Biểu hiện của bệnh
Các chuyên gia y tế cho rằng: Để nhận biết người cao tuổi mắc bệnh sa sút trí tuệ không phải dễ. Bởi nhìn bề ngoài người bệnh trông vẫn có vẻ ổn nên dễ bị bỏ sót, không phát hiện sớm được. Thường những người sống gần bệnh nhân như con, vợ (chồng) mới là những người sáng suốt phát hiện bệnh.
Tuy nhiên, một số biểu hiện sau sẽ giúp người cao tuổi và những người xung quanh nhận biết mình đã mắc phải bệnh sa sút trí tuệ. Biểu hiện đầu tiên thường gặp nhất của sa sút trí tuệ đó là mất trí nhớ gần. Tức là người bệnh thường quên và không nhớ lại được. Người bệnh thường lập đi lập lại một câu hỏi. Thậm chí họ có thể quên ngay những điều vừa mới nghe hoặc những điều vừa mới dự định làm. Họ cảm thấy khó khăn trong việc thực hiện các công việc quen thuộc như: Không nhớ thời gian ăn uống hoặc không thể tự ăn uống. Nặng nề hơn, người bệnh không thể tự làm vệ sinh cá nhân, cần có sự giúp đỡ của người khác.
Người bệnh có thể quên cả những từ đơn giản hoặc dùng từ không đúng, điều này làm cho người khác khó hiểu được ý họ muốn nói; hoặc người bệnh có thể bị rối loạn phát âm, loạn định hướng như nói lắp, nói khó; gặp rắc rối trong các vấn đề về tư duy, không nhận ra được các con số hoặc phép tính đơn giản…
**
Phương pháp điều trị bệnh**
Trao đổi về phương pháp điều trị bệnh sa sút trí tuệ, bác sĩ, thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình, Khoa Tâm thần kinh, Viện Lão khoa T.Ư cho biết: Hội chứng quên ở người già được chia làm 2 loại: Sinh lý và bệnh lý.
Đối với người bệnh từ 65 tuổi trở lên thì tốc độ già hóa sẽ tiến triển gọi là già hóa sinh lý. Người cao tuổi có các biểu hiện quên nhưng chưa khác biệt so với người cùng tuổi gọi là quên lành tính ở người già. Ngược lại, người bệnh có nhiều khác biệt hơn so với người cùng tuổi gọi là quên bệnh lý, thường gọi là sa sút trí tuệ.
Trong phương pháp điều trị, nếu chứng quên lành tính, chúng ta có thể tập luyện bằng các hoạt động thể dục và hoạt động trí óc; nếu quên bệnh lý thì phải tìm nguyên nhân. Ví dụ nguyên nhân sa sút trí tuệ do thể Alzheimer, các bác sĩ sẽ áp dụng dùng thuốc và kết hợp các bài tập thể dục và trí óc cho bệnh nhân. Ngoài ra, các bệnh sa sút trí tuệ có nguyên nhân thì phải tìm nguyên nhân để điều trị.
Bác sĩ, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình cũng cho biết, bệnh sa sút trí tuệ khá phổ biến ở người cao tuổi. Dẫu chưa có thuốc đặc hiệu nhưng cùng với các thuốc hỗ trợ thần kinh kết hợp với sự chăm sóc tốt của gia đình và xã hội, sẽ giúp cải thiện trí nhớ và làm chậm quá trình lão hóa cũng như sa sút trí tuệ ở người cao tuổi.
Vũ Minh