Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là địa bàn có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng về KTXH, ANQP với 40.000km2, 17 triệu người, là nơi cung cấp 90% sản lượng gạo, 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu cho đất nước… Bên cạnh những lợi thế mà thiên nhiên đem lại, ĐBSCL cũng thường xuyên phải đối phó với lũ lụt với sự tàn phá về mùa màng, nhà cửa, con người. Sau nhiều năm bị lũ lụt hoành hành, gây nhiều thiệt hại về người và của, nhất là trận lũ lịch sử năm 2000 ở ĐBSCL với hàng trăm nghìn ngôi nhà bị chìm trong biển nước với 480 người chết và mất tích… Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định triển khai từ năm 2001 để hạn chế tối đa thiệt hại do lũ gây ra, đảm bảo chố ở an toàn, ổn định cho các hộ dân trong vùng thường xuyên bị ngập lũ, tạo điều kiện cho người dân sinh sống an toàn, ổn định và từng bước tiến tới phát triển bền vững.
Tại Hội nghị tổng kết Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL được tiến hành tại Hậu Giang những ngày vừa qua cho thấy, với sự đầu tư to lớn của Nhà nước, sự nỗ lực của các địa phương, Chương trình đã đạt được hiệu quả cao về KTXH. Kết quả thực hiện Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vùng lũ ĐBSCL giai đoạn 1 (2001-2008) với tổng kinh phí gần 5.770 tỷ đồng tại các địa phương Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Long An và TP. Cần Thơ đã thực hiện được 804 dự án cụm, tuyến dân cư và bờ bao đê đảm bảo chỗ ở cho 146.000 hộ dân đang phải sống trong vùng ngập lũ. Trong giai đoạn 2 (2008-2014), các địa phương đã triển khai thực hiện 178/179 dự án, hoàn thành tôn nền 126 cụm, tuyến và 48 bờ bao (đạt 97%); hoàn thành xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt tại 107/130 cụm, tuyến dân cư cần xây dựng (đạt 82%). Đã có 49.540/56.510 hộ dân thuộc đối tượng của Chương trình được đảm bảo an toàn về nhà ở trong các cụm, tuyến và bờ bao (đạt 88%); trong đó có 27.185 hộ vào ở trong cụm, tuyến và 22.355 hộ được đảm bảo an toàn trong các bờ bao. Qua hai giai đoạn thực hiện (2001-2008 và 2008-2014), Chương trình này đã mang lại hiệu quả KTXH to lớn, góp phần đảm bảo an toàn về sinh mạng cũng như của cải, tạo nên cuộc sống an toàn, từng bước ổn định cho người dân vùng lũ. Cho đến nay, Chương trình này đã giải quyết chỗ ở cho khoảng 200.000 hộ dân (tương đương 1 triệu người). Ngoài việc được bố trí chỗ ở an toàn, người dân trong các khu vực này còn được chính quyền địa phương quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông, trường học, trạm xá, điện, nước sinh hoạt, lồng ghép các chương trình xóa đói giảm nghèo, đào tạo nghề và giải quyết việc làm với tổng vốn đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng. Sau thời gian thực hiện hai giai đoạn của Chương trình, đến nay kết quả đạt được đã mang lại những hiệu quả rõ rệt, qua các trận lũ lớn, hầu hết các cụm, tuyến dân cư đã đảm bảo an toàn cho sinh mạng người dân và tài sản, thiệt hại về người và tài sản qua các mùa lũ được hạn chế đến mức thấp nhất, chỉ bằng 1/10 so với những năm trước đây, tiết kiệm được nhiều kinh phí di dời và hỗ trợ người dân khi xảy lũ. Tuy nhiên, sau khi hết hạn thực hiện giai đoạn 2 của Chương trình (31-12-2014), trên toàn vùng vẫn còn 8.410 hộ dân thuộc đối tượng của Chương trình chưa xây dựng được nhà ở, tương đương số tiền cần vay 168 tỷ đồng, phát sinh 63 cụm, tuyến dân cư và 89 bờ bao để đảm bảo an toàn cho gần 61.000 hộ dân mong muốn được trợ giúp vào ở trong các cụm, tuyến dân cư; hỗ trợ người dân có điều kiện mua nhà trong các cụm, tuyến…
Để tạo điều kiện cho các địa phương vùng ĐBSCL hoàn thành các chỉ tiêu đề ra và đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng về chỗ ở của người dân, ngay tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý kéo dài chương trình này đến năm 2020. Hy vọng, với sự đầu tư to lớn của Nhà nước, với bề dày kinh nghiệm và sự nỗ lực của chính quyền và người dân các địa phương, cuộc sống của người dân trong các khu vực bị lũ ở ĐBSCL ngày càng được cải thiện, ổn định và phát triển ngay trong những khoảng thời gian “sống chung với lũ”.
Thu Hà