Bằng tâm huyết, trí tuệ và với trách nhiệm, ý thức công dân, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến xác đáng, chất lượng và thiết thực vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Phó Giáo sư-tiến sỹ Huỳnh Thành Đạt, Phó Giám đốc Thường trực Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh ý nghĩa của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là cuộc sinh hoạt chính trị quan trọng, sâu rộng của đất nước.

Cuộc sinh hoạt không chỉ thể hiện và phát huy được giá trị “Dân là chủ” và “Dân làm chủ” mà còn khơi dậy, phát huy cao độ nhiệt huyết và tinh hoa trí tuệ của cả dân tộc, trong đó có đội ngũ trí thức trong công việc vô cùng hệ trọng: sửa đổi, hoàn thiện Hiến pháp.

Nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội, Phó Giáo sư-tiến sỹ Vũ Văn Phúc, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản nêu rõ đây không phải là mong muốn chủ quan duy ý chí của một cá nhân hay một tổ chức nào, mà được đúc kết, được kiểm nghiệm bởi một thực tế hiển nhiên là một đảng từ hai bàn tay trắng đã lãnh đạo toàn dân tộc làm cuộc khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công giành chính quyền về tay nhân dân. Đảng đã lãnh đạo công cuộc đổi mới tạo ra những thành tựu ấn tượng về kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, xã hội... được cả thế giới thừa nhận và khâm phục, thì Đảng đó có đủ tín nhiệm, đủ trí tuệ, bản lĩnh, niềm tin... để lãnh đạo toàn dân Việt Nam tiếp tục tiến bước theo con đường đã chọn, đưa dân tộc ta lên đài vinh quang, đưa đất nước sánh vai với các cường quốc trên thế giới.

Đề cập tới vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng tại Điều 4 của Hiến pháp, ông Trần Trọng Tân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương khẳng định Hiến pháp tiếp tục xác định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội là rất cần thiết. Thực tế trong xã hội có lực lượng của nhiều tổ chức chính trị-xã hội như Đảng cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội... thì phải xác định lực lượng nào là lực lượng lãnh đạo.

Hiến pháp xác định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội giao trọng trách cho Đảng trong việc xây dựng bộ máy Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh của dân tộc và thời đại để bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Phó Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Tấn Phát, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng Điều 4 trong Hiến pháp là yêu cầu tất yếu của lịch sử đương đại Việt Nam, nhưng về câu chữ có thể chỉnh sửa để hoàn thiện hơn.

Theo ông, nên rút gọn khổ văn thứ nhất của Điều 4 mà vẫn không thay đổi ý như sau: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong đồng thời là đại biểu trung thành của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam hành động, lãnh đạo đất nước dựa trên nền tảng liên minh công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức.”

Bày tỏ sự nhất trí cao với Điều 4 của Hiến pháp, Phó Giáo sư-tiến sỹ, Nhà giáo nhân dân Huỳnh Văn Hoàng khẳng định ở Việt Nam chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới đủ uy tín, trí tuệ, khả năng tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc, lãnh đạo đất nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Vì vậy, Điều 4 trong Hiến pháp vừa là niềm tin, lòng tự hào của dân tộc đối với Đảng, vừa là trách nhiệm của Đảng đối với nhân dân.

Viện sỹ, tiến sỹ Nguyễn Chơn Trung nhận xét về tính đúng đắn của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã khẳng định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng tại Điều 4.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều nhà khoa học, nhà quản lý khác đã có nhiều đóng góp ý kiến vào việc sửa đổi Hiến pháp trong các quy định về giới hạn quyền con người, quyền công dân, quyền sống; về đại biểu quốc hội; về mô hình bảo hiến và các quy định về trường hợp Nhà nước thu hồi đất; quy định về tài sản thuộc sở hữu toàn dân; về mở rộng trụ cột khối đại đoàn kết dân tộc; tạo bước đột phá trong tư duy phát triển giáo dục; về chính quyền đô thị.../.

Theo Vietnam+

(TH)