Nạn nhân bom mìn Trương Hồng Hoàn (xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) vươn lên trong cuộc sống với nghề sửa chữa điện.

Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, từ năm 1975 đến nay, bom mìn còn sót lại sau chiến tranh phát nổ đã làm hơn 4 vạn người chết, 6 vạn người bị thương, trong đó phần lớn nạn nhân là lao động chính trong gia đình và trẻ em. Mặc dù, công tác rà phá bom mìn được đẩy mạnh, nhưng số bom đạn còn sót lại hiện nay khoảng 800 nghìn tấn, nằm rải rác trên tổng diện tích khoảng 6,1triệu ha, chiếm 18,82% tổng diện tích của cả nước.

Trước thực trạng này, Nhà nước có nhiều chính sách khắc phục hậu quả bom mìn, quan tâm và hỗ trợ cho các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi hậu quả bom mìn gây ra. Hiện nay, toàn bộ các xã, phường, thị trấn toàn quốc đã tiến hành xác định, phân loại, xếp hạng và cấp thẻ cho người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng và khuyết tật nhẹ, trong đó có nạn nhân bom mìn, nạn nhân chất độc hóa học.

Trong chăm sóc y tế và phục hồi chức năng cho người khuyết tật, gồm nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học, Bộ LĐTBXH phối hợp Bộ Y tế tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó quy định về phục hồi chức năng và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Đồng thời, Luật Bảo hiểm y tế được sửa đổi, trong đó có mục tiêu tăng phạm vi và độ bao phủ chi trả bảo hiểm y tế cho người khuyết tật. Mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và phục hồi chức năng cho nạn nhân bom mìn đang tích cực phát triển. Hiện toàn quốc có 425 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 73 cơ sở chăm sóc cho người khuyết tật, bao gồm nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học và 45 Trung tâm Công tác xã hội chuyên biệt.

Để cải thiện chất lượng cuộc sống của nạn nhân bom mìn, giúp họ tái hoà nhập cộng đồng và tự vươn lên trong cuộc sống, các bộ, ngành và các địa phương tích cực triển khai nhiều mô hình sinh kế hỗ trợ cây giống, con giống, công cụ, phương tiện, cơ sở vật chật... giúp nạn nhân bom mìn, vật liệu tổ chức lao động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, họ còn được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm; hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ tín dụng để sản xuất, kinh doanh. Hằng tháng, ngân sách Nhà nước đã bố trí cho địa phương 17.517 nghìn tỷ đồng để thực hiện Nghị định số 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và 131 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với người khuyết tật.

Đối với giáo dục nghề nghiệp và tạo việc làm, thời gian qua, hơn 2 vạn người khuyết tật, bao gồm nạn nhân bom mìn, đã được hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng tại các cơ sở giáo dục nhà nước. Cả nước đã giải quyết việc làm cho hơn 1,5 triệu lao động, trong đó có khoảng 10% là người khuyết tật, nạn nhân bom mìn.

Đặc biệt, những hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” (KOICA) giúp cho nhiều nạn nhân bom mìn giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống.

Tại tỉnh Bình Định, các trường hợp nạn được xét hỗ trợ sinh kế là người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, chưa từng nhận hỗ trợ sinh kế trước đó, có đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi và cam kết thực hiện theo yêu cầu của Dự án, đối ứng nếu chọn con giống mà kinh phí nhiều hơn mức dự án hỗ trợ. Mức hỗ trợ bao gồm: 15,5 triệu đồng/con bò, 12.000 đồng/con gà và 3,5 triệu đồng/con heo. Cùng với việc nhận con giống, nạn nhân bom mìn trong diện thụ hưởng còn được cấp thức ăn chăn nuôi, tiêm phòng cho con giống và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bền vững.

Trong năm 2021, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Bình tổ chức nhiều hội nghị tập huấn nâng cao năng lực trong sản xuất chăn nuôi cho 210 cá nhân/hộ gia đình nạn nhân bom mìn trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung hướng dẫn một số kỹ thuật về chăn nuôi và chăm sóc bò, lợn, gà...; xây dựng kế hoạch chăm sóc con giống vật nuôi và ký cam kết về quá trình tham gia của bản thân với Dự án đảm bảo quy trình nội dung đề ra. Việc bàn giao con giống, thức ăn và thuốc thú y cho các nạn nhân bom mìn bằng hình thức “tay 4’’ (bao gồm: Trung tâm Bảo trợ xã hội, đại diện UBND cấp xã, đại diện đơn vị cung cấp và đối tượng/đại diện hộ gia đình nạn nhân bom mìn) đảm bảo đúng chất lượng, trình tự quy định của Dự án.

Hướng đến là tỉnh đầu tiên của Việt Nam “an toàn” không còn tai nạn bom mìn vào năm 2025, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Trị đặt mục tiêu bình quân mỗi năm rà phá được khoảng 3.000ha đất ô nhiễm bom mìn; vận động viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài 10 triệu USD/năm để khắc phục hậu quả bom mìn; hoàn thành 100% hoạt động khảo sát bom chùm và công bố các khu vực xác định nguy hiểm do ô nhiễm bom mìn. Hằng năm, có 60.000 lượt người được tiếp cận chương trình giáo dục phòng, tránh bom mìn; từ 1.300-1.500 nạn nhân và gia đình nạn nhân bom mìn được hỗ trợ về y tế, phát triển sinh kế. Phấn đấu đến năm 2025, tất cả trường học trên địa bàn tỉn+h đều đưa chương trình giáo dục phòng, tránh bom mìn vào dạy học tích hợp trong các môn học.

Rất nhiều nạn nhân bom mìn, người khuyết tật trên cả nước đang từng ngày phải vượt lên nỗi đau để ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Trong hành trình ấy, họ nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, sự chung tay, chia sẻ của cộng đồng và doanh nghiệp. Dù số tiền hỗ trợ không lớn nhưng đã tạo được chiếc “cần câu” giúp các nạn nhân bom mìn từng bước vượt qua khó khăn, có cơ hội cải thiện sinh kế, tạo dựng được cuộc sống tốt đẹp hơn.

Hồ Thanh Hương