Từ nguồn vốn Quỹ “Nghĩa tình đồng đội", Hội CCB huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk bàn giao bò sinh sản cho hội viên Huỳnh Văn Kiệt. Sau 3 năm, khi đã có bê con, Hội thu hồi bò mẹ và luân chuyển cho gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn khác trên địa bàn nuôi để phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo.

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về xóa đói giảm nghèo, được các tổ chức quốc tế và các nước đánh giá cao về sự quyết tâm chống nghèo đói của Đảng và Nhà nước ta.

Theo kết quả khảo sát mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều liên tục giảm trong giai đoạn 2016-2022. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2022 là 4,3%, giảm 0,1% so với năm 2021 và giảm bình quân 0,81% trong giai đoạn 2016-2022.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động toàn xã hội để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo với tổng nguồn lực khoảng 120.000 tỷ đồng. Riêng năm 2023, kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo đã phân bổ từ ngân sách T.Ư là 12.692 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 902,778 tỷ đồng.

Các cấp ủy Đảng và chính quyền tại các địa phương đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững trên địa bàn các xã... Nhờ đó, nhiều bản, làng đổi thay nhanh chóng, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao. Nhiều hộ dân nỗ lực vươn lên thoát khỏi diện hộ nghèo.

Tuy nhiên, ở một số địa phương, mặc dù đã đề ra những giải pháp thiết thực, mang tính đột phá trong chính sách khuyến khích thoát nghèo, hỗ trợ “có điều kiện” các doanh nghiệp tạo việc làm cho người nghèo, nhưng quá trình triển khai thực hiện lại gặp không ít khó khăn. Như ở tỉnh Quảng Nam, Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh đề ra chính sách hỗ trợ 50% lãi suất cho doanh nghiệp khi nhận lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo vào làm việc, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Nguyên nhân do ngành chức năng chưa có văn bản hướng dẫn triển khai cụ thể; thiếu sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan liên quan ở một số địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát, thẩm tra kết quả đăng ký thoát nghèo; công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách ở một số xã còn chậm; thông tin tuyên truyền về nội dung này đến đối tượng thụ hưởng ở nhiều địa phương còn hạn chế…

Bên cạnh đó, còn nhiều hộ nghèo có tâm lý trông chờ, ỷ lại, lâu dần mang tâm lý “sợ thoát nghèo” để được thụ hưởng “quyền lợi” như: Miễn phí 100% chi phí mua bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền ăn khi đi bệnh viện, giảm tiền khám, chữa bệnh, tiền điện thắp sáng, miễn học phí cho học sinh, sinh viên, giảm lãi suất khi vay vốn ngân hàng, được các quỹ tài trợ, cấp vốn, được nhận quà từ các nhà hảo tâm mỗi dịp lễ, Tết... Đáng buồn hơn nữa, tư tưởng này không chỉ tồn tại ở người dân mà còn ở cả một bộ phận cán bộ, lãnh đạo địa phương, vì vậy, có hiện tượng cán bộ, lãnh đạo thực hiện công tác quản lý, công tác điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa khách quan, trung thực, chưa đúng theo quy định, đưa người thân vào danh sách hộ nghèo để được hưởng quyền lợi.

Nhằm nâng cao ý thức thoát nghèo của người dân và từng bước giảm dần và bãi bỏ những chính sách hỗ trợ “cho không”, cần tăng cường chính sách hỗ trợ “có điều kiện” như cho vay hoặc ra điều kiện kèm theo.

Hiện nay, nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH thực sự điểm tựa vững chắc và là động lực quan trọng giúp các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trang trải cuộc sống, tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. xây dựng tổ chức thực hiện thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách thông qua hoạt động ủy thác cho. Ngân hàng CSXH phối hợp với chính quyền cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội (Hội CCB, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và Đoàn Thanh niên) xây dựng, quản lý 168.464 tổ tiết kiệm và vay vốn đến từng thôn, ấp, bản, làng, tổ dân phố. Tổ tiết kiệm và vay vốn là “cánh tay nối dài”, cầu nối giữa ngân hàng với người vay vốn, hoạt động nề nếp, hiệu quả với phương thức “giao dịch tại nhà; thu nợ, giải ngân tại xã” tại 10.438 điểm giao dịch xã trên địa bàn cả nước.

Các hộ gia đình còn được nhận các hỗ trợ khác để giúp họ thoát nghèo như gia súc hoặc trang thiết bị lao động, sản xuất từ các nguồn lực xã hội hóa với phương thức quay vòng. Nổi bật là các mô hình do các cấp Hội CCB thành lập để giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn như: Quỹ “Nghĩa tình đồng đội” hỗ trợ hội viên nghèo vay vốn phát triển sản xuất với lãi suất “0 đồng”; với mô hình nuôi bò giống sinh sản, hội viên được giữ lại bê và chuyển bò mẹ cho hộ khó khăn khác nuôi…

Nghèo đói xuất phát từ nhiều nguyên nhân, do nguồn lực hữu hạn không thể hỗ trợ dàn trải, vì vậy cần tập trung cho các nhóm mục tiêu để giải quyết nghèo cùng cực như: y tế và giáo dục. Ở một số quốc gia, để nhận được tiền trợ cấp khó khăn, các hộ gia đình phải đáp ứng các tiêu chí cụ thể như khám sức khỏe định kỳ cho phụ nữ và trẻ em, gia đình có con trong độ tuổi đến trường phải được đi học…

Việc giảm dần chính sách hỗ trợ “cho không”, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng sẽ giúp tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo, đồng thời ưu tiên tăng nguồn lực đầu tư phát triển vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, huyện nghèo, xã nghèo, xã, thôn bản đặc biệt khó khăn…

Hồ Thanh Hương