• 12 giờ 30 phút ngày 6-3-2016, tàu cá mang biển số QNa 91939 Ts do ngư dân Vũ Quang Thái, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam làm Thuyền trưởng, cùng 9 lao động đang khai thác ở tọa độ 15,57 độ vĩ bắc,- 111,48 độ kinh đông tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu Hải cảnh số 46101 của Trung Quốc cùng 2 tàu không rõ số cặp mạn, mở bạt che, súng chĩa về phía tàu cá; 11 người Trung Quốc, có 2 người nói được tiếng Việt, xông lên phá máy Icom nhằm cắt đứt liên lạc với các cơ quan chức năng trên đất liền, dùng gậy và roi điện đập phá tài sản, cướp đi toàn bộ lương thực, nước uống, gần 1 tấn hải sản, cắt phá lưới và ngư cụ, gây thiệt hại khoảng 300 triệu đồng; bắt tàu cá phải quay về đất liền, dọa nếu còn gặp lần sau sẽ đâm vỡ tàu. Hành động ngang ngược nói trên buộc Nghiệp đoàn cá Việt Nam ngày 11-3 phải ra thông báo công khai phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc bồi thường thiệt hại.
    Từ sự kiện mới đó buộc ta phải lược lại những hành động của "Hải cảnh" Trung Quốc với ngư dân Việt Nam trong mấy năm nay:
  • Chiều 31-5-2015, "Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2" (Đà Nẵng MRCC) nhận được tin báo ngư dân Phạm Thanh Ngọc trên tàu cá QNa 90927 Ts đang đánh bắt ở ngư trường quen thuộc Hoàng Sa bị bệnh nặng, yêu cầu được cấp cứu. Trung tâm Đà Nẵng MRCC điều tàu cứu nạn SAR 142 tới đón bệnh nhân về đất liền, đi ngang đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa) khoảng 8 hải lý thì bất ngờ một tàu Trung Quốc lao tới, phát tín hiệu cảnh báo yêu cầu phải ra khỏi khu vực. Sau khi tiếp cận tàu QNa 90927, lực lượng cứu nạn dùng xuồng di chuyển ông Ngọc sang tàu SAR142 để quay về đất liền, ngang qua đảo Tri Tôn bị tàu Trung Quốc tăng tốc lao thẳng vào tàu cứu nạn may mà SAR 142 đã kịp thời tránh được.
  • Ngày 27-5-2015, tàu cá BĐ 96680 Ts do ông Lã Văn Quen vừa là chủ vừa là Thuyền trưởng đang đánh bắt tại tọa độ 15 độ vĩ bắc, 112 độ kinh đông tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam thì bị một tàu Hải cảnh Trung Quốc bất ngờ xông tới tấn công bằng vòi rồng làm hỏng máy liên lạc, giàn câu, giàn đèn, làm vỡ nát nhiều chỗ tại mũi và hông tàu.
  • Sáng 10-5-2014, tàu Qng 96147 do ngư dân Dương Văn Giàu, người xã An Hải, huyện Lý Sơn là chủ tàu kiêm Thuyền trưởng cùng 15 lao động đang đánh bắt tại tọa độ 16, 45 độ vĩ bắc, 112,20 độ kinh đông tại vùng biển Hoàng Sa, cũng bị một tàu Hải cảnh Trung Quốc tấn công, cướp toàn bộ ngư cụ, tài sản.
  • Chiều 7-5-2014 tàu Qng 96345 Ts do ngư dân Nguyễn Chí ở thôn Tây, xã An Hải, huyện Lý Sơn làm Thuyền trưởng, trên tàu có 12 lao động đang đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu Hải cảnh Trung Quốc rượt đuổi, cướp tài sản, đập phá hệ thống thông tin khiến tàu cá trôi dạt trên biển phải chờ tàu bạn lai dắt mới về được đất liền.
  • Để bổ sung bản "thành tích bất hảo" của Hải cảnh Trung Quốc, không thể không nhắc lại vụ "giết người cướp của" xảy ra từ đầu năm 2005. Đó là vụ ngày 8-1-2005, tàu cá của anh Phạm Văn Quân và 1 tàu cá khác đang đánh bắt tại Vịnh Bắc Bộ thì bị một tàu Trung Quốc đuổi theo, tàu anh Quân bị bắn chết 1 người và trọng thương 5 người, nhưng chạy thoát về đất liền, một tàu khác bị bắn chết 8 người, 8 người khác bị thương, cả tàu và người đều bị phía Trung Quốc bắt giữ khiến ngày 13-1-2005, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ta phải ra tuyên bố: "Chúng tôi coi việc tàu Trung Quốc bắn chết 9 người dân Việt Nam và làm bị thương nhiều người khác, gây thiệt hại đến tài sản và ngư cụ của ngư dân Việt Nam là nghiêm trọng. Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc có các biện pháp tích cực nhằm ngăn chặn và chấm dứt ngay những hành động sai trái trên, cho điều tra và xử lý nghiêm những kẻ bắn chết người".
    Hãng Blomberg gần đây cho biết: tàu Hải cảnh Trung Quốc trước chỉ có còi hú và vòi rồng phun nước, nay tàu Hải cảnh "Quái thú", số hiệu 3901 còn được trang bị 2 khẩu pháo bắn nhanh 76mm cùng 2 khẩu pháo nhỏ hơn và 2 súng máy phòng không, là tàu cảnh sát biển lớn nhất thế giới, còn lớn hơn vài kiểu tàu khu trục của nhiều nước...
    Từ đó, giữa "Hải cảnh" và cướp biển, phải gọi là gì cho thật đúng, xin tùy ý bạn đọc!
    Thiếu tướng GS Bùi Phan Kỳ