Quy định chuẩn cận nghèo ở khu vực nông thôn là 1 triệu đồng/người/tháng; khu vực thành thị 1 triệu 300 nghìn đồng/người/tháng, cao hơn mức quy định cũ. Ngoài tiêu chí về thu nhập, theo chuẩn nghèo mới còn có tiêu chí về mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản gồm 10 chỉ số: Tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.
Với cách tiếp cận này, số hộ nghèo, hộ cận nghèo chắc chắn sẽ thay đổi theo chiều hướng tăng. Ngoài những hộ nghèo về thu nhập theo chuẩn cũ, danh sách mới sẽ bổ sung những đối tượng thiếu hụt các chiều khác như: Y tế, giáo dục, nhà ở, tiếp cận thông tin... Có thể ước tính, tỷ lệ hộ nghèo sẽ vào khoảng 12%, cận nghèo khoảng 6% và dự kiến ngân sách để thực hiện các chính sách hỗ trợ đối tượng nghèo, cận nghèo năm 2016 tăng khoảng 15.000 tỷ đồng so với năm 2015. Nguồn lực cho chính sách giảm nghèo hiện được huy động như thế nào, và làm sao cho hiệu quả cần phải được tính toán kỹ lưỡng trong thực thi. Nhất là khi trách nhiệm giải quyết những vấn đề tồn đọng trong giảm nghèo trước đây như: tỷ lệ tái nghèo cao, bệnh hình thức trong giảm nghèo, số hộ nghèo vẫn chiếm tỷ lệ cao và tập trung tại miền núi… vẫn là món nợ treo đó đối với các cơ quan quản lý.
Hiện Bộ Tài chính đang tiến hành tham gia Báo cáo nghiên cứu khả thi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình giai đoạn 2016-2020. Về kinh phí thực hiện Chương trình này theo Nghị quyết số 100/2015/QH13 của Quốc hội, Bộ Tài chính tính toán cụ thể cho cả giai đoạn dự kiến tổng mức vốn thực hiện từ ngân sách Nhà nước tối thiểu là 46.161 tỷ đồng, trong đó ngân sách TƯ 41.449 tỷ đồng; ngân sách địa phương 4.712 tỷ đồng. Kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2016 được bố trí dự toán trên 7.397 tỷ đồng. Bộ Tài chính cũng đã phân bổ 90% số vốn trên cho các địa phương. Tuy nhiên, thời gian tới, Chính phủ sẽ hạn chế chính sách hỗ trợ cho không, tăng cường chính sách hỗ trợ cho vay có hoàn trả, có điều kiện và có thời hạn, đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức. Hiện nay, các chính sách hỗ trợ nhà ở đã chuyển từ cho không sang cho vay dài hạn, lãi suất thấp. Chính sách vay vốn tín dụng hỗ trợ sản xuất cũng tăng mức cho vay, linh hoạt thời gian vay cho hộ nghèo, cận nghèo. Các chính sách giảm nghèo sẽ được xác định theo hướng phân loại chính sách tác động đến từng nhóm đối tượng cụ thể như hỗ trợ cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng. Chính sách giảm nghèo sẽ tăng quyền quyết định việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ cho cộng đồng để các chính sách hỗ trợ phù hợp với thực tiễn và có hiệu quả tốt hơn.
Tiêu chí mới đòi hỏi cách làm mới. Thay đổi nhận thức của chính quyền địa phương về giảm nghèo là yếu tố căn bản nhất bảo đảm cho chương trình được thực hiện đúng mục đích và có hiệu quả. Gốc rễ của giảm nghèo phải giải quyết vấn đề mấu chốt là cải thiện thu nhập và kích thích ý thức tự vươn lên của các hộ nghèo, chứ không nên tạo cơ chế để họ ỷ lại, không muốn thoát nghèo.
Dương Sơn