Nhờ tăng cường tuyên truyền, người dân đến khám bệnh tại trạm y tế có ý thức rửa tay phòng, chống bệnh
Bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 17 của nước ta là một người xuất thân giàu có, trình độ không rõ nhưng không phải là thấp, vậy mà đi du lịch vào những vùng có dịch, về nước khi nghi ngờ bản thân nhiễm bệnh và đã tự cách ly tại gia. Vậy nhưng, chính người này cũng không ngờ, mình là tác nhân làm lan truyền dịch bệnh cho những người thân xung quanh, đẩy cả nước phải bước vào cuộc phòng, chống dịch Covid-19 đợt mới, khi mà chỉ ít ngày nữa đất nước đã đủ điều kiện tuyên bố hết dịch.
Rõ ràng, đây là một bài học về ý thức tự giác trong phòng, chống dịch bệnh. Đây cũng là minh chứng cho thấy, cuộc sống thời hiện đại, mối liên quan giữa một cá nhân với cộng đồng mật thiết đến mức nào. Chỉ một cá nhân chủ quan, thiếu ý thức trong phòng, chống dịch có thể đẩy cả đất nước trước nguy cơ không nhỏ. Chúng ta tự tin rằng, với quyết tâm của cả thống chính trị, với kinh nghiệm và bản lĩnh sẵn có, đất nước ta nhất định sẽ vượt qua, đẩy lùi dịch Covid-19 một lần nữa. Tuy nhiên, từ câu chuyện của cô gái N.T.H.N - bệnh nhân thứ 17 nhiễm Covid-19 đặt ra vấn đề giáo dục ý thức phòng, chống dịch bệnh cho công dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng tuyên bố: Sẵn sàng hy sinh một phần lợi ích kinh tế để đảm bảo sức khỏe cho người dân. Để thực hiện quyết tâm ấy, các cơ quan chức năng từ T.Ư đến địa phương đã triển khai kiểm soát chặt chẽ người qua lại đường mòn, lối mở tại các tỉnh biên giới; thực hiện nghiêm các giải pháp về quản lý, kiểm soát phòng, chống dịch trong các hoạt động hàng không, du lịch, vận chuyển hàng hóa qua biên giới; cấm tụ tập đông người và tạm dừng tổ chức các lễ hội truyền thống chưa khai mạc; Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền tác hại của dịch bệnh và hướng dẫn cách phòng tránh, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình...
Mọi ngõ ngách để chặn dịch đã được làm ráo riết. Thế giới khâm phục và đề cao quyết tâm cũng như hiệu lực, hiệu quả ngăn chặn dịch bệnh của Việt Nam. Vậy mà, chỉ một công dân thiếu ý thức đã gây ra một đợt dịch mới, lại giữa Thủ đô, gây ra rất nhiều hệ lụy, không chỉ tổn hại cho nền kinh tế mà còn khiến cảm giác bất an trong nhân dân tăng lên rất cao.
Thật may, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính tri, bước đầu, chúng ta đã nhanh chóng phát hiện và thực hiện cách ly những người có nguy cơ gây nhiễm, “lần từng nhà, rà từng người” để chặn đứng tình trạng lây lan trong cộng đồng.
Nhà thơ Hữu Thỉnh từng viết: “Chẳng có ai dạy hoa/ Nở cách nào thì thắm”. Ý thức phòng, chống dịch bệnh cho mình và cho cộng đồng từ lâu đã được coi là vấn đề đạo đức, lương tri của con người. Về bản chất, đạo đức, lương tri là cái in sẵn trong lòng con người. Lương tri là điều không cần học. Nhưng để có được nó, con người phải trải qua một hành trình nhọc nhằn ghê gớm. Nhỏ như chuyện “nhặt được của rơi, trả người đánh mất”, lớn là tự nguyện, tự giác, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn cuộc đời, như sẵn sàng lên đường tòng quân đánh giặc bảo vệ độc lập, chủ quyền của Tổ quốc chẳng hạn. Bổn phận làm người phải như vậy. Có người đã nói rằng, đạo đức luôn mang hình thức mệnh lệnh của trái tim, hoàn toàn không bị chi phối bởi tự tư, tự lợi mà luôn được thực hiện của sự tự giác.
Phòng, chống dịch bệnh cũng vậy. Muốn thành công, phải là việc làm tự giác của mọi công dân. Chỉ một vài cá nhân thiếu ý thức tự giác, thảm họa có thể sẽ đến với cả cộng đồng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Hiền dữ đâu phải là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Theo đó, ngay cả đạo đức, lương tri của con người cũng cần được giáo dục, chứ không thể trông chờ vào sự học tập, rèn luyện tự phát của mỗi công dân. Thực tiễn công cuộc phòng, chống dịch bệnh hiện nay càng chứng tỏ đều này. Một xã hội văn minh phải là một xã hội có kỷ cương “mình vì mọi người, mọi người vì mình” trong phòng, chống dịch bệnh. Vì lẽ đó, giáo dục ý thức tự giác cho công dân và tiến hành các biện pháp mạnh như cách ly bắt buộc, phong tỏa... phải được tiến hành đồng thời và không có ngoại lệ.
Nguyễn Hồng
(*) Theo ý Lời Hồ Chí Minh.