Tờ Bangkok Post vừa có bài viết cho biết, với ngân sách quốc phòng năm tài khóa 2016 tăng lên. Hải quân Hoàng gia Thái Lan (RTN) dự tính đề xuất mua 2 đến 3 tàu ngầm trong ngân sách năm 2016. Bộ trưởng Quốc phòng Prawit Wongsuwan đã ủng hộ kế hoạch này về mặt nguyên tắc. RTN đang xem xét các tàu ngầm từ nhiều nguồn, nhưng tàu lớp Chang Bogo của Hàn Quốc được lưu tâm nhất do có chi phí thấp nhất, khoảng 330 triệu USD một chiếc.
Đối với các nhà quan sát nhiều năm theo dõi tình hình quân sự trong khu vực, kế hoạch mua tàu ngầm của Thái Lan không có gì mới và cũng không gây bất ngờ. Thiếu khả năng hoạt động ngầm dưới nước từ năm 1951 nên từ năm 1990, nước này đã cố tìm kiếm các hợp đồng tàu ngầm với nhiều nước, gần đây nhất là với Đức và Hàn Quốc. Mặc dù chưa có thỏa thuận nào đạt được, yêu cầu tàu ngầm của Thái Lan đã trở thành ưu tiên hàng đầu sau khi chính quyền quân sự nắm quyền trong cuộc đảo chính hồi tháng 5-2004.
Tháng 7-2014, RTN chính thức khai trương một trung tâm huấn luyện tàu ngầm trị giá nhiều triệu USD; đây là bước ngoặt đáng kể trong nỗ lực cải thiện khả năng của hải quân, bao gồm cả việc gửi sĩ quan ra nước ngoài (Hàn Quốc hoặc Đức) để huấn luyện.
Tư lệnh RTN, Kraisorn Chansuwanich cho hay ông đã “hồi sinh các dự án mua tàu ngầm và đã trình đề xuất tới Bộ trưởng Quốc phòng Prawit, và ông Prawit đã đồng ý với kế hoạch”.
Các quan chức Hải quân Thái Lan khẳng định: có tàu ngầm sẽ giúp Thái Lan đảm bảo được tự do hàng hải ở vịnh Thái Lan nếu các tranh chấp lãnh thổ kéo dài ở Biển Đông bùng lên ngoài tầm kiểm soát. Tàu ngầm cũng có thể được sử dụng như một lá chắn hiệu quả và bảo vệ chủ quyền của Thái Lan vào thời điểm khi nhiều quốc gia láng giềng cũng đang đẩy nhanh tiến độ cải thiện các khả năng tàu ngầm.
Hải quân Hoàng gia Thái Lan được trang bị nhiều lớp tàu chiến nhất khu vực Đông Nam Á, đặc biệt đây là lực lượng duy nhất trong khu vực có tàu sân bay.
Duy Quang