CCB bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Mai (bên trái) và CCB bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà.

Đại dịch Covid-19 ở T.P Hồ Chí Minh tạm lắng xuống. Khi các y, bác sĩ tăng cường cho các cơ sở y tế để chống dịch đã rút, tôi tới gặp hai Đại tá, bác sĩ CCB khi họ đang chuẩn bị tư trang vào tăng cường cho Bệnh viện dã chiến 5C, do Bệnh viện 7A Quân khu 7 phụ trách có nhiệm vụ điều trị cho số bệnh nhân được dồn lại từ các bệnh viện dã chiến.

Quả thực, nhìn hai bác sĩ quân y, CCB tuổi đã ngoài sáu mươi, mái tóc điểm bạc mà suốt 4 tháng qua, các chị không được một ngày nghỉ, giờ đây lại vào vị trí chiến đấu lâu dài, bền bỉ để điều trị bệnh cho các bệnh nhân, tôi thật cảm phục. Đó là Đại tá Nguyễn Thị Ngọc Mai - bác sĩ chuyên khoa cấp 1, nguyên Trưởng khoa và Đại tá, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà - nguyên quyền Trưởng khoa Truyền nhiễm và Da liễu Bệnh viên Quân y 7A Quân khu 7. Hai nữ CCB có hai hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ đều chung một trái tim tràn đầy nhiệt huyết, quyết tâm lăn lộn để chống chọi với dịch vì sức khỏe cộng đồng.

Là thiếu nữ Hà Nội, năm 1975 cùng gia đình vào T.P Hồ Chí Minh, với hoài bão phục vụ quân đội, chị Mai quyết tâm thi và đỗ Học viện Quân y. Qua 6 năm học tâp (1982-1988), tốt nghiệp ra trường chị được điều về công tác tại viện Quân y 7A. Trưởng thành từ bác sĩ đến Trưởng khoa Truyền nhiễm và Da liễu cho đến lúc nghỉ hưu.

Khi dịch bùng phát, hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ Y tế và chính quyền thành phố, chị Mai đã viết đơn tình nguyện vào đội ngũ đi chống dịch và đươc cấp trên tin tưởng làm Trưởng đoàn của Bệnh viên 7A tăng cường cho Bệnh viện điều trị Covid Trần Văn Việt, với 32 người, trong đó có 9 bác sĩ (6 bác sĩ về hưu tình nguyện). Ngày 15-7-2021, các anh chị có mặt tại bệnh viện bắt đầu triển khai nhiệm vụ với muôn vàn khó khăn gian khổ, bởi các y, bác sĩ chuyên môn, chuyên khoa khác nhau, lại thiếu đội ngũ hộ lý, nhân viên vệ sinh, nên mọi việc chăm sóc bệnh nhân các chị đêu phải lo.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, các y, bác sĩ vưa bắt tay điều trị ngay cho 300 bệnh nhân, vừa phải tranh thủ ổn định nơi ăn nghỉ.

Là một bệnh viên dã chiến, phương tiện vật chất ban đầu vô cùng thiếu thốn, thiếu bộ đồ bảo hộ, ô xy cho bệnh nhân, xe đẩy máy thở; trong khi đó y, bác sĩ chưa có kinh nghiệm, tâm lý căng thẳng vì dịch bùng phát mạnh, diện rộng; bệnh nhân chưa tiêm phòng, bệnh nền nặng, suy hô hấp rất dẽ tử vong nhanh chóng.

Bệnh viện 7A trên danh nghĩa là phối thuộc, nhưng thực tế đội ngũ thầy thuốc của bệnh viện là lực lượng then chốt từ khâu hồi sức cấp cứu đến điều trị cho bệnh nhân nặng, họ đã phát huy tối đa nghị lực chuyên môn của mình để giải quyết cho bệnh nhân, củng cố tinh thần cho anh chị em.

Chị Mai tâm sự: “Covid thực sự là nỗi ám ảnh của nhiều người, tôi đã chống dịch, điều trị bệnh cho bệnh nhân và bản thân nhiễm dịch; bằng kinh nghiệm, bản lĩnh của người CCB, tôi đã vượt qua và cùng y, bác sĩ Bệnh viện Lê Văn Việt cứu chữa hiệu quả cho dân. Bây giờ dịch bệnh cơ bản đã được khống chế, chúng ta đang thấy “ánh sáng cuối đường hầm”. Tôi tin dịch bệnh sẽ đẩy lùi, tương lai ngày mai sẽ tươi sáng”.

Còn Đại tá - bác sĩ CCB Nguyễn Thị Thu Hà thì tâm sự: “Với trách nhiệm là một bác sĩ chuyên ngành truyền nhiễm, tôi ý thức chúng ta đang phải chiến đấu với kẻ thù giấu mặt không từ một ai kể cả đội ngũ thầy thuốc”.  

Thực vậy, là bác sĩ lâu năm trong nghề, chị Hà đã dồn hết tâm huyết của mình cho bệnh nhân. Chị nói: “Chúng tôi có lợi thế là đã làm công tác điều trị lâu năm, nên có những triệu chứng của bệnh nhân chỉ quan sát bằng mắt thường đã chẩn đoán được, để ra phác đồ điều trị. Ví dụ chẩn đoán cấy máu khi nghi ngờ nhiễm khuẩn huyết, đọc các xét nghiệm đông máu để tiên lượng huyết khối...

Điều hai nữ CCB phấn khởi nữa là họ đã góp phần đào tạo các bác sĩ, điều dưỡng còn trẻ kinh nghiệm điều trị. Các chị đã quyết định chuyển hướng ngay những ca mà trước đây bác sĩ chưa đánh giá đúng, mức tiên lượng bệnh đáp ứng điều trị cho tốt để bệnh nhân không bị chuyển quá nặng.

“Tôi còn huấn luyện cả những bệnh nhân nặng đã khỏi nguy kịch tham gia chăm sóc lại các bệnh nhân khác. Không chỉ làm giảm bớt áp lực cho y, bác sĩ điều dưỡng, mà những bệnh nhân này còn có kinh nghiệm từ bản thân hướng dẫn cho người bệnh cách tự điều trị thành công. Nhiều bệnh nhân được cứu sống nhờ mô hình này.” - bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà nói.  

Bác sĩ thu Hà cười và nói với tôi: “Nhưng đúng là tuổi của chúng mình mặc bộ bảo hộ kín mít thế này thua các bác sĩ trẻ thât. Lúc bỏ bộ bảo hộ thay ca, mới thấy mặt mình biến dạng, bàn tay nhợt nhạt nhăn nheo...”.

Hai chị kể cho tôi nghe, các chị đã cùng đội ngũ thầy thuốc của bệnh viên cứu được rất nhiều bệnh nhân nguy kịch. Đó là nguồn động viên lớn nhất giúp các chị có thêm nghị lực vượt qua những khó khăn vì sức khỏe, tuổi tác. Hai chị tin rằng, dù dịch bệnh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhưng chắc chắn chính quyền và nhân dân thành phố sẽ đẩy lùi được dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.  

Bài và ảnh: Nguyễn Hồng Thái