nhận được sự đồng tình của các nhà nắm hầu bao G-20 tham dự hội nghị. Những nhà máy lọc dầu đang tăng công suất hoạt động nhằm cải thiện tình trạng giá dầu cao đe dọa sự hồi phục kinh tế thế giới. Trong bối cảnh phải quay cuồng chạy tiền để giải ngân các gói giải cứu liên tiếp cho những quốc gia gặp nạn, lời kêu gọi Châu Âu phải tăng thêm nguồn lực cho quỹ cứu trợ để nhanh chóng kiểm soát được cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng từ G-20 là một thách thức không nhỏ với Lục địa già hiện nay. Đây cũng là điều kiện cần thiết để 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới xem xét việc cấp thêm tiền cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để tổ chức tài chính này chung tay ứng phó với cuộc khủng hoảng nợ công Châu Âu. Tuy nhiên, thật khó để nhận được sự hào phóng vào lúc này khi hầu khắp các nền kinh tế và cả Châu Âu đang lâm vào trì trệ. Do vậy, Châu Âu dù đã nỗ lực nhưng vẫn chưa thực sự thuyết phục được cộng đồng quốc tế rằng những biện pháp mà họ đã tung ra sẽ dập tắt được ngọn lửa khủng hoảng đang ngùn ngụt cháy. Bằng chứng là, ngay cả sau khi được giải nguy bằng gói cứu trợ thứ hai, trị giá 130 tỷ euro, Hy Lạp vẫn bị cơ quan đánh giá tín dụng quốc tế Research Ratings hạ tín nhiệm từ "CCC" xuống "C". Mức không thể thấp hơn mà Athens vừa "nhận" là dấu hiệu mới nhất cho thấy Hy Lạp vẫn chưa lùi xa bờ vực vỡ nợ là bao cho dù đã được giải cứu. Với Châu Âu, cuộc khủng hoảng nợ công đã bước sang năm thứ năm tại Hy Lạp chưa phản ứng tích cực với các giải pháp tài chính tổng lực của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) quả thật đáng lo ngại. Với thế giới, kỷ lục buồn mà Hy Lạp đang chiếm hữu cũng gây hoảng hốt không kém. Nếu Athens có mệnh hệ nào, không chỉ Châu Âu sẽ rối bời mà còn khiến nền kinh tế thế giới phải hứng chịu những tác động khó lường. Thế nên, Châu Âu phải bằng mọi cách "lập rào chắn" để cô lập cơn khủng hoảng tại Hy Lạp bằng cách bơm thêm tiền cho Cơ chế bình ổn Châu Âu (ESM) cũng như gia tăng các chương trình cải cách cơ cấu của G-20 thể hiện rõ quan ngại của những cường quốc hàng đầu thế giới trước nguy cơ "cháy thành vạ lây". Đề cao sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia nhằm giải quyết khủng hoảng, cuộc tập hợp của các nhà tài chính, ngân hàng hàng đầu G-20 ở Mexico vừa khép lại đã một lần nữa xem sự đan xen giữa cố gắng đơn phương và nỗ lực đa phương nhằm tìm ra hướng đi mới cho mỗi nền kinh tế nói riêng và kinh tế thế giới nói chung là một yếu tố quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Cho dù chưa một cam kết cụ thể nào được tiết lộ, song sự nhìn nhận những thách thức từ Châu Âu của G-20 tại hội nghị vừa kết thúc mang đến niềm tin rằng Hội nghị Thượng đỉnh G-20 vào tháng 6 tới tại Mexico đã có sự chuẩn bị cần thiết. Thế giới hy vọng đến thời điểm đó, các nhà lãnh đạo G-20 sẽ có những đồng thuận tích cực trong việc ổn định và giữ đà khôi phục kinh tế còn mong manh của thế giới; đồng thời khẳng định vị thế mới của tổ chức này trên bản đồ chính trị và kinh tế toàn cầu. Linh Anh (TH)