CCB Đặng Ngọc Nga (thứ ba phải sang) cùng đồng đội đưa gia đình liệt sĩ đi tìm hài cốt.

Suốt 10 năm qua, lặn lội rừng sâu núi đỏ, không ngại nắng mưa, CCB Đặng Ngọc Nga (khối phố An Đông, thị trấn Tân Bình, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) cùng đồng đội đã tìm và khai quật quy tập được hàng trăm hài cốt liệt sĩ. Với những liệt sĩ chưa có danh tính, ông tự nguyện chịu trách nhiệm quy tập về nghĩa trang liệt sĩ, một tay chăm lo hương khói.

Niềm hạnh phúc mặn chát nước mắt của thân nhân liệt sĩ được đón người thân trở về với quê hương luôn là nguồn động viên giúp CCB Đặng Ngọc Nga vững bước trên hành trình tìm đồng đội.

CCB Đặng Ngọc Nga thu thập thông tin của liệt sĩ từ thân nhân, CCB và người dân địa phương. Chỉ cần có manh mối là ông cùng đồng đội lại lên đường. Hầu như hài cốt của những người lính được chôn chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa. Nhiều chuyến đi như “tìm kim đáy biển” bởi các nhân chứng tuổi đã cao, trí nhớ giảm sút, sức khỏe không đảm bảo để cùng đến thực địa; hơn nữa, do bom đạn cày xới, mưa lũ, cây cối che phủ khiến địa hình thay đổi... Có những nơi rừng núi hiểm trở, cả đội phải gùi tư trang và lương thực, đi bộ hàng chục cây số, dựng lán ngủ qua đêm cả tuần.

Trên trang Facebook cá nhân mang tên, ông chủ yếu đăng tải thông tin về liệt sĩ. Những bức ảnh chân dung, những tấm bia mộ, một số hiện vật, giấy tờ liên quan tới liệt sĩ... do ông trực tiếp chụp lại để cung cấp thông tin nhiều nhất có thể. Ngoài ra, ông Nga còn cung cấp thông tin tới một số trang mạng chuyên tìm mộ liệt sĩ với mong muốn nhờ sức lan tỏa rộng khắp của cộng đồng mạng, người thân của liệt sĩ sớm biết thông tin.

Mỗi khi tìm được mộ đồng đội tại nghĩa trang, vì trong quá trình cất bốc, quy tập có thông tin sai sót, ông Nga phải đi xác minh, làm các thủ tục cần thiết, để đưa các liệt sĩ về quê an táng theo nguyện vọng của gia đình.

Tháng 5-2020, sau 1 năm nhờ sự kết nối của ông Nga, gia đình của liệt sĩ Hà Văn Thấng và Lữ Văn Thái (cùng ở bản En, xã Phú Thanh, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) bất ngờ đón nhận tin hai liệt sĩ sau gần 50 năm bật vô âm tín. Ông Nga cho biết:

- Đây thực sự là một điều kỳ diệu. Mặc dù trong danh sách quản lý bia mộ có sai tên, lệch họ của liệt sĩ, nhưng với tình cảm của người lính tôi cố gắng sưu tầm, tìm kiếm, khớp nối thông tin để trả lại tên cho anh, từ đó có cơ sở nhắn gửi về cho gia đình, người thân các anh được biết.

Chỉ 1 tháng sau, ông Hà Văn Thềnh, năm nay 70 tuổi không quản ngại đường sá xa xôi vào thăm viếng anh trai - liệt sĩ Hà Văn Thấng đang an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Hiệp Thuận (huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam). Biết thân nhân liệt sĩ rất khó khăn, ông Nga tiếp đón như người thân trong nhà, lo từ nơi ăn chốn ở cho đến phương tiện đi lại. Ông vừa mừng vừa lo, không biết tới khi nào họ mới có điều kiện đón hai liệt sĩ về quê hương. Vì vậy, ông đang kêu gọi sự ủng hộ, chung tay giúp thân nhân của hai liệt sĩ sớm đạt được tâm nguyện.

Chứng kiến cảnh các gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở xa về thăm viếng liệt sĩ chịu nhiều chi phí đi lại đắt đỏ, ông kêu gọi thành lập đội xe máy hỗ trợ thân nhân liệt sĩ.

- Đội xe hoạt động từ năm 2015, có 8 thành viên và đã thực hiện hàng trăm cuốc xe miễn phí, băng rừng vượt suối. Đặc biệt, thành viên của đội có ông Đào Bội Thuyên - nguyên Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức đấy - ông Nga chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Huỳnh Cao Thiện - Chủ tịch Hội CCB tỉnh Quảng Nam khẳng định:

- Sự trở về của các liệt sĩ dẫu có muộn màng nhưng vô cùng ý nghĩa đối với gia đình cũng như những đồng đội còn sống sau chiến tranh. Những việc làm tình nghĩa của CCB Đặng Ngọc Nga góp phần cùng toàn xã hội chăm sóc, đền đáp công ơn những người có công, đồng thời giáo dục thế hệ trẻ biết sống nhân ái, biết trân trọng những giá trị truyền thống, thêm yêu quê hương, đất nước.

Hồ Thanh Hương